Bệnh viêm màng não, hay còn gọi là viêm não, do vi khuẩn não mô cầu gây nên, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng não; nặng có thể gây phù não; tổn thương thần kinh trung ương... gây tử vong. Diễn tiến của bệnh nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ nếu không được điều trị tích cực.
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại vaccine ngừa bệnh viêm màng não được sử dụng rộng rãi. Vi khuẩn não mô cầu được phát hiện có 13 chủng, gồm 3 chủng nguy hiểm nhất tại Việt Nam là A, B và C. Do đó, trẻ cần tiêm ngừa cả hai vaccine phòng viêm não mô cầu AC và BC.

Vaccine AC giúp ngừa bệnh não mô cầu tuýp A và tuýp C. Ảnh: AJP.
Viêm não mô cầu là căn bệnh nguy hiểm, tuy nhiên vaccine ngừa bệnh vẫn chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Dù vậy, các bậc phụ huynh cũng nên chuẩn bị sẵn sàng cho con em tiếp nhận vaccine từ sớm, đồng thời giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng cũng giúp ngừa bệnh hiệu quả.
Phụ huynh nên cho trẻ từ hai tuổi trở lên tiếp nhận vaccine viêm não mô cầu AC, giúp phòng ngừa bệnh não mô cầu tuýp A và tuýp C. Trong trường hợp không cẩn thận để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc người nghi nhiễm, trẻ trên 6 tháng tuổi cũng có thể tiêm mũi đầu để tránh lây nhiễm. Dù có tỷ lệ phòng ngừa lên đến 90%, song mũi tiêm ngừa viêm màng não cần được tiêm nhắc lại sau mỗi 3-5 năm để duy trì miễn dịch.
Vaccine viêm não mô cầu BC, phòng ngừa bệnh não mô cầu do tuýp B và tuýp C, có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng trở lên. Mỗi trẻ cần tiếp nhận hai liều, lần đầu và lần hai cách nhau 6-8 tuần.
Theo số liệu ghi nhận trên Webmd, tỷ lệ nhiễm bệnh ở lứa tuổi vị thành niên và thành niên cũng cao không kém. Trong số 1.000 đến 2.600 người mắc bệnh viêm màng não mô cầu mỗi năm, một phần ba số đó là thanh thiếu niên và người đã trưởng thành. 10-15% những người mắc bệnh tử vong dù đã được điều trị bằng kháng sinh. Thậm chí dù đã được chữa khỏi vẫn có đến 20% bệnh nhân tồn tại tác dụng phụ vĩnh viễn, chẳng hạn như mất thính lực hoặc tổn thương não...
Chính vì những lý do trên, dù từng tiếp nhận vaccine viêm màng não từ khi sơ sinh, người lớn và trẻ vị thành niên vẫn cần tiêm nhắc lại. Ở mỗi độ tuổi, số mũi và thời gian tiêm chủng là khác nhau. Để nắm rõ vấn đề này và không đi sớm hoặc muộn hơn thời gian quy định, phụ huynh có thể liên hệ chuyên gia tại các trung tâm vaccine.

Tuy chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, song vaccine viêm màng não vẫn là mũi tiêm cần thiết, nhất là với trẻ nhỏ, sơ sinh và trẻ vị thành niên, với hiệu quả ngừa bệnh lên đến 90%. Ảnh: Immunization Info.
Tùy theo tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe, một số người nên cân nhắc kỹ hoặc tìm đến sự tư vấn của bác sĩ, chuyên gia trước khi quyết định tiếp nhận vaccine phòng viêm màng não. Nếu xuất hiện dị ứng hoặc một số phản ứng phụ nhẹ sau mũi viêm màng não đầu tiên, nên báo ngay cho bác sĩ hoặc chuyên gia để có biện pháp ứng phó kịp thời. Trong trường hợp từng bị dị ứng nặng với bất kỳ loại vaccine nào khác trước đó, bạn nên chia sẻ với bác sĩ để tránh những rủi ro không đáng có.
Với phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu A, C, W hoặc Y, có thể tiếp nhận vaccine viêm não mô cầu AC. Phụ nữ có thai hoặc cho con bú có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu nhóm B có thể tiếp nhận vaccine BC. Tương tự như các trường hợp kể trên, phụ nữ mang thai nên tìm đến bác sĩ để quyết định xem lợi ích của việc tiêm vaccine có cao hơn rủi ro nhiễm bệnh hay không.
Thy An (Tổng hợp)