"...Thời gian gần đây, do sự phát triển chung của xã hội hiện đại, và quá trình đô thị hóa, những nét độc đáo nhất của văn hóa Mường đang đứng trên bờ vực của sự suy thoái và biến mất. Cực kỳ hiếm những thanh niên người Mường hiện nay hiểu biết những kỹ năng sống của cha ông, cũng như am hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc sinh ra họ. Trong khi những người có tuổi, các thầy Mo (người phụ trách giữ gìn tín ngưỡng tâm linh và văn hóa Mường), thầy thuốc, những nghệ nhân đan lát, dựng nhà, dệt vải còn sống không còn nhiều.
Đi khắp các bản Mường quanh thành phố Hòa Bình đâu cũng là nhà xây với nhiều kiểu kiến trúc mới, chúng ta không còn gặp những nếp nhà sàn yên bình nép mình trong những vườn cây, không còn hình ảnh những cô gái Mường thướt tha trong trang phục truyền thống, mà chỉ bắt gặp những quần bò, áo phông, màu sắc sặc sỡ, những xe máy rú ga chạy ầm ầm, những tiếng nhạc xập xình loa mở to hết cỡ. Còn đâu những làn điệu ru con của các Mẹ, các Mế, còn đâu những làn điệu Thường Rang, Bộ mẹng, hát đối, hát đúm của nam nữ thanh niên với những lời ca tình tứ..."
Phạm Duy Hiển - Giải dịch thuật:
..."Nói đến dịch thuật, người ta thường nhấn mạnh khía cạnh truyền bá kiến thức của nó. Điều đó tất nhiên là đúng. Nhưng còn một khía cạnh nữa: ảnh hưởng của dịch thuật đối với ngôn ngữ thì dường như thường bị lãng quên. Và khi nói tới ảnh hưởng của dịch thuật đối với ngôn ngữ, người ta thường nhắc tới Martin Luther, người đã dịch Kinh tân ước (vào năm 1522) và Kinh cựu ước (vào năm 1534) từ tiếng Latin sang thổ ngữ của miền trung nước Đức và đã khiến cho bộ phận ngôn ngữ ấy sau này trở thành ngôn ngữ chuẩn của nước Đức. Dù không có những nghiên cứu về ảnh hưởng cụ thể của dịch thuật đối với tiếng Việt, nhưng tôi tin chắc rằng việc dịch Tam tạng kinh điển của đạo Phật, dịch các trước tác của Khổng giáo và các tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc sang chữ nôm và sau này là sang chữ Quốc ngữ, cũng như việc dịch các tác phẩm văn học và khoa học từ tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nga sang tiếng Việt đã có những đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển của tiếng Việt hiện đại.
Chỉ cần đọc một vài tác phẩm viết cách đây khoảng 100 năm và so sánh văn phong của những tác phẩm đó với những tác phẩm được xuất bản gần đây, chúng ta cũng sẽ thấy ngay rằng tiếng Việt đã rõ ràng, mạch lạc, trong sáng và hiện đại hơn rất nhiều. Tôi tin chắc rằng các dịch giả tiền bối đã có công rất lớn trong quá trình hiện đại hóa đó..."
Chu Tiến Ánh - Giải dịch thuật:
"...Ai cũng vậy, kể các em học sinh thơ ấu, đều chịu ấn tượng ngày thêm đậm nét tính cách hỗn độn, phức tạp, đổi thay vùn vụt đến sửng sốt của đời sống tinh thần và vật chất. Thế hệ các em ắt phải gánh trọng trách để kiềm chế đà suy thoái này, và chúng tôi nghĩ đó là một trọng tâm công việc phục vụ giáo dục hôm nay. Thêm nữa, khoa học và công nghệ từng ngày đưa lại nhiều định luật, thành tựu mới mẻ đến bất ngờ, kể cả trong khoa học nhân văn, xã hội. Các em sẽ phải dùng các dạng năng lượng, động lực khác hẳn truyền thống để giảm hàm lượng đầu vào nhiều lần mà tăng công dụng, giá trị nhiều lần, vì nếu cứ lãng phí như hiện nay thì loài người lấy gì mà sinh tồn, cái thời điểm “ tận thế” (như đại hồng thủy, vv..) có thể rất khó tránh. Khoa học tự nhiên đã chớm nhận thức được điều đó, chẳng hạn các trí tuệ kiệt xuất tại Câu lạc bộ Roma. Nhưng nếu xem xét 100 năm lịch sử vừa qua thì thấy rõ khoa học xã hội sau khi thoát được cái bóng của tín niệm thần bí, đã tiến mạnh đến các liên ngành tổng hợp mà các chuyên ngành sẽ chẳng cống hiến được bao nhiêu, nhất là với tiếng nói phê phán dè dặt và thiếu dân chủ..."
