Sau vụ khủng bố 11/9/2001, Mỹ nhanh chóng cáo buộc al-Qaeda là thủ phạm và lên kế hoạch can thiệp quân sự vào Afghanistan, sau khi chế độ Taliban cầm quyền từ chối giao nộp Osama bin Laden. Cuộc chiến này được bắt đầu bằng một chiến dịch bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Afghanistan.
Hồ sơ CIA cho thấy chỉ 8 ngày sau vụ khủng bố, các đặc vụ cơ quan này mang theo 3 triệu USD đặt trong ba thùng giấy để bí mật tới lãnh thổ Afghanistan. Số tiền này được dùng để trả lương cho những tay súng thuộc Liên minh Phương Bắc chống Taliban, cũng như thuyết phục các bộ lạc Afghanistan ủng hộ liên mình này, thay vì đối đầu với họ.
Bức ảnh do CIA công bố được chụp ngày 19/9/2001, cho thấy nhóm đặc vụ mang vũ khí ngồi ở phía sau khoang hàng của một trực thăng vận tải đa dụng Mi-17 ở Uzbekistan, mỗi người đeo một sợi dây bảo hiểm để tránh rơi khỏi phi cơ. Đây là khởi đầu cho những chuyến bay bí mật của tình báo Mỹ vào lãnh thổ Afghanistan, mở đầu chiến dịch can thiệp của Washington tại quốc gia Trung Á.
Hàng triệu USD được sử dụng trong chiến dịch mang tên "Jawbreaker" để lôi kéo lòng trung thành của các thủ lĩnh bộ lạc, cũng như thúc đẩy chiến dịch quân sự nhằm vào Taliban.
Sau chiến dịch lôi kéo thuận lợi của CIA, đặc nhiệm và không quân Mỹ kết hợp với lực lượng mặt đất của Liên minh phương Bắc đã tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn, nhanh chóng lật đổ Taliban, khiến nhóm này phải rời bỏ thủ đô Kabul chỉ sau hai tháng. Đến tháng 12/2001, Taliban không còn kiểm soát khu vực chủ chốt nào của Afghanistan và dần trở thành một lực lượng phiến quân.
Gần tròn 20 năm sau, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hình ảnh quân nhân cuối cùng rời Afghanistan vào đêm 30/8/2021. "Thiếu tướng Christopher Donahue, chỉ huy Sư đoàn dù số 82, lên vận tải cơ C-17, kết thúc chiến dịch của Mỹ tại Afghanistan", Lầu Năm Góc đăng trên Twitter.
Ảnh chụp bằng kính nhìn đêm cho thấy tướng Donahue mặc quân phục dã chiến với áo trang bị, đội mũ bảo hiểm gắn kính nhìn đêm và xách theo một khẩu súng khi bước lên vận tải cơ C-17. Tướng Donahue cùng một tiểu đoàn và một lữ đoàn thuộc Sư đoàn dù 82 được điều tới Afghanistan để hỗ trợ chiến dịch di tản công dân Mỹ, Afghanistan và các nước khác rời quốc gia Trung Á.
Đây được coi là một hình ảnh biểu tượng về lính Mỹ cuối cùng trên lãnh thổ Afghanistan, đánh dấu sự chấm dứt của một chiến dịch quân sự dài nhất nước Mỹ, tiêu tốn nhiều sức người, sức của.
Thống kê của AP cho thấy hơn 172.000 người đã chết trong 20 năm Mỹ hiện diện quân sự ở Afghanistan, bao gồm 2.461 lính Mỹ, 3.846 nhà thầu dân sự Mỹ, 66.000 quân nhân và cảnh sát Afghanistan, 1.144 lính đồng minh của Washington, 47.245 dân thường Afghanistan, 51.191 tay súng Taliban và các lực lượng đối lập, 444 nhân viên cứu trợ và 72 nhà báo.
Tổng số tiền được Mỹ đổ vào Afghanistan trong 20 năm ước tính khoảng 2.260 tỷ USD, tương đương mỗi ngày Mỹ chi ra hơn 300 triệu USD cho Afghanistan. Con số này đồng nghĩa với việc số tiền Washington bỏ ra để ngăn Taliban trỗi dậy còn cao hơn tổng giá trị tài sản của 33 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ, nhưng vẫn không thể ngăn đà tiến quân của Taliban chỉ trong vài tháng qua.
Giới phân tích nhận định Mỹ sẽ chịu thêm nhiều chi phí rất lâu sau khi rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan theo lệnh của Tổng thống Joe Biden. Washington đã phải trả 500 tỷ USD tiền lãi, do chi phí cuộc chiến được lấy từ các khoản vay của chính phủ. Đến năm 2050, riêng số tiền trả lãi vì cuộc chiến Afghanistan có thể lên tới 6.500 tỷ USD.
Vũ Anh (Theo Drive)