Để tôi kể bạn nghe câu chuyện về một cái đài. Chiều nay (thời điểm bài viết được xuất bản - giữa tháng 5/2018), tôi sẽ công bố danh sách 23 tuyển thủ dự World Cup tại Nga. Với tôi, đấy là một vinh dự, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề. Tôi hiểu ngày hôm nay có ý nghĩa thế nào đến các cầu thủ và đất nước mình. Nhưng trước khi công bố những lựa chọn, tôi sẽ giải thích cho mọi người hiểu nghề nghiệp này có ý nghĩa với mình thế nào. Để làm việc ấy, tôi phải khởi đầu bằng câu chuyện về một cái đài radio. Vì ngày tôi còn bé, radio không chỉ là một chiếc hộp nhỏ màu đen.
Với tôi, nó là một chiếc hộp ma thuật.
Nghe có vẻ than nghèo kể khổ, nhưng khi còn bé, gia đình tôi không đủ tiền để mua tivi. Bố mẹ tôi chỉ là những nông dân nghèo ở một miền quê khiêm tốn. Năm tôi lên ba, gia đình đã chuyển từ quê lên thành phố, hy vọng có được cuộc sống khá hơn. Bố tôi xin vào làm tại một xưởng rượu, còn mẹ ở nhà làm thợ may. Tôi nhớ mình vẫn hay mè nheo mẹ: "Con thích uống soda cơ", và mẹ nói: “Nào, ngoan đi, Ade! Rồi con sẽ có”.
Hai hay ba ngày sau, tôi đi học về thì đã thấy chai soda trên bàn. Những ngày ấy, soda là một thức uống xa xỉ. Mãi đến sau này tôi mới phát hiện ra để có một chai soda mát lạnh, mẹ tôi đã phải may đồ đến tận ba giờ sáng để có thêm chút tiền. Một chai nước bé nhỏ làm vui cậu con trai bé nhỏ, mà mẹ tôi phải quần quật hết bốn, năm tiếng đồng hồ.
Tôi của những ngày ấy đâu đã hiểu sự hy sinh lớn lao ấy. Với đứa bé ấy, soda là điều kỳ diệu, mà mẹ chính là một nhà ảo thuật!
Bố thì khác hơn một chút. Ông ấy rất thẳng thắn. Khi nói gì, ông ấy cũng nhìn thẳng vào người đối diện. Bố không thích nói chuyện phiếm. Khi ngồi trên bàn ăn, chỉ cần một cái nhướng mày, ông đã ra lệnh cho tôi chuyền ổ bánh mì. Không nói một lời. Chủ đề hiếm hoi kết nối hai bố con chính là bóng đá.
Tôi nhớ World Cup 1970, cả đất nước như dừng lại để chú tâm vào các trận đấu. Lúc ấy tôi mới chín tuổi, ngồi trước cái đài với bố và lắng nghe những điều ma thuật về bóng đá. Có cảm giác trận đấu là những câu chuyện ly kỳ, đang được bình luận viên trong radio kể lại. Bóng đá với tôi là một môn nghệ thuật, không khác gì một bức tranh đẹp, một quyển sách hay. Khi Brazil lên bóng tấn công, bình luận viên sẽ vẽ trong đầu chúng tôi một bức tranh bằng ngôn từ của mình. Xem bóng đá trên TV cũng hay, nhưng lại là một trải nghiệm rất khác. Nó ít bí ẩn hơn, ít đòi hỏi sự tưởng tượng hơn, vì mọi thứ đang hiện ra trước mắt. Còn khi trước mặt bạn là cái đài radio, sân bóng và cầu thủ sẽ hiện lên tự do trong tâm trí bạn, theo lời bình luận của bình luận viên.
Tôi không bao giờ quên được trận bán kết với Uruguay. Brazil bị ép trong hầu hết hiệp đầu và bị dẫn trước 1-0. Nhưng trước khi bước vào giờ nghỉ, chúng tôi đã kịp nghe giọng gào đầy cảm xúc ấy.
“Tostao … Clodoaldo … Clodoaldoooooooooooooooo!!!!!!”.
