Chiều 10/6, một ngày sau khi lãnh đạo Đại học Tôn Đức Thắng lên tiếng phản đối cơ quan chủ quản về những chỉ đạo trước thời điểm Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) có hiệu lực, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định những phát ngôn của Ban giám hiệu trường Tôn Đức Thắng "không đúng bản chất, sự thật, gây tổn hại đến uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam".
Trước phản ánh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam buộc trường nộp 30% phần chênh lệch thu chi tài chính, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho hay cơ quan này không có một công văn nào yêu cầu trường phải nộp khoản tiền này.
Năm 2017, đoàn kiểm tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản đã kiến nghị trường thực hiện nghĩa vụ như các đơn vị sự nghiệp công lập khác, tức là trích nộp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi nộp thuế. Mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định. Ngoài ra, văn bản góp ý của các ban Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường có nêu lại nội dung này.
Tuy nhiên, căn cứ Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017, Thường trực Tổng Liên đoàn đã quyết định không thu của trường. "Hàng năm, Tổng Liên đoàn cũng không giao dự toán phải nộp cho trường và thực tế đến nay hoàn toàn không thu của trường khoản tiền nào", ông Hiểu nhấn mạnh.
Ông Hiểu khẳng định trường Tôn Đức Thắng thông tin với công luận rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu trường nộp 30% chênh lệch thu chi để xây dựng thiết chế công đoàn là "sai sự thật", bởi thiết chế được thực hiện hai năm vừa qua lấy từ nguồn tiết kiệm 10% chi hành chính, chi phong trào của cả hệ thống.
Về việc hỗ trợ tiền, tài sản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với Đại học Tôn Đức Thắng, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn, cho hay tiền thân của trường là Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng do Liên đoàn Lao động TP HCM sáng lập, sau đó chuyển thành Đại học bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc UBND TP HCM và đến năm 2008 thì trở thành trường công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Dù qua nhiều lần thay đổi, toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất với giá trị đầu tư gần 3.000 tỷ đồng và trên 100 ha đất cùng bộ máy, nhân sự kể từ ngày đầu thành lập đến nay đều thuộc tổ chức công đoàn, hiện là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cơ quản chủ quản này còn tiếp tục tạo điều kiện cho trường một số cơ sở nhà đất và tài sản trên đất, các khoản cấp, cho vay.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định số tiền, tài sản mà cơ quan này đã hỗ trợ Đại học Tôn Đức Thắng lên tới hàng nghìn tỷ đồng dưới nhiều hình thức, như: cấp, cho vay, giao quản lý, sử dụng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao đất.
Ngoài thông tin mà Đại học Tôn Đức Thắng đưa ra để phản đối cơ quản chủ quản, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng lên tiếng về hoạt động của ban giám hiệu nhà trường.
Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Đại học Tôn Đức Thắng, nhất là Hiệu trưởng Lê Vinh Danh, nhiều lần phản ứng, không chấp hành quy định của cấp có thẩm quyền, trong đó có Tổng Liên đoàn. Ông Danh còn có dấu hiệu lạm quyền khi triệu tập và chủ trì họp Hội đồng trường bất thường mà không báo cáo, đề nghị với Chủ tịch Hội đồng trường là TS Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
"Vì lý do đi công tác nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng trường đã yêu cầu lùi thời gian tổ chức cuộc họp, tuy nhiên Hiệu trưởng vẫn chủ trì và ra các quyết nghị, trong khi quy định tại Điều lệ trường đại học thì chỉ có Chủ tịch Hội đồng trường mới có quyền chủ tọa cuộc họp Hội đồng trường", đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu.
Nói về công văn số 655 ngày 7/5 gửi Hội đồng trường và Ban giám hiệu Đại học Tôn Đức Thắng về việc chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định nội dung công văn hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Cơ quan này không can thiệp, áp đặt vào công việc nội bộ của nhà trường mà tiếp tục tạo điều kiện tối đa để nhà trường tự chủ.
Về công văn 831 ngày 5/6 gửi Bộ Giáo dục và Đạo tạo để xin ý kiến một số nội dung nhằm chuẩn bị thực hiện Luật Giáo dục đại học, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xem xét học hàm giáo sư của ông Lê Vinh Danh, vì có ý kiến công dân đề nghị xem lại tính hợp pháp của đại học đã công nhận học hàm này.
"Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tôn trọng và bảo vệ đến cùng Hiệu trưởng Lê Vinh Danh nếu học hàm đó là hợp pháp", lãnh đạo cơ quan này nói.
Trước đó, nhiều cán bộ, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng đã gửi đơn đến một số cơ quan Trung ương, phản đối Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam buộc trường nộp 30% phần chênh lệch thu chi tài chính sau khi nộp thuế. Họ cho rằng cơ quan chủ quản đã có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ của trường và trái với quy định, khi yêu cầu lãnh đạo trường trước khi có quyết định quan trọng phải thông qua cơ quan chủ quản trước khi đưa ra Hội đồng trường quyết định.
Đại học Tôn Đức Thắng tiền thân là trường Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, thành lập tháng 9/1997. Trường ban đầu do Liên đoàn Lao động TP HCM sáng lập và quản lý, sau đó chuyển sang mô hình bán công, rồi công lập và chuyển về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Năm 2015, Đại học Tôn Đức Thắng gây xôn xao dư luận khi quyết định tự bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu.
Tháng 9/2017, trong bảng xếp hạng do nhóm nghiên cứu độc lập công bố, đại học này đứng thứ hai, xếp trên hàng loạt đại học tên tuổi, có điểm chuẩn đầu vào rất cao như Bách khoa Hà Nội, Sư phạm Hà Nội, Y Hà Nội, Ngoại thương.