Tháng 6 năm ngoái, khi Liên đoàn bóng đá Brazil (CBF) công bố danh tính HLV lên thay Carlos Dunga, đa số các CĐV bóng đá trên thế giới đều tự hỏi Tite là ai. Nhưng ở Brazil, các CĐV xứ sở biết cuối cùng, chiếc thuyền trong giông bão Selecao đã tìm đến đúng vị thuyền trưởng phù hợp.
Hãy cùng sơ kết những gì Tite đã làm được trên cương vị HLV trưởng tuyển Brazil. Kết thúc trận thắng Paraguay 3-0 hôm qua 29/3, Selecao đã thi đấu tổng cộng chín trận cùng vị HLV này. Họ thắng cả chín trận ấy, ghi 25 bàn, lọt lưới hai lần và giữ trắng lưới trong bảy trận. Đấy là một cuộc hồi sinh không thể mơ nổi với một đội tuyển còn khủng hoảng rất nặng cách đây một năm.
Nhưng Tite không chỉ giúp Brazil hồi phục về mặt kết quả. Ông còn mang thứ bóng đá mỹ cảm (Jogo Bonito) được các CĐV Brazil tôn sùng trở lại. Bởi vì hơn ai hết, Tite cũng chính là fan cuồng của thứ bóng đá duy mỹ ấy.
Tite sinh ra ở Rio Grande do Sul, một bang ở cực nam của Brazil. Từ 2001 đến nay, trừ Carlos Alberto Parreira, tất cả HLV của Brazil đều xuất thân từ bang này: Dunga, Mano Menezes, Luiz Felipe Scolari và bây giờ là Tite. |
Cách đây ba năm, tờ O'Globo hỏi Tite thích đội tuyển Brazil vô địch World Cup 1994 hơn hay đội tuyển tuyệt đẹp nhưng thất bại ở World Cup 1982, câu trả lời của ông là đội bóng ở Tây Ban Nha 1982. Ngay từ lúc ấy, người hâm mộ và giới chuyên môn Brazil đã lờ mờ nhận ra Tite chính là người phù hợp cho chiếc ghế HLV của Selecao.
Người Brazil luôn phải trăn trở giữa hai lựa chọn: thực dụng để thành công hay đá đẹp để bảo tồn di sản của tiền nhân. Hai chức vô địch World Cup gần nhất của họ, một ở Mỹ năm 1994 và một ở châu Á năm 2002, đều mang màu sắc thực dụng, với cặp tiền vệ trung tâm chuyên phá lối chơi đối phương và một chiến thuật nặng về phản công.
Tite công khai ngưỡng mộ Carlos Alberto Perreira, HLV cùng Brazil vô địch World Cup 1994. Nhưng việc lần đầu tiên Brazil xuất quân với một cặp tiền vệ đánh chặn (Mauro Silva - Dunga) dưới thời Perreira đã tạo ra một di sản mất mát. Bởi sau đó, rất nhiều HLV Brazil đi theo trường phái này để đảm bảo an toàn, ở một quốc gia mà bên cạnh việc tôn sùng cái đẹp, còn xem chiến thắng là nhiệm vụ sống còn.
Scolari tiếp tục thành công với phương án này cùng cặp Gilberto Silva - Kleberson, nền tảng thành công của Brazil ở World Cup 2002. Rồi sau đó với Dunga, thủ quân của đội tuyển vô địch World Cup 1994, công cuộc thực dụng hóa Brazil đã lên đến đỉnh cao.
Đấy là điều mà Zizinho, cầu thủ hay nhất của tuyển Brazil dự World Cup 1950, cũng là thần tượng của Pele thuở còn trẻ, đã dự báo trước trong cuốn tự truyện xuất bản trong thập niên 1980. Ông viết: "Người ta đang trao nhiệm vụ phòng ngự cho tiền vệ trung tâm, những người có thể kiểm soát đến 70% thời lượng giữ bóng của đội nhà. Trước đây, anh ta phải là người sáng tạo, chứ không phải tìm cách triệt tiêu sự sáng tạo của đối thủ".
Đến 1994, Zizinho, cũng như những người yêu Jogo Bonito chỉ còn biết ngậm ngùi khi nhìn thấy Brazil bố trí các trung vệ đá... cao hơn những trung vệ khác. Không còn những tiền vệ trung tâm có khả năng cầm nhịp và tổ chức tấn công, Brazil đã trực diện hơn, những cầu thủ kỹ thuật điêu luyện vẫn còn đó, nhưng lối đá duy mỹ ngày nào đã biến mất.
Tuyển Brazil của năm 1982 không phải là một tập thể toàn mỹ. Thật dễ dàng để chỉ ra những điểm yếu chết người trong đội ngũ ấy. Ngay ở vị trí trung phong, Serginho đã không phải là lựa chọn ban đầu. Phong cách chụp giật của anh cũng lạc lõng so với các đồng đội cực kỳ kỹ thuật sau lưng. Brazil 1982 cũng là đội bóng bị lệch cánh. Eder là tiền vệ bám biên trái, nhưng bên biên phải lại không có một đồng đội tương đương. Khi các hậu vệ biên dâng lên hỗ trợ tấn công, họ cũng để lại những khoảng trống chết người phía sau. Italy đã nhìn ra và đánh vào điểm yếu ấy.
