Buổi phóng tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên
Triều Tiên hôm qua công bố hình ảnh vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15, được cho là tên lửa có tầm bắn xa nhất của nước này. Thông qua phân tích hình ảnh tên lửa, các chuyên gia Mỹ nhận định Triều Tiên đã sở hữu loại ICBM đủ sức đe dọa toàn bộ lãnh thổ Mỹ, đồng thời chỉ cần tối đa ba vụ thử nữa trước khi Hwasong-15 sẵn sàng đưa vào biên chế, Reuters đưa tin.
Quả đạn được phóng lúc 3h17 sáng ngày 29/11 từ khu vực đông bắc thủ đô Bình Nhưỡng, bay trong thời gian 54 phút, đạt độ cao tối đa 4.475 km và tầm xa 960 km. Nếu được bắn ở quỹ đạo tối ưu, Hwasong-15 có thể đạt tầm bắn tới 13.000 km. Sau vụ phóng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này đã hoàn thành phát triển "lực lượng hạt nhân quốc gia" và gọi Triều Tiên là quốc gia hạt nhân.
Giới chuyên gia Mỹ, những người từng tỏ ý hoài nghi về các tuyên bố trước đây của Triều Tiên, khẳng định dữ liệu và hình ảnh của vụ thử đã xác nhận việc Bình Nhưỡng sở hữu loại ICBM đủ mạnh để mang đầu đạn hạt nhân tới mọi địa điểm trên lục địa Bắc Mỹ.
"Tính toán ban đầu cho thấy loại tên lửa mới có thể mang đầu đạn hạt nhân cỡ vừa tới bất kỳ thành phố nào trên lãnh thổ Mỹ", chuyên gia tên lửa Michael Elleman thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định. Ông Elleman đánh giá loại tên lửa này lớn hơn phiên bản Hwasong-14 từng thử hồi tháng 7, đủ lớn và mạnh để mang theo cả mồi bẫy đánh lừa lá chắn tên lửa Mỹ.
Chuyên gia Elleman cho rằng Bình Nhưỡng chỉ cần tiến hành thêm hai đến ba vụ thử tên lửa Hwasong-15 nhằm xác nhận tính năng và độ tin cậy, đồng thời kiểm tra khả năng bảo vệ của hệ thống hồi quyền trên đầu đạn. Một chuyên gia tên lửa giấu tên khác cũng đồng tình với nhận định của ông Elleman.
"Nếu Triều Tiên biên chế ICBM mang đầu đạn nhiệt hạch đủ sức đe dọa các thành phố của Mỹ, họ có thể không cần tên lửa với độ chính xác cao để thuyết phục Washington rằng giải pháp quân sự là quá tốn kém và đầy hiểm họa", chuyên gia giấu tên bình luận.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định Hwasong-15 là tên lửa hiện đại nhất của Triều Tiên. Tuy nhiên, chưa thể chắc chắc liệu Bình Nhưỡng đủ sức thu nhỏ đầu đạn hạt nhân hay chưa. Một số chuyên gia Mỹ cho rằng Triều Tiên chắc chắn đã phát triển thành công đầu đạn đủ nhẹ để trang bị cho Hwasong-15, được cho là có thể mang tải trọng khoảng một tấn.
Tên lửa lớn và có động cơ mạnh hơn
"Hwasong-15 lớn tới mức Triều Tiên không cần thu nhỏ đầu đạn", chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Middlebury phát biểu. Ngay sau vụ phóng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng khẳng định quả đạn bay cao hơn các lần thử trước đây, cho rằng đây là một phần nỗ lực của Triều Tiên nhằm "chế tạo tên lửa đạn đạo có thể đe dọa mọi nơi trên thế giới".
Hình ảnh do Bình Nhưỡng công bố cho thấy Hwasong-15 có kích thước lớn hơn đáng kể so với mẫu Hwasong-14, cho phép các nhà thiết kế trang bị hệ thống đẩy mạnh hơn hẳn.
"Đây là loại tên lửa rất lớn, không chỉ với Triều Tiên. Chỉ có một vài quốc gia trên thế giới đủ sức sản xuất loại tên lửa có kích thước như vậy, Bình Nhưỡng vừa đặt chân vào nhóm cường quốc này", nhà nghiên cứu Michael Duitsman tại Trung tâm nghiên cứu Chống phổ biến vũ khí (CNS) tuyên bố.
Một quan chức Mỹ cho rằng tên lửa Hwasong-15 sử dụng nhiên liệu rắn, giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị phóng và đơn giản hóa việc chuyên chở. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng quả đạn này vẫn dùng nhiên liệu lỏng và Triều Tiên cần thêm nhiều năm để phát triển ICBM trang bị động cơ nhiên liệu rắn hoàn thiện.
"Hwasong-15 dường như được trang bị động cơ mới, nhưng cũng có thể là loại động cơ từng sử dụng trước đây. Nó không sử dụng động cơ phụ để điều chỉnh hướng bay như mẫu Hwasong-12 và Hwasong-14, mà dường như được trang bị hai ống xả động cơ tương tự phiên bản Hwasong-13 (KN-08). Tuy nhiên, cấu hình động cơ lần này vẫn rất khác", chuyên gia phân tích Scott Lafoy cho biết
"Tầng đẩy đầu tiên khá giống với Hwasong-14, nhưng dùng hai ống xả. Tầng đẩy thứ hai có vẻ mang lượng nhiên liệu gấp đôi mẫu tên lửa tiền nhiệm. Sự kết hợp này cho thấy Hwasong-15 thực sự là mẫu tên lửa mới với tính năng tiên tiến", chuyên gia David Wright của Hiệp hội Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS) nhận định.
Tên lửa Hwasong-15 được chuyển tới bãi phóng bằng loại xe tải từng vận chuyển các tên lửa lớn hơn trước đây. Đây được cho là biến thể cải tiến của xe chở gỗ WS51200 do Trung Quốc sản xuất, được lắp thêm một trục dẫn động thứ 9 và mang định danh "xe phóng tự hành 9 trục".
Chuyên gia phân tích Scott Lafoy nhấn mạnh rằng đây không phải là xe chở và phóng đạn (TEL), mà chỉ là xe chở kiêm dựng đạn (T/E), có chức năng vận tải và đưa tên lửa vào vị trí phóng. "T/E phải cơ động tới bệ phóng, dựng tên lửa lên và rời đi, khiến thời gian triển khai và phóng đạn kéo dài hơn TEL. Điều này tạo ra sự khác biệt lớn trong chiến tranh, khi liên quân Mỹ - Hàn có thể tấn công khu vực bệ phóng trong thời gian ngắn", ông Lafoy nhận định.
Tử Quỳnh