Đấy là một khoảnh khắc bùng nổ, chúng tôi hò hét trong niềm vui khôn tả. Nhưng tôi vẽ mãi không ra tình huống ấy. Bởi vì bình luận viên nói Tostao chuyền cho Clodoaldo dâng lên ghi bàn. Tôi tự hỏi: “Làm sao có chuyện kỳ lạ như thế? Clodoaldo là một tiền vệ phòng ngự cơ mà?” Rồi tôi lại tự hỏi: “Làm thế nào Tostao lại rời xa vòng cấm để chuyền bóng vào trong? Anh là tiền đạo mà? Sao lại kỳ quái vậy?”
Nhưng tôi không bao giờ quên tiếng gào ấy:
“Tostao … Clodoaldo … Clodoaldoooooooooooooooo!!!!!!”
Sáng hôm sau, tôi đọc bài phân tích trên báo của Giáo sư Ruy Carlos Ostermann. Lúc ấy tôi mới có thể tưởng tượng lại pha ghi bàn ấy trong đầu mình, sống động và rất đẹp. Tôi không nhớ là sau này, mình có xem lại pha ghi bàn ấy trên tivi hay không. Vì với tôi cũng như hàng triệu người nghèo không có tiền mua tivi ngày đó, việc ấy chẳng có gì quan trọng cả. Ký ức trong tưởng tượng của chúng tôi đã quá đẹp rồi. Nó là câu chuyện tuyệt vời nhất từng được kể, không một phiên bản nào có thể hay hơn được.
Thật buồn cười khi tôi luôn đọc mọi bài báo của giáo sư Ostermann viết về chiến thuật của Gremio. Tôi mê mẩn những phân tích của ông và tự hỏi: “Chà, thú vị quá, không biết làm HLV thì sẽ thú vị đến đâu nữa nhỉ?”.
Tự hỏi thế, nhưng quả thực là tôi chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành HLV. Cũng như mọi cậu bé đã lớn lên cùng ký ức World Cup 1970, tôi chỉ mơ được trở thành cầu thủ, được khoác lên mình màu áo vàng của đội tuyển. Nhưng không may, số phận lại chọn cho tôi một con đường khác. Sự nghiệp cầu thủ của tôi trải qua bảy ca phẫu thuật khác nhau với cùng một cái đầu gối. Ở tuổi 27, tôi đã phải giã từ sân cỏ, quá trẻ. Và vì bóng đá là lẽ sống, tôi bắt đầu con đường huấn luyện.
Thật khó tin là tôi đã làm công việc này được gần ba mươi năm. Cuộc đời của một HLV cũng không khác gì đời cầu thủ, tức là chẳng đoán trước được điều gì. Cách đây tám năm, lúc còn cầm quân cho Al Wahda FC, tôi đang ngồi trong căn hộ của mình ở Abu Dhabi thì nhận được một cuộc gọi đổi đời. Andres Sanchez (Chủ tịch CLB Corinthians) ở đầu dây bên kia, anh ấy mời tôi trở lại Brazil dể dẫn dắt Corinthians. Tôi mới bảo anh ấy: "Tôi e mình không làm nổi".
Lúc ấy, vợ tôi đang yêu cuộc sống tại Abu Dhabi, con gái của chúng tôi thì vừa làm bài thi đầu vào tại một trường học. Chúng tôi đang tận hưởng mọi thứ, cuộc sống không có chút áp lực nào. Thật sự là hoàn hảo.
Thế nên tôi nói với vợ mình: “Em à…”
Và vợ tôi đáp ngay: “Thôi nào, anh đừng chối. Em biết là anh muốn trở lại”
Cô ấy biết bóng đá luôn ở trong tim tôi. Và thế là vài ngày sau đó, tôi đã ngồi trên chuyến bay trở lại Sao Paulo. Trên đó, tôi đã tự nói với mình: “Chà, mình chuẩn bị được dẫn dắt Ronaldo và Roberto Carlos, hai huyền thoại lớn. Vinh dự lớn lắm đây”.
Vài tháng đầu tiên sau khi trở lại thật kinh khủng. Và rồi chúng tôi có một trận đấu đơn giản tại vòng loại Copa Libertadores với Tolima ở Colombia. Hóa ra trận ấy cũng… không đơn giản mấy. Chúng tôi thua trận và bị loại - một kết quả không thể chấp nhận với một CLB như Corinthians. Kết thúc trận đấu, tôi nhìn lên dàn đèn và nghĩ: “Thôi rồi, vậy là tiêu”.
