Kỳ thi THPT 2015 được nhiều người đánh giá là ồn ào nhất từ trước đến nay, không phải vì tiêu cực trong thi cử cũng như sự xuất hiện những tấm gương học sinh xuất sắc... mà bởi quy chế thi mới của Bộ Giáo dục.
Với tâm trạng của một sinh viên đã trải qua cả hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2014, tôi xin nói đôi lời mang tính chủ quan về kỳ thi năm nay, hay cụ thể hơn là về cách thức tuyển sinh vào các trường đại học.
Theo quy chế mới của Bộ, kỳ thi năm 2015 được tổ chức để đồng thời xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học. Như vậy nghĩa là học sinh muốn xét tuyển vào đại học, cao đẳng chỉ phải thi một kỳ thi duy nhất.
Bên cạnh đó, đợt thi năm nay được tổ chức gần như trùng với lịch xét tuyển khối A và A1 các năm trước. Vì thế, học sinh có thêm thời gian chọn trường, cũng như tránh ảnh hưởng tới tiến trình ôn tập của các em.
Sau khi biết điểm, thí sinh mới bắt đầu chọn trường. Đồng thời, để học sinh có thêm cơ hội, Bộ cũng cho các em quyền được rút hồ sơ, tránh trường hợp em điểm cao vẫn bị trượt nguyện vọng một.
Theo tôi, đây là một cách làm hay và thiết thực, bởi lẽ như các năm trước, thí sinh phải đăng ký vào trường đại học mình muốn học rồi mới tham gia thi. Như vậy nghĩa là các sĩ tử phải tự đánh giá được năng lực của mình để đăng ký và khi đã thi xong thì mọi việc coi như đã an bài, không thể thay đổi được nữa.
Còn năm nay, học sinh được làm bài tại các cụm thi địa phương, áp lực phòng thi giảm hẳn. Khi đã có điểm mới chọn trường, so với việc dựa vào điểm và lực học thì rõ ràng dựa vào điểm số sẽ thiết thực hơn, bởi chuyện "học tài thi phận" không phải là hiếm.
Thực tế cho thấy, ở kỳ thi đại học 2013, ngành Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội lấy điểm chuẩn lên tới 27,5 và có tới hàng chục thí sinh 27 điểm vẫn trượt đại học. Có lẽ những thí sinh trượt năm đó cũng đang ao ước được rút hồ sơ như năm nay.
Có nhiều ý kiến cho rằng nếu làm như vậy thì các thí sinh điểm cao sẽ tập trung nộp hồ sơ vào các trường top đầu. Chuyện này hầu như năm nào cũng vậy, có chăng năm nay điểm của thí sinh được cập nhật hàng ngày, hàng tuần nên mọi người mới thấy rõ. Bên cạnh đó, những trường không thuộc top cũng không thiếu những thí sinh cao điểm.
Lại chuyện thí sinh và phụ huynh than vất vả khi nộp, rút hồ sơ. Như đã nói ở trên, nộp - rút hồ sơ là quyền lợi và tất nhiên để thực hiện chuyện này phải mất công sức. Rõ ràng, các em có quyền không dùng đến quyền lợi đó như mọi năm. Các sĩ tử có thể nộp hồ sơ và không cần quan tâm đến thứ hạng, chỉ chờ trường công bố điểm chuẩn.
Vấn đề tôi muốn nói đến ở đây chính là hiệu ứng đám đông của một bộ phận không nhỏ thí sinh và phụ huynh. Chỉ cần thấy ai đó lên tiếng than vãn vài câu là họ lại ùa vào kêu khóc, trách móc Bộ Giáo dục, nặng có, nhẹ có, lịch sự có và thô tục cũng không thiếu. Họ nhìn vấn đề chỉ theo một khía cạnh, mà khía cạnh đó lại không có lợi cho họ, con em họ nên vịn vào đó để chỉ trích.
Tôi từng tham dự kỳ thi năm 2014 tại Hà Nội, đồng ý là khác hoàn toàn so với năm nay, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm. Bất cập từ việc tôi phải đi hơn 150km để tới địa điểm thi trên chiếc xe khách 45 chỗ nhưng chứa đến hơn 100 người, mà đa số trong đó cũng là các thí sinh và phụ huynh.
Bất cập về vấn đề ăn, ở tại thủ đô, về giao thông trong những ngày thi cử, rồi áp lực phòng thi khi xung quanh toàn là những đối thủ "không phải dạng vừa". Nói như vậy để thấy, Bộ Giáo dục đã rất nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Tuy vẫn còn nhiều điều chưa trọn vẹn, thế nhưng việc cải cách trong lần thi cử này là rất tích cực, không hề phản tác dụng như nhiều người vẫn nói.
Tôi mong trong lần thi tới, Bộ sẽ có những cải cách sáng suốt hơn nữa, đồng thời hy vọng quý vị phụ huynh cũng như thí sinh hãy nhìn vấn đề một cách tích cực, tránh ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các thí sinh khác cũng như thế hệ sĩ tử tiếp theo.
>> Xem thêm: Trượt đại học khiến tôi thêm mạnh mẽ
'Cuộc chơi nộp - rút hồ sơ đại học gây tốn tiền tỷ' |
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục, thi cử tại đây.