Thất Sơn -
Lại Nguyên Ân: Giải Nghiên cứu
Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân phát biểu tại lễ trao giải văn hóa Phan Châu Trinh, Ảnh: Tường Vân |
Lại Nguyên Ân sinh năm 1945, tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1968. Ông từng công tác tại tạp chí Học tập, trường Thương nghiệp tại Ba Vì, Hà Tây, biên tập viên sách văn học NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội nhà văn). Ông hoạt động chủ yếu với tư cách nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn học, cây bút biên dịch, thông tin lý luận.
"Tôi không phải là người lạc quan. Làm công việc khôi phục văn bản những tác phẩm cụ thể của những tác gia cụ thể đã và đang lùi sâu vào quá khứ, tôi luôn luôn cảm thấy nguy cơ mất mát rất dễ xảy ra đối với mọi loại di sản. Chính vì vậy, trách nhiệm và sự nhiệt tình của người hoạt động trong lĩnh vực này là điều không thể thiếu. Bên cạnh đó, sự hiểu biết cần thiết về văn bản học, kỹ năng cần thiết để xử lý các tình huống văn bản, cũng là những điều không thể thiếu. Các di sản bằng ngôn ngữ văn tự sẽ được bảo quản và gìn giữ tốt hơn bởi những chuyên gia vừa có tinh thần trách nhiệm cao vừa có đủ hiểu biết và kỹ năng làm việc tốt..." (trích diễn từ nhận giải)
GS Hoàng Tụy: Giải Giáo dục
Nhà toán học Hoàng Tụy tại lễ trao giải. Ảnh: Tường Vân |
GS Hoàng Tụy sinh năm 1927 là Giáo sư, Tiến sĩ về toán học, nghiên cứu Hàm thực, lý thuyết tối ưu, Giải tích lồi, Toán kinh tế. Ông từng là Viện trưởng Viện toán học, giáo sư thỉnh giảng của nhiều đại học trên thế giới. Ông là người gầy dựng cơ sở và tổ chức ứng dụng toán học vào quản lý kinh tế ở Việt Nam đồng thời nghiên cứu và góp sức vào chấn hưng giáo dục và các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước.
"... Đã bước sang thế kỷ 21 nhưng giáo dục của ta vẫn giữ nhiều quan niệm cổ hủ như thời phong kiến Nho giáo hay thời Trung cổ ở châu Âu, nặng tính giáo điều kinh kệ, vì nhằm mục tiêu thiển cận biến con người thành một phương tiện sử dụng vào các mục đích tôn giáo hay chính trị, hơn là hoàn thiện con người như một chủ thể tự do... (trích diễn từ nhận giải)
Nguyễn Đôn Phước: Giải Dịch thuật
Dịch giả Nguyễn Đôn Phước nhận giải dịch thuật từ Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh. Ảnh: Tường Vân |
Nguyễn Đôn Phước sinh năm 1951. Ông tốt nghiệp trường Quốc gia thống kê và Quản lý kinh tế Pháp năm 1973. Ông từng giảng dạy về Kinh tế tại Paris, làm chuyên gia thống kế kinh tế cho Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế Pháp (Insee), cho UNCTAD (United Nations Conference on Trade and Development). Từ năm 1998 đến nay, ông dịch sách kinh tế và nghiên cứu độc lập về kinh tế, thống kê.
"...Trước độ phức tạp của những vấn đề mà các xã hội phải giải quyết, chính bản thân các nhà kinh tế cũng nhận thức giới hạn của việc tự bó hẹp tầm nhìn trong chuyên ngành của mình. Chẳng hạn, hai khuôn mặt lớn trong thế kỷ 20 mà ảnh hưởng tư tưởng của họ còn đến tận hôm nay và tuy triết lý xã hội của họ đối lập nhau, là Keynes và Hayek, đều đòi hỏi nhà kinh tế không chỉ là nhà kinh tế, thậm chí còn cảnh báo rằng nếu chỉ là nhà kinh tế không thôi thì sẽ là một tai họa!" (trích diễn từ nhận giải)
Phạm Văn Thiều: Giải Dịch thuật
Dịch giả Phạm Văn Thiều (ngoài cùng, phải) cùng nhận giải với các học giả thuộc nhiều lĩnh vực khác. Ảnh: Tường Vân. |
Phạm Văn Thiều sinh năm 1946, tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý lý thuyết, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1968, hiện ông công tác tại Viện Vật lý thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia và Hội Vật lý Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hội Vật lý Việt Nam kiêm Tổng biên tập tạp chí Vật lý và Tuổi trẻ. Ông được biết đến với vai trò dịch giả của nhiều cuốn sách phổ biến khoa học có giá trị.
