Video đăng trên trang YouTube của Rosatom hôm 20/8 cho thấy bom nhiệt hạch Sa Hoàng (Tsar Bombar) mang định danh RDS-220 được chuyển tới khu vực cực bắc của Liên Xô bằng đường sắt trong toa xe được ngụy trang giống toa tàu chở hàng bình thường. Quả bom sau đó được đưa tới căn cứ không quân Olenya, phía nam thành phố Murmansk.
Hàng tấn thiết bị thí nghiệm và camera được lắp lên oanh tạc cơ Tu-95V, biến thể được sơn màu trắng để phản xạ tia phóng xạ từ vụ nổ, và một chiếc Tu-16 có nhiệm vụ theo đuôi. Quả bom khổng lồ được thả xuống bãi thử ở đảo Severny thuộc quần đảo Novaya Zemlya từ độ cao hơn 10.000 m.
Phía đuôi bom được buộc dù để hãm tốc độ rơi của quả bom, cho phép các máy bay rời khỏi bán kính hủy diệt của vụ nổ. Khi quả bom rơi tới độ cao khoảng 4.200 m, sĩ quan điều khiển kích nổ để giảm thiểu bức xạ phát tán ra khu vực xung quanh. Với sức công phá lên tới 50 megaton, bom Sa Hoàng trở thành vũ khí hạt nhân mạnh nhất từng được được chế tạo và thử nghiệm trên thế giới.
Vụ nổ tạo ra đám mây hình nấm khổng lồ cao gần 10 km trên đảo Severny và có thể quan sát được từ vị trí cách đó gần 1.000 km. Quả cầu lửa và đám mây hình nấm lan ra khu vực bán kính hơn 90 km. Vào thời điểm quả bom phát nổ, hai oanh tạc cơ Tu-95 và Tu-16 cách tâm vụ nổ khoảng 45 km.
Chuyên gia Liên Xô khẳng định đây là "vụ nổ sạch" vì quả bom được kích hoạt ở độ cao lớn. Các chuyên gia Liên Xô bay tới tâm vụ nổ ngay sau thử nghiệm, một số còn đi lại dưới hiện trường mà không mặc đồ bảo hộ.
Sức nóng từ quả bom làm tan chảy phần lớn lớp tuyết ở khu vực thử nghiệm, nơi cách Bắc Cực gần 2.000 km.Sóng xung kích từ vụ nổ làm đổ sập các công trình bằng gỗ và phá vỡ kính cửa sổ cách đó hàng trăm km.
Bom nhiệt hạch RDS-220 được 4 nhà vật lý hạt nhân Victor Adamskii, Yuri Babaev, Yuri Smirnov và Yuri Trutnev thiết kế trong 15 tuần từ tháng 7/1961. Theo thiết kế ban đầu, RDS-220 có sức nổ 100 megaton, tương đương 6.600 quả bom ném xuống Hiroshima. Tuy nhiên, nhóm chế tạo quyết định giảm sức nổ của bom đi một nửa để đảm bảo an toàn.
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik, Rosatom)