Khi chúng tôi trở về Sao Paulo, một số CĐV quá khích đã tràn vào sân tập, phá hoại xe hơi của tất cả chúng tôi bằng gạch đá, dọa tấn công các cầu thủ. Đấy là một thời điểm đáng sợ, bởi vì họ chỉ là những kẻ du côn núp bóng dưới danh nghĩa CĐV. Một trong những thủ môn của chúng tôi, Raphael, nói với toàn đội: “Bọn mình không phải những tên trộm. Bọn mình cũng là những con người. Bọn mình cũng lao động vất vả và có gia đình. Bọn họ đâu thể làm vậy với mình”. Rồi anh ta khóc trước mặt mọi người. Đấy là một khoảnh khắc khó tả thành lời. Cậu ấy là một người đa cảm, và cảm xúc lúc ấy của Raphael là rất thật.
Tôi bèn đứng dậy và nói: “Nào Raphael, đừng lo. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua việc này”.
Thú thật là lúc ấy tôi cũng không dám chắc điều mình đang nói. Khi lái xe về nhà với chiếc kính chắn gió phía sau bị phá nát, tôi chỉ có duy nhất một suy nghĩ trong đầu: Liệu ngày mai mình còn được làm việc hay không?
Cuối cùng, giữa vô vàn áp lực, Corinthians vẫn giữ tôi lại. Với tôi, đấy là một điều kỳ diệu. Chỉ một năm sau đó, tôi và vợ mình ngồi trong nhà bếp và cùng nhâm nhi một ly rượu. Khi ấy là bốn giờ sáng, và chúng tôi vừa trở về sau khi giành Cúp Libertadores.
Rồi tôi bất giác hỏi vợ: “Em ơi, chúng ta có xứng đáng với thành quả này không?".
Rồi cô ấy nhắc cho tôi nhớ tất cả những gì mà hai vợ chồng đã cùng trải qua, không chỉ là cuộc tấn công trên sân tập sau thảm họa Tolima, mà còn là tất cả những hy sinh mà cô ấy và các con đã phải trải qua trong chừng ấy năm. Vừa lúc ấy, có tiếng ồn bên ngoài. Chúng tôi tiến ra cửa sổ, một nhóm CĐV Corinthians đang đứng dưới đường, và hát vang tên tôi.
Thật không thể tin được. Trời ơi, chỉ một năm mà bao nhiêu thứ thay đổi!
Đêm ấy, tôi ôm chiếc Cúp Libertadores trong tay mình và bật khóc. Nhiều người vẫn tự hỏi: Tại sao bóng đá lại khiến cho đàn ông yếu mềm như vậy. Tôi có thể trả lời: Vì đó không chỉ là bóng đá, mà còn là một điều thiêng liêng hơn - đó là gia đình.
Không thể diễn tả cảm xúc mà bóng đá mang lại cho những người ngoại đạo. Ví dụ như khi Brazil đấu với Đức tại World Cup 2014, tôi xem cùng vợ mình ở căn hộ. Khi Đức nâng tỷ số lên 4-0, vợ tôi đổ gục xuống khóc nức nở. Tôi hỏi cô ấy có ổn không, nhưng cô ấy chỉ khóc và khóc. Vì lúc ấy, cô ấy không suy nghĩ như một CĐV thuần túy, mà suy nghĩ bằng tâm thế người vợ của một HLV. Cô ấy biết cảm giác ấy đau đớn thế nào với cầu thủ, Ban huấn luyện và gia đình của họ.
Sau thất bại 1-7 lịch sử ấy, tôi tin mình sẽ trở thành HLV tiếp theo của Brazil. Tôi đã mong chờ điều ấy. Bởi vậy, lúc tôi vuột mất cơ hội ấy, nói thật là tôi rất giận, và rất buồn nữa. Nhưng tôi đã nghĩ về mẹ mình. Bà là một chiến binh. Mỗi lần gia đình nguy khốn, bà đều lao động cật lực hơn. Bà sẽ may vá cho đến khi bàn tay chai sạn đi, chỉ để cho lon soda xuất hiện trên bàn như một phép màu. Bà chính là nguồn cảm hứng của tôi.
