Mô phỏng sự thay đổi của dải Ngân Hà. Video: ESO.
Trong mô phỏng mới, 40.000 ngôi sao nằm trong phạm vi 325 năm ánh sáng quanh Mặt Trời dịch chuyển trong không gian, để lại những vệt ánh sáng dài phía sau chúng. Mỗi điểm sáng tượng trưng cho một thiên thể thực sự trong dải Ngân Hà, và mỗi vệt đuôi thể hiện chuyển động dự kiến của chúng trong thiên hà trong 400.000 năm tới. Những vệt sáng và di chuyển nhanh hơn nằm gần hệ Mặt Trời hơn trong khi các vệt mờ dịch chuyển chậm nằm ở xa hơn.
Theo các nhà nghiên cứu ESA, mô phỏng hé lộ xu hướng không mấy bất ngờ. Cuối video, phần lớn ngôi sao dường như chụm lại ở bên phải màn hình, trong khi phía bên trái tương đối trống trải. Đó không phải là do những ngôi sao bị hút về phía hố đen mà đơn giản vì Mặt Trời cũng thường xuyên dịch chuyển, khiến các ngôi sao trôi ngang qua dường như tập trung nhiều hơn ở hướng đối diện.
Dữ liệu dùng để tạo ra mô phỏng đến từ đợt công bố dữ liệu thứ 3 của vệ tinh Gaia hôm 3/12. Nguồn dữ liệu mới chứa thông tin chi tiết về hơn 1,8 tỷ thiên thể, bao gồm vị trí chính xác, tốc độ, đường quỹ đạo của hơn 330.000 ngôi sao. Theo ESA, 40.000 ngôi sao trong mô phỏng được lựa chọn ngẫu nhiên. Vệ tinh Gaia được phóng vào năm 2013 với nhiệm vụ đo vị trí, khoảng cách và chuyển động của các ngôi sao.
An Khang (Theo Live Science)