Tuyến vành đai 1 chạy xuyên tâm thủ đô, kéo dài từ Nhật Tân qua đường Lạc Long Quân - Bưởi, Ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Kim Liên, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Ô Đông Mác, Nguyễn Khoái. 3 dự án chính trên tuyến với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng đã được đưa vào hoạt động nhiều năm qua, như đoạn Ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Ô Đông Mác, phần nào cải thiện tình trạng quá tải phương tiện trong nội đô.
Tuy nhiên, dự án Hoàng Cầu - Voi Phục thuộc hệ thống vành đai 1 lại đang "lỗi hẹn". Sau hai lần lùi khởi công vào năm 2018-2019, đến nay dự án dài hơn 2,2 km này vẫn hiện hữu hàng nghìn ngôi nhà thấp tầng lợp mái tôn san sát dọc theo đường Đê La Thành. Đây là dự án giúp khép kín vành đai 1, với tổng mức đầu tư trên 7.200 tỷ đồng, riêng phần giải phóng mặt bằng chiếm 5.800 tỷ đồng - trung bình 3,5 tỷ đồng mỗi mét, "đắt đỏ" nhất tuyến vành đai 1 và đắt nhất thủ đô đến nay. Trước đó, kỷ lục đắt nhất trên tuyến vành đai 1 thuộc về dự án Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái với gần 2 tỷ đồng cho mỗi mét.
TP Hà Nội dự kiến trong năm nay sẽ khởi công, xây dựng đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục và hoàn thiện chậm nhất năm 2030. Tuy nhiên, đến nay dự án đang gặp bế tắc bởi chưa nhận được sự đồng thuận của người dân trong việc đền bù giải phóng mặt bằng.
Cũng chạy trong nội đô, nhưng vành đai 2 có tiến độ khả quan hơn bởi phần lớn các dự án đã được đầu tư xây dựng.
Sáng 26/4, hàng trăm công nhân thi công mở rộng đường vành đai 2 và xây cầu cạn trên cao từ Ngã Tư Vọng tới cầu Vĩnh Tuy (đường Đại La - Minh Khai, quận Hai Bà Trưng), với tiếng hàn, cắt, tiếng búa và máy xúc, xe lu nhộn nhịp dọc tuyến phố dài hơn 3 km.
Đây là công trường thi công đoạn cuối cùng để khép kín vành đai 2. Dự kiến đầu năm 2022, dự án mở rộng và hoàn thiện xây dựng đường trên cao này sẽ đưa vào khai thác, giúp vành đai này trở thành tuyến đường chạy xuyên tâm thủ đô đầu tiên được hoàn thiện.
Vành đai 2 có chiều dài hơn 43 km, tổng mức đầu tư trên 55.000 tỷ đồng gồm 3 cây cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Đông Trù và các tuyến đường Bưởi, Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Lý Sơn, Nguyễn Văn Linh, Đàm Quang Trung, Minh Khai, Đại La, Trường Chinh.
Các tuyến đường trên đã hoàn thành từ nhiều năm trước, giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại trung tâm. Tuy nhiên do chưa hoàn thiện kết nối đồng bộ toàn tuyến trên cao đến cầu Vĩnh Tuy, nên hằng ngày vào các khung giờ cao điểm vành đai 2 thường xuyên bị quá tải và ùn tắc kéo dài.
Nằm phía ngoài và chạy song song với vành đai 2 là vành đai 2,5. Đây cũng là tuyến giao thông chạy trong khu vực nội đô, được TP Hà Nội quy hoạch đầu tư hơn chục năm trước với tổng vốn dự kiến hơn chục nghìn tỷ đồng.
Đường có điểm đầu từ khu đô thị Tây Hồ Tây, đường Nguyễn Văn Huyên, đường Dương Đình Nghệ, đường Trung Kính, đường Hoàng Đạo Thúy, đường trục khu đô thị Khương Đình, đường trục khu đô thị Định Công, đường Kim Đồng, phố Tân Mai, phố Đền Lừ.