Suốt một tuần sau khi Liên đoàn bóng đá Brazil quyết định chọn người khác, tôi đã khóc. Nhưng sau khi gạt lệ, tôi bắt đầu chiến đấu. Tôi biết mình phải rời khỏi Brazil để học chiến thuật, tôi phải mở rộng trí óc và học thêm những triết lý bóng đá mới. Tôi lên máy bay, rời bỏ những bóng ma ở phía sau. Có hai người đặc biệt quan trọng đã giúp tôi rất nhiều trong thời gian “tu luyện” ấy. Và tôi cũng muốn nhân đây gửi lời cảm ơn: ông Carlo Ancelotti và ông Carlos Bianchi.
Ancelotti cực kỳ tử tế trong thời gian tôi lưu lại Madrid. Chỉ một tuần thôi, nhưng ông đã giảng giải cho tôi rất nhiều về phong cách chiến thuật của mình: tấn công với 4-3-3 nhưng phòng ngự với 4-4-2. Ancelotti chia sẻ những dữ liệu ông thu thập được về các cầu thủ, cách tổ chức buổi tập, cách lên chiến lược. Ngồi nghe ông ấy nói, tôi có cảm giác mình như trẻ con bước vào cửa hàng kẹo. Trong ba kỳ World Cup gần nhất, tôi luôn ghi chú tất cả về chiến thuật trong từng trận đấu vào sổ. Vợ tôi nghĩ tôi hơi làm quá, nhưng đấy là đam mê của tôi. Một số người thích đọc sách về lịch sử hoặc chơi trò ô chữ. Nhưng tôi thích viết về sơ đồ và chiến thuật. Thế nên khi có cơ hội được đàm luận với Ancelotti, người đã huấn luyện Cristiano Ronaldo, Isco và Sergio Ramos, tôi thật sự mở mang đầu óc.
Khi đến thăm Bianchi ở Boca Juniors, cuộc đàm luận lại diễn ra theo một cách khác. Chúng tôi ăn trưa cùng nhau, nói về những cuộc chiến của chúng tôi hết năm này qua năm khác. Tôi không bao giờ quên khi ông nói với tôi: "Corinthians của anh rất mạnh về tâm lý. Bởi vì các cầu thủ Argentina rất biết cách chọc tức các cầu thủ Brazil, nhưng cầu thủ của anh lại giữ sự tỉnh táo rất tốt".
Tôi lưu những bài học từ Ancelotti và Bianchi vào bộ nhớ của mình. Khi trở lại Corinthians, nhiệm vụ của tôi là thích nghi và cải tiến. Tôi không muốn mình vẫn là người HLV cũ như khi vô địch Cúp Libertadores. Lúc đó, chúng tôi là một đội bóng rất cân bằng và ổn định, nhưng nguồn sáng tạo chính của chúng tôi vẫn đến từ những pha xâm nhập vòng cấm của Paulinho. Paulinho là một cầu thủ đặc biệt, độc nhất vô nhị. Mỗi khi lên tuyển, các tiền đạo thường hay đùa như thế này: “OK, giáo sư. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để chạm bóng, nhưng dù bất kỳ chuyện gì xảy ra đi nữa thì Paulinho cũng từ dưới đất chui lên và ghi bàn”.
Khi trở lại Corinthians, tôi muốn tăng tốc độ trong những pha tấn công. Thế nên, khi vô địch Brazil năm 2015, tôi cảm thấy rất tự hào. Vì chúng tôi đã vô địch với thứ bóng đá tấn công đẹp mắt. Tôi có trong tay Jadson, Renato Augusto, Elias, Ralf và Bruno Henrique đều ở đỉnh cao phong độ, và họ chơi bóng với ngập tràn cảm hứng.
Mùa giải ấy, tôi nhận ra: có lẽ mọi thứ trên đời diễn ra đều có lý do. Tôi không được chọn làm HLV đội tuyển Brazil vào năm 2014 hóa ra lại là điều tốt. Vì tuy là có đau buồn thật, nhưng tôi đã có cơ hội được học lại từ đầu.
