Thông tin các nhà mạng Việt Nam có thể tắt sóng 2G khi số lượng thuê bao sử dụng công nghệ này còn dưới 5%, mục tiêu dự kiến vào năm 2022, đang gây nhiều tranh luận trái chiều. Không ít ý kiến phản đối lộ trình này khi cho rằng nó sẽ ảnh hưởng tới những đối tượng vốn quen sử dụng điện thoại "cục gạch" như người già, người lao động nghèo, đồng bào dân tộc...
Để hiểu đúng được vấn đề này, trước hết, chúng ta phải hiểu thế nào là sóng điện thoại "cục gạch"? Sóng 2G, 3G, 4G, 5G... thực chất cũng chỉ các sóng điện truyền tín hiệu. Khác biệt duy nhất là G càng cao thì khả năng truyền tải dữ liệu càng nhanh. Bởi vậy, những chiếc điện thoại có thiết kế cổ điển dạng phím bấm vật lý vẫn hoàn toàn có thể dùng sóng 4G, 5G bình thường.
Việc cắt sóng 2G không có nghĩa là xóa sổ hoàn toàn những mẫu điện thoại nghe gọi cơ bản, mà người ta chỉ thay thế con chip sóng 2G trên điện thoại đó bằng chip sóng 3G, 4G. Điều đó có nghĩa là những chiếc điện thoại "cục gạch" đời cũ sẽ không thể hoạt động được nữa, người sử dụng có thể mua những chiếc điện thoại mới sản xuất, có thiết kế tương tự nhưng nhận được sóng 4G, 5G...
Thực tế, nếu chỉ có 5% số người dùng còn sử dụng sóng 2G thì doanh nghiệp viễn thông nào có lãi? Nhà mạng cũng không thể vì một số lượng quá nhỏ người dùng bảo thủ với công nghệ cũ mà phải duy trì mạng 2G lỗi thời, trong khi có rất nhiều điện thoại cơ bản kiểu mới có thể dùng 3G, 4G.
Việc các nhà mạng loại bỏ công nghệ cũ để tập trung cho công nghệ mới, hiện đại hơn là điều hợp xu thế thế giới. Nhà sản xuất khi đó cũng cần phải dàn trải quá nhiều loại sản phẩm mà tập trung vào các dòng máy tích hợp công nghệ 4G, 5G. Xét về góc độ đổi mới, đây cũng sẽ là cơ hội để người Việt có cơ hội tiếp cận với smartphone nhiều hơn. Ngay cả những ai muốn dùng kiểu máy cổ điển cũng vẫn có thể được đáp ứng nhu cầu với một chiếc điện thoại công nghệ mới. Tiện ích như vậy, tại sao nhiều người vẫn cố chấp với cái lỗi thời?
>> Tắt sóng điện thoại 'cục gạch' để bắt kịp thời đại
Xin nhấn mạnh lại rằng, cắt sóng 2G không có nghĩa là xóa sổ điện thoại "cục gạch", bắt toàn bộ người dân phải dùng smartphone. Điện thoại chủ yếu dùng nghe gọi vẫn có thể sử dụng sóng 4G bình thường. Khi chính thức nâng cấp lên sóng 4G, 5G và loại bỏ sóng 2G và 3G, thì lúc đó buộc các nhà sản xuất điện thoại cũng phải thay đổi theo, sản xuất các dòng máy "cục gạch" đời mới.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Việc chuyển đổi là rất cần thiết, không thể trì hoãn, nhưng cũng phải có kế hoạch cụ thể với các bước tuyên truyền, phổ biến kiến thức đầy đủ đến người dùng. Hiện nay, nhiều thiết bị công nghệ thông tin của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước vẫn còn sử dụng sóng 2G, thế nên thay đổi phải từng bước.
Một vấn đề nữa để thực hiện hiệu quả quá trình cắt sóng 2G, đó là những chính sách, hỗ trợ hợp lý dành cho những đối tượng buộc phải thay đổi điện thoại mới, như người già, người lao động nghèo hay đồng bào dân tộc thiểu số... Có thể lấy ví dụ như hỗ trợ thu máy cũ, đổi máy mới, triết khấu, giảm giá thành sản phẩm... Hiện một chiếc điện thoại cục gạch" đời cũ đang được bán trên thị trường với giá dưới 300 nghìn đồng, thế nên điện thoại "cổ điển" đời mới cũng không nên chêch lệch giá quá nhiều. Làm được như vậy, tôi nghĩ không ai còn có lý do gì để phản đối việc chuyển đổi này.
Bảo Nam
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.