Nhiều đoạn của tuyến vành đai 2,5 đã được xây dựng, như đoạn qua khu đô thị Tây Hồ Tây, đoạn Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy, đoạn Công viên Cầu Giấy - Trung Kính và đoạn qua Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, phố Kim Đồng, Tân Mai mở rộng.
Các đoạn còn lại như đường Hoàng Đạo Thúy, trục Khương Đình, Định Công sẽ được chỉnh trang, mở rộng từ năm 2025.
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất của tuyến này là dự án Đầm Hồng tới Giải Phóng dài 2 km (nối quận Thanh Xuân đến đường Giải Phóng - Kim Đồng, Hoàng Mai) làm gần 20 năm chưa xong vì vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Những ngày cuối tháng 4, công trường thi công dự án nêu trên nằm cạnh phố Định Công ngổn ngang vật liệu. Nhiều đoạn đã hoàn thiện phần cống thu gom nước, đổ đất san lấp, song trên công trường vắng bóng công nhân.
Theo đại diện UBND quận Hoàng Mai, việc chậm thi công dự án này do vướng mắc giải phóng mặt bằng, một số hộ dân chưa chấp nhận đền bù. Quận đã họp với các hộ dân nhiều lần, lên kế hoạch dự kiến chậm nhất đến quý III/2021 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư để hoàn thiện và sớm đưa vào khai thác vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Nằm ở cửa ngõ của thủ đô, tuyến vành đai 3 có vai trò quan trọng kết nối phương tiện ở các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc, phía Nam về trung tâm thành phố và góp phần giảm thiểu lượng xe cho nội đô. Đây là tuyến giao thông huyết mạch đầu tiên của Hà Nội được đầu tư xây dựng khép kín kể từ tháng 10/2020, khi dự án cầu cạn Mai Dịch - Thăng Long và đường Phạm Văn Đồng dưới thấp mở rộng được thông xe.
Đây cũng là tuyến đầu tiên có cầu cạn theo chuẩn cao tốc từ nút giao Pháp Vân tới cầu Thăng Long, kết hợp đoạn mở rộng phía dưới từ chân cầu Thanh Trì đến Mai Dịch (tức các đường Pháp Vân, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng) với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng đã được hoàn thành, đưa vào khai thác. Vành đai 3 có ba cây cầu lớn là Thăng Long, cầu Thanh Trì và cầu Phù Đổng.
Trong vài năm trở lại đây, vành đai 3 thường xuyên quá tải, tình trạng ùn tắc diễn ra triền miên tại các nút giao, điểm lên xuống cầu cạn với nút giao Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Trung Hòa, khiến Hà Nội phải giảm tốc độ xe chạy từ 90 km xuống còn 70 km/h.
Tại cầu Thanh Trì, tình trạng ùn tắc kéo dài cả ngày theo cả hai chiều và thường xuyên xảy ra tai nạn. Nguyên nhân được lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội chỉ ra là lượng phương tiện qua lại vượt quá công suất thiết kế. Cầu thiết kế phục vụ khoảng 15.000 xe mỗi ngày với tốc độ 80 km/h, đến nay đã tăng tới 123.000 xe (gấp 8 lần).
Tuyến vành đai 3 dài khoảng 65 km, được kết hợp nhiều tuyến đường đã có sẵn như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, cầu cạn Pháp Vân, cầu Thanh Trì, quốc lộ 1A mới đoạn từ cầu Thanh Trì đến Ninh Hiệp.
Theo lãnh đạo Hà Nội, ngoài các đoạn trong các quận nội đô đã hoàn thành, dự kiến từ nay đến năm 2025, TP sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 vành đai 3 bao gồm 2 đoạn: Từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài (dài 9,8 km) và từ trục Nhật Tân - Nội Bài đến Quang Minh (dài 5 km), tổng mức đầu tư khoảng 2.450 tỷ đồng.