Tháng 6/2016, Liên đoàn bóng đá Brazil gọi điện mời tôi lên nói chuyện. Khi họ chính thức mở lời mời, cảm giác đầu tiên của tôi là sung sướng choáng ngợp. Nhưng rồi thực tế kéo tôi trở lại. Brazil đang gặp khó khăn lớn ở vòng loại. Nếu để thua Ecuador, đấy sẽ là một cơn khủng hoảng. Thực sự lúc ấy, tôi có cảm giác như mình vừa được cỗ máy thời gian đưa về quá khứ, khi tôi vừa cùng đội nhà thất bại ngay vòng loại Copa Libertadores. Và tôi lo sợ: Trời ơi, chuyện gì xảy ra nếu chuyện ấy lặp lại với Brazil và World Cup? Chẳng lẽ đấy là định mệnh của mình sao?
Sáng hôm sau, tôi thức dậy và nghĩ trong đầu: "Mình sẽ từ chối đề nghị này. Đây không phải là lúc thích hợp".
Nhưng rồi tôi tiếp tục suy nghĩ, đắn đo. Và tôi nghĩ về bố mẹ mình. Tôi nghĩ đến hình ảnh người mẹ vẫn cặm cụi với chiếc máy may đến tận ba giờ sáng. Tôi nghĩ đến hình ảnh chính mình, ngồi trước cái đài với bố, nghe bình luận tả về trận đấu của đội tuyển. Rồi tôi tự nhủ: "Nào, mày đã chiến đấu cho ước mơ này. Bố mẹ đã chiến đấu vì ước mơ này. Giờ là lúc biến ước mơ thành hiện thực".
Thế là tôi nhận lời, với tất cả niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm to lớn. Ngày đầu tiên lên tuyển, tôi áp dụng bài học từ bố. Tất nhiên là tôi thích nói về chiến thuật và chiến lược, nhưng tôi nghĩ bước quan trọng nhất là gọi điện cho mọi cầu thủ, nói chuyện riêng với từng người một. Ban đầu tôi còn định gặp từng người, để có thể trực tiếp nhìn vào mắt họ. Nhưng việc ấy quá khó khăn vì các tuyển thủ Brazil tản mát ở khắp thế giới.
Tôi nhớ cuộc gọi với Marcelo. Đây là một tài năng đặc biệt, và tôi không hiểu sao cậu ấy lại không còn được gọi lên tuyển. Tôi mới hỏi: “Chuyện gì thế? Cậu chấn thương mấy đợt tập trung trước à?”
Và cậu ấy nói: “Sếp biết không, từ khi 17 tuổi đến giờ, tôi đã gắn bó với màu áo đội tuyển. Đầu tiên là những tuyến trẻ, sau đó là đội tuyển quốc gia. Nhưng mỗi lần được gọi, cả tôi lẫn gia đình đều cảm thấy hạnh phúc và tự hào. Nên chỉ cần ông gọi tôi, tôi chắc chắn sẽ lên máy bay, bất luận chuyện gì xảy ra”.
Rồi tôi gọi cho Dani Alves và Neymar. Bất kỳ ai biết hai cái tên này đều hiểu họ tận tâm thế nào cho đội tuyển. Những cuộc điện thoại ấy đã hiện thực hóa ý tưởng của tôi: tạo ra một môi trường làm việc mà tất cả đều muốn chiến đấu vì tập thể.
Trước khi bước vào trận đấu với Ecuador, tôi cho các cầu thủ xem băng ghi hình một trận bóng rổ! Đấy là trận chung kết NBA mà Cleveland đấu với Golden State. Có một pha bóng rất đẹp, khi LeBron James chuyền cho Kyrie Irving. Kyrie tung một cú ném khó và trượt. Bạn biết LeBron, siêu sao số một thế giới, làm gì không? Có lẽ anh ta sẽ vung tay tiếc nuối, theo kiểu: "Sao lại có thể ném thế cơ chứ?".
Nhưng không, LeBron cực kỳ tập trung. Anh ấy lao đến tranh quả bóng bật bảng. Theo bạn anh ta làm gì tiếp theo? Tự mình ném rổ ư? Không. Anh ấy chuyền tiếp cho Kyrie, và lần này Kyrie ghi điểm.
