Chí Hùng, 44 tuổi, có gần 30 năm kinh nghiệm chạy bộ. Anh đã chinh phục hàng trăm giải marathon, ultra marathon trong và ngoài nước. Ngoài ra, anh còn đảm nhận vai trò Giám đốc đường chạy ở nhiều giải marathon lớn trong nước. Mới đây, anh chia sẻ với VnExpress về sự phát triển của marathon suốt thời gian qua.

Chí Hùng - HLV, Giám đốc Ultrain. Ảnh: NVCC
- Gắn bó lâu năm mới chạy bộ, theo anh đâu là điểm khởi phát của phong trào marathon Việt?
- Chạy bộ ở Việt Nam có từ rất lâu rồi nhưng thật sự bắt đầu lan tỏa trong cộng đồng là vào cuối năm 2012, đầu 2013. Mọi người bắt đầu rủ nhau tập luyện cự ly dài hơn, chủ yếu là 10km, hiếm lắm mới có người chạy được 21km. Đây cũng là cột mốc đánh dấu những nhóm đầu tiên của Việt Nam ra đời. Ở miền bắc là Long Distance Runner (LDR), miền Nam là SRC. Thành viên của nhóm đều là những runner bộ lâu năm. Khi đó, tôi là một trong những thành viên đời đầu của SRC. Sau này, các thành viên tách ra, thành lập nhiều CLB khác để thu hút runner, hình thành phong trào sôi động hơn.
Thời điểm năm 2013 cũng là lúc những giải bắt đầu xuất hiện nhiều. Tại TP HCM là HCMC Run. Dù chưa có cự ly 21 và 42km nhưng đây vẫn là cột mốc để cộng đồng bắt đầu biết và quan tâm hơn đến chạy bộ. Năm 2015, Tiền Phong Marathon bổ sung nội dung 42km và mở rộng cho người chơi phong trào tạo tiền đề để nhiều người bứt phá giới hạn bản thân.
Đến nay, như chúng ta đều thấy, marathon Việt thực sự bùng nổ với 70 - 80 giải tổ chức mỗi năm. Các giải 10.000 - 15.000 runner ngày càng nhiều. Trong đó, năm ngoái chỉ riêng VnExpress Marathon có đến 7 giải, mỗi giải đều hơn 10.000 runner. Các nhà tổ chức khác cũng định hướng tổ chức theo chuỗi. Không chỉ 42km, cự ly runner chinh phục ngày càng dài như 100km, 120km, 160km.

Anh Chí Hùng - Giám đốc Ultrain. Ảnh: NVCC
- Anh đánh giá thế nào về sự phát triển của phong trào chạy bộ?
- Marathon Việt phát triển nhanh và còn rất nhiều tiềm năng. Dân số chúng ta hiện nay hơn 100 triệu người nhưng số lượng runner vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Giả dụ, CLB ở mỗi tỉnh thành có 5.000 người thì cả nước cũng chỉ ở mức 300.000 người. Con số này nếu tăng gấp 5 vẫn là tỷ lệ nhỏ. Vì vậy, tôi nghĩ tương lai marathon Việt còn tăng trưởng hơn nữa. Cộng đồng sẽ ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe thể chất, tinh thần và marathon là môn dễ chơi với đại đa số.
Nhưng đó là tương lai. Hiện tại, dù phát triển ấn tượng, marathon Việt vẫn là cộng đồng non trẻ, còn khoảng cách khá xa với các nước trên thế giới. Điều này thể hiện ở nhiều yếu tố như cách tổ chức giải, cách nhìn của runner và ý thức của người dân.
- Anh có thể giải thích điều này kỹ hơn?
- Ở những cộng đồng lâu năm, những thứ runner quan tâm và cách họ nhìn nhận về một giải marathon rất khác chúng ta. Tôi nêu một vài ví dụ nhỏ, chẳng hạn, các quốc gia khác bán ảnh runner từ rất lâu nhưng ở Việt Nam, runner lại yêu thích hình ảnh miễn phí. Vật phẩm trong túi race-kit ở các giải trên thế giới không cần nhiều.
Chính runner đôi khi cũng không hiểu hết về marathon. Chẳng hạn, khi tôi vận hành nhiều giải, có quy định cut-off time rất rõ ràng. Đúng thời gian cut-off time, những VĐV còn sót lại sẽ được đưa lên xe để ban tổ chức đóng đường đua. Nhiều runner không đồng ý lên xe, cho rằng không có quy định này và đã mua Bib thì phải được chạy. Cut-off time là nhằm bảo vệ an toàn cho runner đồng thời cũng là cam kết giữa nhà tổ chức với chính quyền. Runner không tuân thủ gây rất nhiều khó khăn cho ban tổ chức.
Năm 2019, tôi có dịp dự Berlin Marathon và giải làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi. Tôi ngạc nhiên khi ban tổ chức không phát áo finisher. Nếu runner muốn, áo được bán sẵn ở các cửa hàng của nhà tài trợ. Với họ, áo finisher không phải là chứng nhận đã hoàn thành một giải đấu mà chỉ là một vật lưu niệm khi giải diễn ra. Bất cứ runner, người dân nào cũng có thể sở hữu dù không chạy. Ở nước ta thì khác, chúng ta xem áo finisher là chứng nhận cho sự nỗ lực để hoàn thành các cự ly và thậm chí phê bình những người không chạy mà mua lại áo.
Từ sau giải đó, tôi thường tặng những chiếc áo finisher của mình cho bạn bè, người quen như một món quà. Họ có thể xem đó là một vật lưu niệm, sưu tầm.
Ở khía cạnh của nhà tổ chức, nhiều đơn vị cố gắng học hỏi mô hình tổ chức từ các giải đấu lớn trên thế giới. Những mô hình đó có thể hấp dẫn nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp vì cộng đồng chúng ta chưa phát triển đến quy mô, trình độ như vậy. Các nhà tổ chức cần nương theo cộng đồng để xây dựng chính sách, khâu tổ chức phù hợp, đáp ứng được mong mỏi của VĐV. Về lâu dài, trải qua quá trình tích lũy, cộng đồng trong nước sẽ phát triển hơn. Khi đó, nhu cầu của họ sẽ tiếp tục thay đổi và các nhà tổ chức có thể dần áp dụng những tiêu chuẩn cao hơn cho giải đấu.
Ở đây, tôi đề cập đến khâu tổ chức chứ chưa nhắc đến các yếu tố như đường đua, cơ sở hạ tầng. Đó là những vấn đề lớn hơn rất nhiều và hiện tại chúng ta vẫn chưa thể theo kịp.
- Anh nghĩ gì về việc nhiều giải chạy nhận phản ứng trái chiều từ người dân?
- Theo tôi, điều này cho thấy người dân vẫn chưa đủ yêu thể thao. Họ thấy chặn đường là chỉ trích, khó chịu khi nghe tiếng ồn ào. Điều này thường xảy ra ở những địa phương lần đầu có giải nhưng sẽ dần thay đổi khi họ cởi mở hơn. Chằng hạn, năm 2019, VnExpress Marathon lần đầu tổ chức ở Quy Nhơn. Tôi và hàng nghìn runner háo hức chạy ở một địa phương hoàn toàn mới. Tuy nhiên, người dân khi đó phản ứng khi đường bị chắn. Tôi và nhiều VĐV vừa chạy vừa nghe nhiều lời nói không hay. Đến nay, qua hơn 4 mùa tổ chức, thái độ người dân ít nhiều đã thay đổi. Họ chờ đón VĐV đến thành phố, hào hứng đổ ra đường để cổ vũ.
Tôi dự nhiều giải trên thế giới, người dân xem marathon không chỉ là cuộc đua của VĐV mà còn là ngày hội của chính mình. Họ đứng kín đường, cổ vũ rất cuồng nhiệt. Các dịch vụ như lưu trú, ăn uống, du lịch cũng hưởng lợi mỗi khi có giải.