* Xem video trận Italy 3-2 Brazil ở World Cup 1982
Nhưng đội bóng không hoàn hảo ấy lại là một trong những đội tuyển được yêu quý nhất. Người Brazil không thống kê nổi có bao nhiêu sách báo đã viết về thế hệ tuyệt vời của những Tostao, Socrates - hai ngôi sao của đội năm 1982. Vì họ trung thành tuyệt đối với Jogo Bonito, luôn chuyền bóng thật mượt mà, uyển chuyển, thành quả của không biết bao nhiêu thời gian luyện tập của những đôi chân đầy kỹ thuật.
Một đường chuyền tốt được định nghĩa là đường chuyền đưa người nhận bóng vào tư thế thuận lợi để có thể đưa ra nhiều phương án xử lý khác nhau. Và nếu anh ta quyết định chuyền bóng tiếp để duy trì tốc độ của một đợt tấn công, các đồng đội phải di chuyển thật hợp lý để anh ta có ít nhất là hai phương án chuyền bóng. Muốn được như thế, tinh thần đồng đội phải được đặt lên hàng đầu, cự ly đội hình phải được giữ thật hợp lý. Và đây cũng chính là kim chỉ nam trong phong cách huấn luyện của Tite.
Với cự ly đội hình tuyệt vời và khả năng chuyền bóng một chạm xuất sắc, Corinthians dưới trướng Tite đã đánh bại Chelsea ở chung kết FIFA Club World Cup 2012, khép lại chặng đường chinh phục hoàn hảo của CLB Brazil, bởi trước đó, họ cũng lần đầu tiên chạm tay vào chức vô địch Copa Libertadores.
Sau đỉnh cao này, Tite rời Corinthians, trực chỉ châu Âu để... học thêm về chiến thuật. Ông học từ việc xem các trận đấu, xem cách các CLB tổ chức một buổi tập, học từ những quyển sách và từ cuộc đàm đạo với những HLV hàng đầu châu Âu. Người Tite thán phục nhất đương thời không phải là Jose Mourinho hay Pep Guardiola, mà chính là Carlo Ancelotti.
Trở lại Brazil, khi vẫn chưa thể bén duyên với Selecao, Tite lại làm việc cho Corinthians và áp dụng những kiến thuật ông vừa tiếp thu từ châu Âu. Sơ đồ 4-1-4-1 ra đời, với những pha phối hợp theo nhóm tam giác ít thấy ở các giải vô địch Nam Mỹ. Tinh thần đồng đội, như đã nêu trên, luôn được đặt cao hơn cá nhân. Đấy là lý do Paulinho, học trò cũ của Tite ở Corinthians, vẫn được chọn dù anh đã dạt sang tận giải vô địch Trung Quốc.
"Chúng tôi không có ngôi sao, nhưng là một tập thể rất mạnh," Paulinho nói. "Phát huy sức mạnh tập thể và từng cá nhân trong tập thể ấy là sở trường của Tite". Trận đấu với Uruguay hồi tuần trước, Paulinho là tác giả của một cú hat-trick, giúp Brazil giành thắng lợi 4-1 ngay trên sân khách.
Tite chọn Paulinho vì anh phù hợp với chiến thuật của ông. Tite cũng chọn Philippe Coutinho để giảm gánh nặng sáng tạo lên vai Neymar. Còn Thiago Silva chỉ được ngồi dự bị dù tên tuổi của anh hơn xa Miranda hay Marquinhos. Tite xây dựng đội bóng trên tinh thần tập thể. Vì một khi đã có một tập thể mạnh rồi, các cá nhân mới có không gian để tỏa sáng.
Và với chiến thắng 3-0 trước Paraguay, cuộc hồi sinh của Brazil đã có thêm một bước tiến nữa. Niềm tin ngỡ như xa xỉ với các CĐV Brazil cách đây ít lâu đã thật sự trở lại. Tờ O'globo giật tiêu đề: "Tite giúp Brazil chơi thứ bóng đá hiện đại, nhưng không xa rời vời truyền thống và lịch sử".
CBF từng băn khoăn giữa thành tích và truyền thống. Rốt cục họ ưu tiên thành tích với việc bổ nhiệm Scolari và Dunga. Nhưng thành công bước đầu của Tite chỉ ra: nếu biết chọn đúng người đúng việc, thì Selecao hoàn toàn có được... cả hai.
Quá tam ba bận Cũng như mọi HLV người Brazil, Tite cũng mơ đến chiếc ghế ở đội tuyển. Vậy nhưng phải chờ đến lần thứ ba, ông mới được toại nguyện. Lần đầu tiên là năm 2012. Mano Menezes bị sa thải sau thất bại ở Copa America và thông qua người trợ lý, Tite tự ứng cử cho công việc. Lúc ấy, ông vừa giúp Corinthians vô địch Copa Libertadores lần đầu tiên trong lịch sử, đồng thời vô địch luôn FIFA Club World Cup, chấm dứt sáu năm các đội châu Âu thống trị giải đấu này. Nhưng LĐBĐ Brazil đã chọn một cái tên an toàn hơn là Luiz Felipe Scolari. Rồi Scolari thất bại thê thảm ở World Cup trên sân nhà. Lúc này, LĐBĐ Brazil vẫn tiếp tục làm ngơ với Tite và mời lại Carlos Dunga. Đến khi chính Dunga thất bại, Brazil mới mời Tite. |
Hoài Thương