Quyết định được Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM công bố ngày 31/7, sau khi cơ quan này tiến hành kiểm tra Đại học Tôn Đức Thắng nhiều ngày trước đó.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã làm việc với Đảng ủy khối các trường Đại học, cao đẳng TP HCM về kết luận kiểm tra một số sai phạm với cá nhân ông Danh.
Ban chấp hành Đảng bộ Đại học Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2015-2020 hiện có 10 thành viên, do ông Danh làm Bí thư Đảng ủy. Ban giám hiệu đại học hiện chỉ có Hiệu trưởng Lê Vinh Danh, các hiệu phó đã kết thúc nhiệm kỳ từ cuối tháng 3.
Theo lý lịch khoa học do trường công bố, ông Danh 57 tuổi, quê Quảng Ngãi, học vị tiến sĩ. Từ năm 1991, ông Danh công tác tại Đại học Tổng hợp TP HCM, Đại học Bách khoa TP HCM rồi Đại học Quốc gia TP HCM trước về Đại học Tôn Đức Thắng từ năm 1999.
Tháng 6/2019, lãnh đạo đại học này đã phản đối cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bởi cho rằng cơ quan này có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ đại học, trái với các quy định hiện hành. Lúc này là trước thời điểm Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sau đó cho rằng những phát ngôn của Ban giám hiệu trường Tôn Đức Thắng "không đúng bản chất, sự thật, gây tổn hại đến uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam".
Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Đại học Tôn Đức Thắng, nhất là Hiệu trưởng Lê Vinh Danh, nhiều lần phản ứng, không chấp hành quy định của cấp có thẩm quyền, trong đó có Tổng Liên đoàn.
Ông Danh còn có dấu hiệu lạm quyền khi triệu tập và chủ trì họp Hội đồng trường bất thường mà không báo cáo, đề nghị với Chủ tịch Hội đồng trường, khi đó là ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Đại học Tôn Đức Thắng tiền thân là Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, thành lập tháng 9/1997. Trường ban đầu do Liên đoàn Lao động TP HCM sáng lập và quản lý, sau đó chuyển sang mô hình bán công, rồi công lập và chuyển về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Năm 2015, Đại học Tôn Đức Thắng gây xôn xao dư luận khi quyết định tự bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu.
Tháng 9/2017, trong bảng xếp hạng do nhóm nghiên cứu độc lập công bố, đại học này đứng thứ hai, xếp trên hàng loạt đại học tên tuổi, có điểm chuẩn đầu vào rất cao như Bách khoa Hà Nội, Sư phạm Hà Nội, Y Hà Nội, Ngoại thương.
Tháng 8/2019, Đại học Tôn Đức Thắng lần đầu vào top 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng Academic Ranking of World Universities (ARWU).
Hữu Công - Mạnh Tùng