"... Tôi nghĩ rằng thật sự học sinh Việt Nam của chúng ta hoàn toàn không thiếu tài năng, tư duy sáng tạo nhưng thiếu một ngọn lửa để đốt cháy lên và duy trì liên tục niềm đam mê sáng tạo..." (trích diễn từ nhận giải)
Ivo Vasiljev: Giải Việt Nam học
Ivo Vasiljev (phải) là học giả người Czech đầy tâm huyết với văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam. Ảnh: Tường Vân |
Ivo Vasiljev sinh năm 1935 tại Praha, CH Czech. Ông tốt nghiệp Đại học Charles, Praha năm 1958. Ông thực hiện luận văn Tiến sĩ về: Ngữ pháp Hán - Việt trong tiếng Việt chuẩn, hiện đại, tại Viện Đông Phương, Viện hàn lâm Czech và Slovak về khoa học năm 1964. Ông là tác giả của cuốn sách Nghiên cứu về di sản Việt cổ (Praha 1990), một nghiên cứu lịch sử về người Việt. Ông đã xuất bản các nghiên cứu về ngôn ngữ học, về chức năng của ngôn ngữ trong các tộc người, về chủ nghĩa đa ngôn ngữ, lịch sử di dân.
"... Tôi đang chuẩn bị đối đầu với hai nhiệm vụ hàng đầu mà tôi tự giao cho mình là: 1. Sớm hoàn thành được cuốn Từ điển giáo hóa Czech - Việt và Việt - Czech cùng đồng tác giả Nguyễn Quyết Tiến, 2. Tìm cách để sớm công bố báo cáo khoa học đầy đủ của nhà khảo cổ học Anh TS Mensun Bound về cuộc khai quật tàu đắm cổ tại vùng biển, cứu được những tư liệu vô giá đối với dân tộc Việt Nam trước khi việc không may xảy ra và tư liệu sẽ bị mất mát." (trích diễn từ nhận giải)
Kevin Bowen: Giải Việt Nam học
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (trái) đọc diễn từ tiếng Việt giúp nhà thơ Kevin Bowen,. Ảnh: Tường Vân |
Kevin Bowen là nhà thơ, dịch giả, giám đốc trung tâm William Joiner - Nghiên cứu về Chiến tranh và Hậu quả xã hội, thuộc Đại học Massachusetts, Boston, Mỹ. Ông có bằng tiến sĩ tại Suny Buffalo và sau đó tiếp tục làm công tác nghiên cứu tại đại học New College, Oxford. Ông đã nhận giải Pushcart, nghiên cứu về thơ và hư cấu từ Hội đồng văn hóa Massachusetts và học bổng nghiên cứu thơ từ Quỹ nghệ thuật quốc gia Mỹ.
"Dịch thuật lúc nào cũng là một thách thức. Những người cùng dịch cuốn Thời xa vắng - có David Hunt, tôi, Ngô Vĩnh Hải và Nguyễn Bá Chung, hai Việt hai Mỹ - chúng tôi đã học được rất nhiều khi cùng nhau đánh vật với từng dòng của cuốn sách đó, cố truyền đạt trung thực nhất những gì Lê Lựu đã mô tả, từ trời, đất, cuộc sống thành phố, nông thôn, rồi cuộc chiến, và cả những lối chơi chữ, tính hóm hỉnh và chất nồng ấm trong giọng văn của anh ấy.
Được trở lại Việt Nam là quan trọng nhất, được về tận làng quê của Lê Lựu, thấy dân làng oằn mình ngoài đồng ruộng, bước dọc bờ sông vào ngày hội Tiên Dung, nhìn cờ phướn tung bay trong gió... Có một nhà phê bình vĩ đại từng nói mục đích của nghệ thuật là khiến ta nhìn thấy. Các nhà văn Việt Nam đã làm việc với chúng tôi từng bước một để giúp cho cái phần dịch giả trong con người chúng tôi nhìn ra được những gì cần phải thấy..." (trích diễn từ nhận giải)
Tối 24/3, lễ trao giải văn hóa Phan Châu Trinh diễn ra tại khách sạn Rex, TP HCM. Lễ do bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, nguyên Phó Chủ tịch nước chủ trì. Trong dịp trao giải năm nay, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh phối hợp cùng các tổ chức liên quan xuất bản hai tập sách: 1. Diễn từ nhận giải Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh (2007-2010),2. Hoàng Tụy, Giáo dục - Xin cho tôi nói thẳng, NXB Tri Thức 2011. Ngoài ra, ban tổ chức còn thực hiện buổi thuyết trình về "Tinh thần khai sáng của Phan Châu Trinh" tại đại học Hoa Sen (TP HCM) vào 8h30 sáng 23/3 với sự góp mặt của diễn giả Bùi Trân Phượng và Nguyên Ngọc. Ngày 24/3, nhân kỷ niệm 85 năm ngày mất của Phan Châu Trinh, một lễ tưởng niệm cũng diễn ra tại đền thờ cụ Phan Châu Trinh (ở số 9, đường Phan Thúc Duyên, TP HCM). |