Tôi nói với các cầu thủ của mình: “Đây là bầu không khí mà chúng ta cần để thành công. Mọi người sẽ chiến đấu vì nhau, ngay cả khi mình là ngôi sao”.
Trận đấu với Ecuador thật sự đã kéo chúng tôi lại với nhau. Hiệp 1 cực kỳ căng thẳng. Chúng tôi không thể ghi bàn, làm cho tôi nhớ lại cảm giác hồi theo dõi trận bán kết World Cup 1970 qua radio. Khi Neymar phá vỡ thế bế tắc từ chấm phạt đền, mọi thứ sau đó trở nên suôn sẻ. Chúng tôi thắng 3-0. Và từ ấy, Brazil không còn nhìn lại sau lưng nữa.
Sau trận đấu, chúng tôi cùng ngồi trong phòng thay quần áo, rất gần nhau, chúng tôi cầu nguyện. Một vài thành viên trong Ban huấn luyện và nhân viên an ninh đi ra khỏi phòng, tôi gọi họ lại và nói: “Không, hãy ở lại. Chúng ta tất cả cùng cầu nguyện và tạ ơn Chúa”.
Với tôi, đấy là một khoảnh khắc vô cùng cảm xúc.
Bây giờ, chúng tôi đang rất gần đến vòng chung kết World Cup, tôi buộc phải ra những quyết định thật sự khó khăn. Tôi biết mình không thể lựa chọn được hết những cầu thủ xứng đáng. Chẳng hạn ở vị trí hậu vệ cánh trái, tôi có đến ba phương án tuyệt vời nhưng chỉ được chọn hai. Vì thế, chúng tôi không thể chọn người “xứng đáng nhất”, mà sẽ chọn người giúp chúng tôi có khả năng vô địch nhất. Một ví dụ cho dễ hiểu: năm 2012, Jorge Henrique không xứng đáng đá trận chung kết World Cup các CLB cho Corinthians (đấu với Chelsea). Douglas và Romarinho đang có phong độ tốt hơn. Nhưng đội bóng cần cá tính của cậu ấy để thắng trận, và tôi đã phải ra một quyết định khó khăn.
Tất nhiên khi phải ra một quyết định ảnh hưởng đến ước mơ World Cup của người khác, đấy là một gánh nặng. Nhưng tôi mong mọi người sẽ hiểu và chấp nhận.
Tôi biết nếu bố có mặt ở đây, ông ấy sẽ nói: “Con phải để cho những chàng trai trẻ được thi đấu!”
Không hiểu vì sao, bố tôi luôn có cảm giác những cầu thủ lớn tuổi thì sẽ chậm chạp. Nếu một người đã trên 27, bố tôi không tin người ấy nữa. Ông ấy luôn nói: “Bọn cầu thủ lớn tuổi cứ như rùa bò ấy! Đám trẻ mạnh mẽ hơn, xông xáo hơn. Hãy chọn những cầu thủ trẻ!".
Tôi ước gì ông được nhìn thấy Dani Alves thi đấu và nhảy nhót trong phòng thay quần áo ở tuổi 35, có khi ông sẽ thay đổi quyết định.
Khi bố qua đời, mẹ mới kể tôi nghe câu chuyện về ông, lúc tôi vừa khởi sự huấn luyện. Ông chẳng đời nào nói với tôi đâu, nhưng ông nói với mẹ: “Ade sẽ là một trong những HLV giỏi nhất thế giới”.
Với tôi, câu nói ấy giá trị hơn bất kỳ danh hiệu nào.
Con ước gì bố còn sống để nhìn thấy con trai mình cầm quân ở World Cup!
Chỉ có Chúa mới biết chuyện gì sẽ xảy ra tại Nga, nhưng tôi mong mọi người Brazil sẽ ở sau lưng đội tuyển. Tôi biết truyền hình đã thay đổi rất nhiều thứ, nhưng không hiểu sao tôi vẫn mong khi đội tuyển ra sân, sẽ có hàng triệu trẻ em ngồi trước radio, tự vẽ ra trận đấu trong tưởng tượng của mình.
Năm 1970 đã có một đứa trẻ như thế. Đó giống như một phép màu vậy!
Hoài Thương dịch