Trong điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng chọn khu vực có diện tích 9 ha ven sông Hàn (quận Hải Châu), để xây dựng quảng trường trung tâm.
Quảng trường trung tâm trong tương lai là không gian công cộng ở khu vực có di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải - chứng tích ngày đầu kháng Pháp; trung tâm hành chính Đà Nẵng hiện hữu cùng bảo tàng lịch sử, bến du thuyền,...
Dự án tiếp giáp đường Bạch Đằng, Trần Phú, Quang Trung và Lý Tự Trọng. Sau khi hoàn thành, "quảng trường trung tâm sẽ trở thành không gian công cộng biểu tưởng cho người dân và tầm nhìn đô thị bản sắc của Đà Nẵng"; kết nối với nhiều điểm nhấn khác của đô thị như khu bảo tàng sống, bến du thuyền, thư viện,...
Ngày 20/4, kiến trúc sư Phùng Phú Phong, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết, khu vực quy hoạch quảng trường trung tâm có nhiều thuận lợi khi hầu hết là đất công sản, không vướng giải tỏa đền bù.
"Thành phố đã trùng tu di tích thành Điện Hải, di dời bảo tàng lịch sử từ trong khu vực thành về toà nhà hơn 100 tuổi ven sông Hàn (toà Thị chính thời Pháp thuộc). Qua nhiều cuộc họp và hội thảo, lãnh đạo thành phố đi đến quyết định chọn khu vực xung quanh thành Điện Hải làm quảng trường trung tâm", ông Phong nói.
Đơn vị tư vấn Singapore khi làm đồ án điều chỉnh quy hoạch chung cho thành phố cũng đồng ý định hướng quảng trường trước thành Điện Hải. Ngoài ra, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), cũng đã chủ trì và nhiều lần bảo vệ đồ án thiết kế quảng trường trung tâm tại khu vực này.
Theo ông Phong, dù diện tích quảng trường trung tâm không quá rộng lớn nhưng mang ý nghĩa rất lớn về giá trị lịch sử, văn hoá. Sau khi hình thành, sẽ kết hợp với Trung tâm hành chính hiện hữu, bảo tàng (đã có chủ trương xây dựng) được dỡ bỏ hết tường rào để tạo không gian thông thoáng, kết nối với di tích thành Điện Hải đã có một khoảng công viên.
Đà Nẵng cũng tính đến việc làm quảng trường trung tâm ở trên, phía dưới là không gian ngầm các bãi đỗ xe. Hiện tại, không gian ngầm đang được nghiên cứu và kêu gọi xã hội hoá vì "đầu tư công sẽ cần rất nhiều tiền", trong khi nguồn vốn của thành phố còn hạn hẹp. Vì thế, Đà Nẵng định hướng làm quảng trường trước, còn phát triển không gian ngầm là kế hoạch đầu tư lâu dài.
Trong tương lai, đường Bạch Đằng sẽ là tuyến đi bộ ven sông Hàn kéo dài từ chân cầu Trần Thị Lý đến cầu Thuận Phước, ngang qua quảng trường. "Dịp cuối tuần thành phố có thể cấm xe cộ ở khu vực này, tạo sự kết nối giữa không gian công cộng của quảng trường với tuyến phố đi bộ", ông Phong nói.
Vị trí làm quảng trường trung tâm đang có hai cao ốc là Trung tâm hành chính và khách sạn 36 tầng; hai tuyến giao thông một chiều gồm đường Bạch Đằng và Trần Phú. Ông Phong cho biết, việc quy hoạch quảng trường trên một nền đô thị có sẵn rất khó thay đổi hiện trạng. Thành phố đã chọn tôn trọng hiện trạng và lấy chính các công trình này làm điểm nhấn kiến trúc.
Để không xung đột giao thông và tạo không gian liền mạch từ thành Điện Hải ra đến mép sông Hàn, thành phố sẽ ngầm hóa hai tuyến đường này (đoạn đi qua quảng trường), sau đó tổ chức lại giao thông. Công chức thành phố vẫn đến trụ sở làm việc và khách sạn vẫn hoạt động bình thường.
Cũng trong khu vực làm quảng trường trung tâm, dự án bến du thuyền của Phan Văn Anh Vũ được thành phố dự kiến mua lại để làm trung tâm thông tin du lịch, triển lãm theo chuyên đề. Đà Nẵng đang tính toán các vấn đề pháp lý khi chuyển đổi công năng.
Đây không phải là lần đầu tiên Đà Nẵng có kế hoạch xây dựng quảng trường trung tâm. Năm 1993, thành phố đã quy hoạch tuyến đi bộ từ đường Điện Biên Phủ đến Lý Thái Tổ, Hùng Vương và điểm kết thúc là quảng trường trung tâm thành phố. Tiếp đó, năm 2016, thành phố muốn làm quảng trường trung tâm ở vệt đất 4,4 ha từ Nhà hát Trưng Vương theo trục Hùng Vương và Nguyễn Thái Học, xuống đến đường Bạch Đằng, nhưng sau đó đã không thực hiện được.
Ông Phùng Phú Phong cho biết, lần này thành phố "tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ theo quy hoạch". Dự kiến trong tháng 6, Đà Nẵng sẽ tổ chức thi phương án kiến trúc, thuê các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước để nhanh chóng chọn ra ý tưởng và triển khai.
Theo nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Đà Nẵng, việc lãnh đạo thành phố chọn khu vực thành Điện Hải làm quảng trường trung tâm "là một quyết định tuyệt vời". "Ở đó có yếu tố lịch sử, văn hoá, điều kiện tự nhiên và dòng sông Hàn", ông nói.
Ông Hùng cho rằng, vị trí làm quảng trường trung tâm cũng chính là nơi in dấu ấn của người Đà Nẵng đại diện cho nhân dân cả nước đi đầu trong kháng chiến chống ngoại xâm. "Không chỉ dừng lại ở một không gian công cộng mà nơi đây còn là địa chỉ giáo dục lịch sử, văn hoá cho thế hệ trẻ", ông nói thêm.
Từ thực tế gần 30 năm loay hoay với kế hoạch xây dựng quảng trường trung tâm nhưng chưa thành công, ông Hùng cho rằng lần này lãnh đạo thành phố nên quyết tâm làm một công trình dấu ấn, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi" như giai đoạn trước đây. "Đầu tư cho văn hoá thì thành phố mới phát triển bền vững", ông Hùng nói thêm.