Tại lễ công bố, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu có tổng diện tích quy hoạch 450 ha, bao gồm cả phần mặt nước. Quy mô dự án gồm các hạng mục chính như kè, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container sức chở từ 6.000 đến 8.000 Teus.
Tổng mức đầu tư cảng Liên Chiểu dự kiến là 3.426,3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách địa phương; thời gian thực hiện dự kiến 5 năm.
Sau khi hoàn thành cảng Liên Chiểu, thành phố sẽ chuyển cảng Tiên Sa hiện tại thành cảng chuyên phục vụ du lịch để đón các chuyến tàu biển quốc tế, chấm dứt tình trạng container chen nhau vào cảng chở hàng hoá, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, ô nhiễm môi trường...
Trung tâm tài chính ở Đà Nẵng dự kiến là trục Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà). Đây là đại lộ gần 2 km, nối từ sân bay quốc tế Đà Nẵng ra biển Mỹ Khê; hiện tại là khu vực xây dựng chung cư cao cấp, khách sạn, nhà hàng và nhiều lô đất trống.
Theo đại diện UBND TP Đà Nẵng, "việc lập trung tâm tài chính nhằm huy động nguồn lực toàn cầu để thúc đẩy phát triển thành phố".
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 15/3, xác định thành phố sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa cực, với một số "khu vực nén" tại trung tâm hiện hữu và đầu mối giao thông để tái thiết đô thị; xen kẽ với các "khu vực rỗng", nghĩa là dành không gian xanh, bảo tồn rừng tự nhiên.
Đồ án này do đơn vị tư vấn Singapore thực hiện, nhằm thay thế cho quyết định quy hoạch chung năm 2013 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế và tầm nhìn mới của thành phố.
Tại lễ công bố các quyết định nêu trên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói đây là những tiền đề đặc biệt quan trọng nhằm tạo động lực phát triển Đà Nẵng. Tuy nhiên, trước hết thành phố cần tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế; khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện đồ án quy hoạch chung thành phố theo giai đoạn 5 năm, 10 năm và hàng năm.
"Phải xác định rõ lộ trình thực hiện, cơ cấu nguồn lực, các công trình, dự án ưu tiên, tránh phát triển theo phong trào, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước và xã hội", Phó thủ tướng nói.
Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành nghị quyết cùa Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, cũng đươc ban hành hôm nay (29/3).
Theo đó, Đà Nẵng thí điểm mô hình một cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường). Chính quyền thành phố gồm HĐND và UBND, còn chính quyền ở các quận, phường thuộc Đà Nẵng là UBND (không tổ chức HĐND).
Hàng năm, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND Đà Nẵng, Chủ tịch quận, phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với người dân trên địa bàn.