Hàng nghìn VĐV tham gia giải đêm TP HCM 2023. Ảnh: VM
- Theo anh, marathon tại Việt Nam sẽ thay đổi thế nào trong tương lai?
- Nhiều người nói số lượng giải nhiều quá và đã bão hòa rồi. Theo tôi không đúng. Nhận định này xuất phát từ tâm lý rằng phải tham gia tất cả các giải marathon. Trước đây, mỗi năm chỉ có vài giải chạy nên runner thường có tâm lý chờ đón và tham gia cho bằng được để kiểm tra thành tích. Hiện tại có nhiều giải hơn, runner không thể tham gia toàn bộ nên cho rằng số lượng này là thừa thãi.
Nhưng cần phải nhìn nhận là cộng đồng vẫn không ngừng mở rộng. Các giải mở ra sẽ luôn có tệp runner nhất định. Có giải thuần về yếu tố chuyên môn, có giải mở ra để kết hợp quảng bá du lịch như VnExpress Marathon, cũng có sự kiện nhằm mục đích "vui là chính" hay gây quỹ từ thiện. Nó cũng giống việc một quận có đến hàng nghìn quán ăn. Bạn không thể ghé ăn tất cả nhưng quán sẽ luôn có lượng thực khách của riêng mình, kể cả khách trung thành hay vãng lai.
Giải mở ra nhiều tốt cho sự phát triển của cộng đồng. Runner có nhiều lựa chọn theo nhu cầu, mục đích. Song song đó, để giữ chân runner, các nhà tổ chức cần cải thiện chất lượng, đảm bảo an toàn, tăng trải nghiệm cho người tham gia.
- Về phía cá nhân, mục tiêu hiện tại của anh là gì?
- Năm nay, tôi nhận phát triển đường chạy cho vài giải đấu. Song song đó, tôi có kế hoạch chinh phục các cự ly dài như 120km và 160km.
Với Ultrain, tôi đang tập trung siết lại đội hình, xây dựng Ultrain thành tập hợp của những người có chuyên môn huấn luyện tốt đồng thời là những VĐV đủ khả năng tranh chấp thứ hạng ở mọi giải đấu. Sắp tới, nhiều thành viên sẽ tham gia VPBank VnExpress Marathon Ho Chi Minh City Midnight như một bài kiểm tra đầu năm. Tuy nhiên, giải đấu này chưa phải là giải chúng tôi kỳ vọng thành tích. Thay vào đó, tôi dự đoán điểm rơi phong độ của các thành viên Ultrain sẽ vào nửa cuối năm. Tôi muốn đội cạnh tranh thứ hạng không chỉ trong nước mà còn ở khu vực.
Hoài Phương
VPBank VnExpress Marathon Ho Chi Minh City Midnight ghi dấu hai tên tuổi uy tín và kinh nghiệm trong việc tổ chức, vận hành hệ thống các giải chạy lớn là VPBank và VnExpress Marathon. Trước đó, đôi bên đã ký kết hợp tác chiến lược về việc đồng hành cùng giải đêm TP HCM trong 5 năm từ 2024 - 2028. Tháng 10/2023, VPBank và VnExpress đã phối hợp tổ chức thành công giải chạy VPBank Hanoi International Marathon tại Thủ đô Hà Nội.