Sáng 24/6, ông Trần Văn Thuật, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết cơ quan này đã thành lập tổ thẩm tra, xác minh thông tin liên quan đến ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, sau khi một số cơ quan báo chí đăng tải thông tin về bằng cấp, học hàm giáo sư và tuổi thật của ông.
Tổ thẩm tra do Ủy ban Kiểm tra Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì, sẽ đề nghị Đại học Tôn Đức Thắng cũng như ông Lê Vinh Danh giải trình. Sau khi có kết luận, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ thông tin chính thức.
"Trước mắt, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tập trung ổn định tình hình tư tưởng đội ngũ cán bộ giáo viên, công nhân viên chức, lao động; tâm lý của sinh viên; tạo thuận lợi nhất cho kỳ tuyển sinh năm 2019-2020", ông Thuật nói.
Về lâu dài, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục tạo thuận lợi để trường phát triển bền vững, ổn định theo mô hình tự chủ và theo quy định pháp luật. Quan điểm này đã được lãnh đạo Tổng liên đoàn thống nhất.
Sáng 24/6, website Đại học Tôn Đức Thắng vẫn đăng tải lý lịch của Hiệu trưởng Lê Vinh Danh là Nhà giáo ưu tú, học giả sau tiến sĩ, giáo sư, sinh ngày 30/11/1963. Trước đó, có thông tin ông Danh sinh năm 1957, theo tuổi thì đã nghỉ hưu, hoặc thôi không làm công tác quản lý được 2 năm.
Đại học Tôn Đức Thắng và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đang có một số bất đồng. Nhiều cán bộ, giảng viên đại học này gửi đơn đến một số cơ quan Trung ương, phản đối Tổng liên đoàn lao động Việt Nam buộc trường nộp 30% phần chênh lệch thu chi tài chính sau khi nộp thuế. Họ cho rằng cơ quan chủ quản đã có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ của nhà trường, trái với quy định hiện hành, khi yêu cầu lãnh đạo trường trước khi có quyết định quan trọng phải thông qua cơ quan chủ quản rồi mới đưa ra Hội đồng trường quyết định.
Trong khi đó, ông Phan Văn Anh (Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) nói, cơ quan không buộc Đại học Tôn Đức Thắng trích nộp 30% chênh lệch thu chi. Đến nay, Tổng liên đoàn chưa thu một đồng từ trường.
Đại học Tôn Đức Thắng tiền thân là trường Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, thành lập tháng 9/1997. Trường ban đầu do Liên đoàn Lao động TP HCM sáng lập và quản lý, sau đó chuyển sang mô hình bán công, rồi công lập và chuyển về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Năm 2015, Đại học Tôn Đức Thắng gây xôn xao dư luận khi quyết định tự bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu.
Tháng 9/2017, trong bảng xếp hạng do nhóm nghiên cứu độc lập công bố, đại học này đứng thứ hai, xếp trên hàng loạt đại học tên tuổi, có điểm chuẩn đầu vào rất cao như Bách khoa Hà Nội, Sư phạm Hà Nội, Y Hà Nội, Ngoại thương.