Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vừa được công bố, "bảo tàng sống" thể hiện trên bản đồ là khu vực đô thị rộng 11 ha ở quận Hải Châu. Nơi đây bao gồm một phần khu dân cư các tuyến đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Ngô Gia Tự, Trần Bình Trọng, Triệu Nữ Vương và Lê Đình Dương; các kiệt, hẻm ngoằn nghèo, đan xen nhau; với tâm điểm là đình làng Hải Châu.
Đình làng Hải Châu là nơi các bậc tiền hiền từ làng Hải Châu (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vào khai phá đất đai, lập làng từ cuối thế kỷ 15, hiện thờ 42 chư phái tộc ở Đà Nẵng. Xung quanh đình làng, cư dân ở đa phần là những người gắn bó lâu đời với vùng đất ven sông Hàn. Họ làm đủ mọi ngành nghề từ uốn tóc, cà phê, buôn bán nhỏ, sửa chữa máy cơ giới, áo quần, tiệm cháo... Du khách đến nơi này có thể bắt gặp một tiệm uốn tóc bên trong căn nhà Pháp cổ, treo biển giản đơn; những gánh ăn vặt ngay trước một di tích đã được duy trì qua 2-3 thế hệ.
Giải thích ý tưởng "bảo tàng sống", ông Phùng Phú Phong, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng, cho hay bài học của quá trình đô thị hóa nhiều nơi là nhà bê tông mọc lên và thành phố nào cũng giống nhau. Vì vậy, khi tái thiết Đà Nẵng, nhất là trước chủ trương phát triển đô thị nén, đơn vị tư vấn Singapore lo ngại nhịp sống thường nhật sẽ không còn nên đề xuất thành phố quy hoạch một khu vực để giữ lại những nét đặc trưng của đời sống người dân địa phương.
Ông Phong nói "bảo tàng sống" chính là những khu đô thị hình thành lâu đời, người dân có các thói quen như ăn uống, kinh doanh ở vỉa hè... Và những nét đặc trưng này sẽ mang đến trải nghiệm cho du khách, "giữ lại hồn đô thị truyền thống qua chính hình ảnh về cuộc sống cư dân".
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng, xu hướng làm "bảo tàng sống" đã được nhiều nước châu Âu và các đô thị phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thực hiện. Tại Việt Nam, du khách cũng rất thích thú khi đến phố đi bộ Bùi Viện (TP HCM).
Khi đơn vị tư vấn Singapore đưa ra ý tưởng quy hoạch nêu trên, Đà Nẵng đã đề xuất nhiều địa điểm ở quận Sơn Trà và Hải Châu. Sau khi tính toán, khảo sát, các bên thống nhất lựa chọn khu vực là xung quanh đình làng Hải Châu vì "dựa theo trục cảnh quan, dân cư đông đúc và tính đồng bộ khi sắp tới nơi đây sẽ làm phố ẩm thực, phố đi bộ".
Bà Võ Thị Thu Vân (58 tuổi), người pha cà phê ở quán 79 Hoàng Diệu - căn nhà kiến trúc Pháp được xây dựng năm 1911, và từng xuất hiện trong video quảng bá du lịch Đà Nẵng năm 2017, chia sẻ vui mừng trước thông tin chính quyền thành phố sẽ giữ lại khu đô thị cũ.
Trải qua hơn 100 năm, căn nhà 79 Hoàng Diệu chỉ thay ngói, dựng thêm một phần mái tôn che mưa nắng cho khách. Quán cà phê mở sau ngày đất nước thống nhất, với dàn hoa giấy tím bao năm qua chỉ bán từ sáng đến trưa, khách muốn vào ngồi phải tự tìm chỗ đỗ xe, nhưng luôn đông khách.
"Quán chỉ bán ở mái hiên và vỉa hè phía trước, rộng chừng 40 mét vuông, nhưng luôn đông khách vì nhiều người muốn ngồi dưới gốc hoa giấy. Bên trong, gia đình tôi vẫn sinh hoạt bình thường. Điều này được duy trì suốt nhiều năm qua", bà Vân nói với giọng Đà Nẵng đặc sệt.
Là người sinh ra và lớn lên ở đường Hoàng Diệu, trong ký ức của bà Vân, khu vực này trước đây là những con đường nhỏ, người dân sống chan hòa tình làng nghĩa xóm. Ngoài những căn nhà kiến trúc Pháp, các ngôi nhà khác mọc lên ở dãy phố này đều được ốp bằng đá rửa, tạo nét đặc trưng riêng.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh, khu vực đất vàng giá cho thuê cao nên nhiều gia chủ cho thuê lại, dọn vào kiệt, hẻm ở. Những căn nhà đá rửa dần được thay bằng bảng hiệu cửa hàng điện thoại, shop áo quần... "Bây giờ làm bảo tàng sống thì thành phố cần phải sắp xếp lại để giữ được nét đặc trưng trước kia", bà Vân nói.
Ở khu vực đã được quy hoạch "bảo tàng sống", Đà Nẵng sẽ hạn chế xây dựng nhà cao tầng để tránh phá vỡ cảnh quan và giúp giữ lại lối sinh hoạt truyền thống của cư dân, định hình đây là khu phố cũ trung tâm Đà Nẵng. Tới đây, thành phố sẽ cải tạo mở rộng đình làng Hải Châu, tạo thêm mảng xanh, lát lại vỉa hè thiết kế đặc trưng, trang trí từng gốc cây để tạo không gian cho người dân và du khách.
"Trong tương lai, nếu thành phố thực hiện quy hoạch thật tốt, qua đó thu hút nhiều khách đến đây tham quan thì rất đáng quý", ông Nguyễn Phương, 78 tuổi, người 20 năm trông coi đình làng Hải Châu, nói.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cũng cho rằng ý tưởng làm bảo tàng sống là "quá hay và hài hòa", vì giúp tạo lập một đô thị hiện đại có tính kế thừa giữa quá khứ, hiện tại với tương lai.
Theo ông Thiện, khu bảo tàng sống ngoài đình làng Hải Châu, xung quanh vài phút đi bộ còn có nhà thờ Chính toà (nhà thờ Con Gà), Toà thị chính thời Pháp, Bảo tàng điêu khắc Chăm đại diện cho nền văn hoá rực rỡ thời Chăm Pa, thành Điện Hải ghi dấu ấn những ngày đầu kháng Pháp, chợ Hàn, chợ Cồn... Trong tương lai, khu vực này sẽ kết nối với quảng trường trung tâm và các tuyến phố đi bộ đã được quy hoạch.
"Đó là những dấu ấn di sản hơn 100 năm của Đà Nẵng còn tồn tại, là bảo tàng sống trong lòng đô thị mà không phải nơi nào cũng có được", ông Thiện nói.
Nguyễn Đông