UBND TP HCM vừa gửi văn bản khẩn, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thống nhất phương án xây dựng nút giao thông An Phú (quận 2), chỉ đạo thực hiện các công việc tiếp theo để nhanh chóng khắc phục tình trạng ùn ứ thường xuyên tại khu vực này.
Tại buổi làm việc với UBND TP HCM mới đây, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa thống nhất việc đầu tư giai đoạn một nút giao An Phú bằng vốn dư JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) của dự án cao tốc TP HCM - Long Thành – Dầu Giây.
Theo góp ý của Bộ GTVT, UBND thành phố đã hoàn thiện và chốt phương án thiết kế xây dựng nút giao An Phú có 3 tầng gồm hầm chui hai chiều kết nối đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (theo hướng đi về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại); kết hợp hầm chui theo hướng từ đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây vào đường Lương Định Của.
Tiếp đó, xây cầu vượt theo hướng từ đường Lương Định Của vào đường cao tốc HLD và cầu vượt theo hướng từ ngã ba Cát Lái - Mai Chí Thọ đi cao tốc HLD.
Ngoài ra, tuyến đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm và tuyến đường sắt TP HCM - Nha Trang sẽ đi trên cao, vượt đường Mai Chí Thọ để vào ga Thủ Thiêm.
Về phương án đầu tư, TP HCM đề xuất phân kỳ thành hai giai đoạn. Giai đoạn một sẽ xây hầm chui hai chiều (4 làn xe) kết nối đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ, theo hướng về hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) và ngược lại, với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 800 tỷ đồng.
Là điểm giao giữa các tuyến đường có mật độ phương tiện đông như cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Mai Chí Thọ, Lương Định Của, Nguyễn Thị Định, khu vực nút giao An Phú thường xuyên bị ùn tắc. Các loại xe phải dừng đợi đèn đỏ rất lâu mới có thể qua được nút giao này. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây bị ùn ứ.
TP HCM đang triển khai nút giao An Sương cũng với 3 tầng để giải quyết ùn tắc ở cửa ngõ phía Tây. Tuy nhiên, trong giai đoạn một cũng chỉ mới có hầm chui được xây dựng.
Hữu Công