Lễ trao giải Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh diễn ra tối 29/3 tại TP HCM. Sự kiện thu hút hơn 100 khán giả, các học giả, trí thức tham dự.
Tại buổi này, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao Giải thưởng "Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục" cho bà Bùi Trân Phượng. Nữ tiến sĩ này nhận giải thưởng uy tín vì những hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua góp phần đổi mới giáo dục đại học và cao đẳng nước nhà.
Khi lên bục đọc diễn từ nhận giải, nữ tiến sĩ không kìm được nước mắt khi nhắc đến hành trình tìm đến con chữ của gia đình bà. Sinh ra trong gia đình trọng sự học và sách vở, Bùi Trân Phượng được truyền đam mê học từ tủ sách nhỏ của ông ngoại, từ người cha biết vượt qua nghèo khó để vươn lên tự học mà thành đạt.
Bà Bùi Trân Phượng sinh năm 1950, được thừa hưởng những phẩm chất sư phạm từ người thân. Tiếp nối truyền thống gia đình, sau khi hoàn thành chương trình trung học Pháp tại trường Marie Curie, bà đậu Tú tài hạng ưu và đi du học Pháp vào năm 1968. Bà tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Lịch sử đại học Paris I (1972), tốt nghiệp thạc sĩ Lịch sử tại Đại học Paris VII (1994), bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Lịch sử tại Đại học Lyon 2 (2008).
Cũng trong thời gian này, bà dạy học tại trường Marie Curie và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Cần Thơ. Từ 1975 đến 1991, bà công tác tại Đại học Sư phạm TP HCM, đã qua các chức vụ: Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Khoa Sử. Về trường Hoa Sen từ năm 1991, bà lần lượt đảm nhận các cương vị: Trưởng Bộ môn tiếng Pháp, Trưởng ngành Quản trị Văn phòng, phó hiệu trưởng phụ trách hợp tác quốc tế. Bài trở thành Hiệu trưởng từ năm 1996 đến nay.
Là một nhà giáo dục tâm huyết, bà Bùi Trân Phượng còn là một nhà nghiên cứu khoa học say mê.
Từ 1975 đến 1992, các công trình của bà chủ yếu tập trung vào lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Từ 1992 đến nay, bà đi sâu nghiên cứu lịch sử văn hóa và lịch sử phụ nữ Việt Nam. Luận án tiến sĩ lịch sử của bà có đề tài về những nhận thức và trải nghiệm mới của Việt Nam giai đoạn 1920 - 1945.
Nghiên cứu là niềm đam mê, được bà nuôi dưỡng bằng sự trải nghiệm bản thân. Bà cho rằng: "Càng biết rộng, hiểu sâu, người ta càng khoan dung và nhân hậu hơn với đời, với người". Bà quan niệm: "Biển học là vô hạn, nhân sinh nhiều khác biệt, tri thức bất biến là tri thức chết". Nữ tiến sĩ không ngừng đặt ra cho bản thân những yêu cầu cao hơn về sự chặt chẽ trong tư duy, sự công phu trong sưu tầm, khảo cứu, sự cẩn trọng trong phân tích, lý giải, thẩm định... Chính vì vậy, những công trình nghiên cứu của bà luôn được các nhà khoa học quốc tế đánh giá là có cái mới về tri thức cũng như phương pháp.
Đây là lần thứ sáu Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao giải cho các cá nhân đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của cộng đồng về các lĩnh vực Văn hóa - Giáo dục, nghiên cứu, Việt Nam học và Dịch thuật.
Ngoài bà Bùi Trân Phượng, Quỹ còn trao 5 giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc khác, gồm có: ông Vũ Đức Hiếu (trao Giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục), Phạm Duy Hiển (giải dịch thuật), Chu Tiến Anh (giải dịch thuật), Lê Thành Khôi (giải nghiên cứu) và ông Philippe Langlet (giải Việt Nam học).
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh cho biết, năm nay là năm đầu tiên giải thưởng của Quỹ hướng đến những người tre. Bên cạnh giáo sư Lê Thành Khôi đã ở lứa tuổi 90, gương mặt trẻ góp tên vào "bảng vàng" là họa sĩ Vũ Đức Hiếu (biệt danh là Hiếu Mường vì có nhiều năm gắn bó với văn hóa Mường) chỉ mới 36 tuổi.
>> Xem trích dẫn từ nhận giải Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh 2013
Thất Sơn