Trả lời:
Trên da đầu (nhất là vùng thóp) của trẻ nhỏ có những tảng vảy da dày màu nâu xám, ta thường gọi là cứt trâu. Đó là những chất do tuyến bã nhờn tiết ra, đọng khô lại, có nhiệm vụ bảo vệ vùng thóp còn phập phồng.
Nếu cứt trâu là lớp mỏng thì đó là hiện tượng sinh lý bình thường, không cần chữa. Chỉ cần gội đầu bình thường, dần dần em bé lớn sẽ hết. Nhưng cũng có trường hợp cứt trâu đóng thành từng mảng dày bết vào chân tóc, bóc lên thấy da đầu ở đó hơi đỏ ướt. Cứt trâu dày làm em bé ngứa ngáy, phải gãi đầu, có thể gây biến chứng nhiễm khuẩn nung mủ (chốc đầu), nổi đinh nhọt ở da đầu, vì cứt trâu là môi trường tốt cho vi khuẩn ngoài da (liên cầu, tụ cầu) phát triển. Cứt trâu nhiều có thể làm rụng tóc do lỗ chân lông bị chất nhờn bít kín.
Cần áp dụng một trong các biện pháp sau:
- Vài ngày một lần bôi ít dầu parafin lên da đầu, để vài giờ cho cứt trâu bở ra, sau đó gội bằng nước chanh loãng. Làm như vậy 3-5 lần, lớp cứt trâu sẽ mỏng dần.
- Có thể bôi một số thuốc kem, mỡ có axit salicylic 2%, chlorocid 1%, erythromycin 1%, betneval, dipro-salic, kết hợp gội đầu bằng nước chanh, bồ kết loãng, nước lá chè tươi. Gội nhẹ nhàng, tránh cào hay vò mạnh kẻo làm da đầu bé xây sát, dẫn đến biến chứng.
- Nếu đã thành biến chứng chốc đầu, đinh nhọt, nhất thiết phải đi khám ở thầy thuốc chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị thích hợp.
Bạn nên đưa con đến bác sĩ da liễu để khám và có hướng giải quyết cụ thể.
BS Ngô Xuân Nguyệt, Sức Khỏe & Đời Sống