Philippe Langlet - Giải Việt Nam học:
"...Việc tôi chọn nghiên cứu và dịch những tư liệu cổ có nguyên nhân từ nhiều mối âu lo. Trước hết, do tôn trọng sự yên tĩnh của gia đình, tôi đã từ chối nghiên cứu những vấn đề đương đại trực diện. Nhất là, nhờ được trợ giúp từ cuốn sách cuả giáo sư Lê Thành Khôi, tôi đã nhận ra rằng trong số những nhà sử học Pháp ưu tú, có những vị chỉ có một sự hiểu biết mơ hồ về nước Việt Nam từ thời trước khi có những can thiệp của người châu Âu; các vị đó thật khó mà hiểu nổi một Nhà nước có tổ chức ổn định từ thế kỷ thứ XI, khi nền quân chủ vẫn còn chia năm sẻ bảy cái xứ sở rồi sẽ thành một nước Pháp.
Riêng tôi thì thấy thật kinh ngạc trước một đà vươn lên hiện đại hóa ở đất nước này vào hồi thế kỷ thứ XVIII, và thế là tôi sau đó đã tình nguyện hợp tác làm công việc "đánh giá lại" triều Nguyễn, một trong những chương trình nghiên cứu của Viện Sử học ở Hà Nôi đã thu nhận tôi hồi năm 1982.
Sau nữa, tôi thấy hết sức không hài lòng khi nghe những bài giảng theo niên đại hoặc những tiểu sử tóm tắt liên quan đến vấn đề văn minh. Trong cảnh hưu trí yên tĩnh đã 12 năm nay, tôi quyết định muốn biết rõ tư tưởng các bậc thày cổ xưa diễn đạt bằng Hán văn giữa thế kỷ thứ XIV. Sau một công trình Lịch sử về nguồn gốc (người Việt) với nhiều bài dịch của mình, công trình mới đây nhất của tôi đang chuẩn bị ra mắt là về triết học Phật giáo Thiền mang đậm dấu ấn Đạo Lão, một dẫn luận và một bản dịch với vô số chú giải Kinh Tuê Trung, của hoàng thân Trần Tung, vị tổ của trường phái tư tưởng Trúc lâm ("rừng trúc"), người sống vào những năm từ 1230 đến 1291 và là một trong những người tổ chức cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông..."
Bùi Trân Phượng - Giải Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục:
"...tôi không coi Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Đó chỉ là đỉnh cao của một hệ thống trường do nhà nước phong kiến lập ra, với mục đích không che giấu là làm cho học trò thấm nhuần tam giáo (thời Lý Trần) hay ngày càng độc tôn nho giáo (cuối Trần và Lê Nguyễn).
Sứ mạng của nhà trường đó là đào tạo sĩ phu thành người quân tử theo lý tưởng nho gia, hay phổ biến hơn với số đông, thành tôi con (thần tử) tận trung với triều đình quân chủ. Những nhân cách trí thức lớn không phải là không có, nhưng khó xác quyết họ chỉ được giáo huấn ở nhà trường do các quan từ huyện, tỉnh đến Quốc tử giám phụ trách. Chưa kể vai trò của giáo dục ngoài nhà trường và phẩm chất riêng của cá nhân, phần lớn hơn của giáo dục Việt Nam truyền thống cho đến gần cuối thế kỷ 19, diễn ra ở các trường làng, là quê hương của các thầy đồ (có người từng hiển đạt, nhưng không phải là tất cả, cũng không phải số đông) hay là nơi có gia đình khá giả nào đó rước thầy về dạy học, không chỉ cho con cháu nhà mình, mà cho làng, cho địa phương; và nếu thầy nổi tiếng về tài đức, có cả học trò từ xa tầm sư học đạo.
Việt Nam thực chất có truyền thống lâu đời về giáo dục tư, theo nghĩa không do nhà nước chủ xướng, tổ chức, điều hành và gánh chi phí và vì vậy, nhà nước cũng không hề có quyền trực tiếp chỉ đạo và chi phối. Giáo dục tư hay công, tất nhiên đều không thoát khỏi khuôn ý thức hệ thống trị, do chương trình, kinh sách, cách học và nhãn quan trong đó thầy và trò được giáo huấn; cao hơn hết là bởi mục đích sự học là các kỳ thi quốc gia, mà hệ lụy dai dẳng nhứt là não trạng tai hại “học để thi, để làm quan” đến nay vẫn còn hết sức nặng nề...".
Thất Sơn ghi