UBND tỉnh Hà Tĩnh đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh, cho biết quy hoạch này đã được các bộ ngành liên quan xem xét lần đầu vào cuối tháng 3 và hiện tỉnh tiếp thu ý kiến để chỉnh sửa.
Quy hoạch nhằm tập trung phát huy lợi thế, nguồn lực để xây dựng Hà Tĩnh thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững về kinh tế, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. "Phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000 USD, nâng lên 17.700 USD vào năm 2045 và 26.000 USD vào năm 2050", ông Hà nói.
Về hệ thống đô thị, quy hoạch ưu tiên phát triển ba hành lang kinh tế chính với ba trung tâm đô thị động lực gồm: Chuỗi đô thị dọc theo quốc lộ 1 và quốc lộ ven biển gắn với đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; liên kết thành phố Hà Tĩnh với thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh và huyện Nghi Xuân, đưa khu vực này trở thành trung tâm đô thị hạt nhân của tỉnh để phát triển công nghiệp, khoa học, đào tạo, thương mại và dịch vụ.
Chuỗi đô thị dọc theo quốc lộ 8, với thị xã Hồng Lĩnh kết nối thị trấn Xuân An, Tiên Điền (huyện Nghi Xuân) để phát triển du dịch, thương mại.
Chuỗi đô thị dọc đường Hồ Chí Minh gồm huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, phát triển chế biến nông, lâm sản, du lịch, thương mại và dịch vụ.
Trong 5 năm tới, tỉnh ưu tiên mở rộng không gian đô thị TP Hà Tĩnh về phía Tây và phía Nam; nâng cấp thị xã Kỳ Anh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, tiến tới hình thành thành phố công nghiệp Kỳ Anh.
Trong đó, TP Hà Tĩnh là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa..., và được xác định là đô thị cấp vùng, hỗ trợ cho sự phát triển vùng liên tỉnh, thúc đẩy quan hệ quốc tế với các nước khu vực ASEAN.
Về kết cấu hạ tầng, Hà Tĩnh đặt trọng tâm vào giao thông, cảng biển, thủy lợi, hệ thống điện và thông tin truyền thông. Trong đó, tỉnh lên kế hoạch phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đầu tư, nâng cấp các tuyến đường huyết mạch theo trục Bắc – Nam về đường bộ, đường sắt và đường thủy, chú trọng phát triển sân bay.
Hà Tĩnh dự kiến xây sân bay dân dụng tại các xã Cẩm Dương, Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên) Thạch Văn (huyện Thạch Hà) trên diện tích 450 ha; thời gian thực hiện sau năm 2020, đến năm 2030 dầu tư mở rộng nâng cấp thành cảng hàng không nội địa để phát triển du lịch, kinh tế.
Tỉnh Hà Tĩnh định hướng quan tâm đầu tư hai khu kinh tế trọng điểm là Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh) và Cầu Treo (huyện Hương Sơn).
Khu kinh tế Vũng Áng ở thị xã Kỳ Anh được nghiên cứu mở rộng quy mô, ranh giới sang một số xã của huyện Kỳ Anh và một phần của khu vực biển. Đây sẽ là trung tâm kinh tế và đô thị phía nam Hà Tĩnh, đầu mối trung chuyển hàng hóa của tỉnh và cả nước.
Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2030, Vũng Áng trở thành trung tâm logistics quan trọng của địa phương cũng như miền Trung, là đầu mối cảng cho Lào và đông Thái Lan.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo sẽ điều chỉnh một phần chức năng theo hướng thương mại, du lịch và công nghiệp chế biến, phát triển sản xuất cây lâm nghiệp và công nghiệp, du lịch sinh thái...
Với mỏ sắt Thạch Khê ở huyện Thạch Hà, tỉnh chủ trương đóng mỏ ít nhất đến năm 2070, khôi phục sử dụng đất theo hướng phát triển du lịch.
Quy hoạch Hà Tĩnh cũng chú ý đến hướng phát triển những khu vực khó khăn. Với vùng dân tộc, biên giới và núi cao ở như các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang..., tỉnh sẽ tăng cường thu hút và xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hoàn thiện giao thông kết nối trung tâm xã.
Vùng bãi ngang ven biển thuộc huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh..., tỉnh chủ trương cơ cấu lại dân cư các xã thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh, tại phiên thẩm định quy hoạch nêu trên trong tháng 3, tỉnh nhận được 25 ý kiến từ hội đồng thẩm định, trong đó một ý kiến đồng ý hoàn toàn; 24 ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số điểm về đánh giá tác động của thiên tai; kết nối hạ tầng tỉnh với hệ thống hạ tầng quốc gia; quan tâm đến giải pháp phát triển kinh tế số...
"Chúng tôi đang hoàn thiện quy hoạch và sẽ gửi lên Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng hội đồng thẩm định đánh giá lại, khi đạt yêu cầu, tỉnh trình lên Chính phủ phê duyệt", ông Hà nói.
Hà Tĩnh diện tích đất tự nhiên gần 6.000 km2, dân số tính đến cuối năm 2019 là 1.290.263 người, chiếm 1,33% dân số cả nước. Tỉnh có 13 đơn vị hành chính (một thành phố, 2 thị xã và 10 huyện). Phía Bắc tiếp giáp Nghệ An, phía Nam giáp Quảng Bình, phía Tây giáp Lào với 164,448 km đường biên giới.