Để giảm tải cho tuyến vành đai 3, trong những năm qua Hà Nội đầu tư phát triển tuyến vành đai 3,5 ở ngoại thành với dự án đang xây dựng là đoạn nối từ đại lộ Thăng Long (địa phận xã An Khánh, huyện Hoài Đức) với quốc lộ 32 dài 5,6 km, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 10/2017, đến nay đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng và thi công được khoảng 50%.
Sau hơn 3 năm khởi công, dự án trên mới hoàn thiện hạng mục đổ đất đá, xử lý nền đường cho hơn 4 km trên tổng 5,6 km. Hàng chục công nhân với máy múc, lu, ủi đang tiếp tục thi công nút giao cạnh đại lộ Thăng Long, đoạn thuộc huyện Hoài Đức. Theo thiết kế, tuyến đường sẽ rộng 60 m, hai dải đường trung tâm phục vụ xe chạy hai chiều, mỗi bên 3 làn xe chạy với tốc độ tối đa 80 km/h. Ngoài ra, dự án còn có hai dải đường đô thị, mỗi bên một làn ôtô, một làn xe máy.
Ngoài tuyến đường này, trục Lê Trọng Tấn, Hà Đông thuộc hệ thống vành đai 3,5 cũng hoàn thành từ nhiều năm trước, dài hơn chục km nối An Khánh, Hoài Đức đến Văn Phú (quận Hà Đông).
Vành đai 3,5 nối giữa bắc và nam sông Hồng dài hàng chục km đi qua các quận, huyện như Thanh Trì, Hà Đông, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Mê Linh..., tạo thành vành đai phía tây thủ đô với điểm nhấn là cầu Thượng Cát (16.000 tỷ đồng) bắc qua sông Hồng nối huyện Mê Linh với Hoài Đức. Tuyến đường chạy qua quốc lộ 32 Bắc Từ Liêm, Hà Đông và kết thúc ở cao tốc Pháp Vân (huyện Thanh Trì) với tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng.
Tuyến vành đai 4, được phê duyệt từ 2013 với tổng mức đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài 98 km, riêng đoạn chạy qua các huyện Sóc Sơn, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín dài 56 km. Để hoàn thiện tuyến này, Hà Nội cần tới 36.000 tỷ đồng và chia làm nhiều dự án, giai đoạn khác nhau. Trong đó dự án cầu Hồng Hà 6 km với tổng mức 9.800 tỷ đồng; đoạn từ quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân dài 34 km, với mức đầu tư 19.700 tỷ đồng; dự án cầu Mễ Sở và dự án đường dẫn dài 4km có tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng.
Các dự án trên đang được Hà Nội kêu gọi vốn và dự kiến xây dựng theo hình thức Đầu tư đối tác công tư (PPP).
Ngoài các tuyến vành đai nêu trên, TP Hà Nội có thêm tuyến vành đai 5 được phê duyệt năm 2014, đi qua 8 tỉnh, thành Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, với chiều dài 331 km. Tuyến này do Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương chủ trì xây dựng bằng ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ tập trung đầu tư hệ thống vành đai theo quy hoạch, trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục; tiếp tục hoàn thiện 4 đoạn tuyến còn lại trên địa bàn quận Cầu Giấy và Thanh Xuân để khép kín tuyến vành đai 2,5.
Với vành đai 3,5, thành phố sẽ tập trung hoàn thành đoạn đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32 và tiếp tục đầu tư các đoạn từ đường 5 kéo dài đến cầu Thượng Cát; cầu Thượng Cát - quốc lộ 32; nút giao đại lộ Thăng Long...
Hà Nội khởi động làm đường vành đai 4. Chiều 20/4, tại hội nghị lấy ý kiến góp ý Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của Hà Nội, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đề nghị các đơn vị liên quan rà soát các nội dung liên quan tuyến vành đai 4 liên vùng thủ đô.
Tuyến đường dài gần 100 km đi qua ba tỉnh (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) với quy mô cao tốc 6 làn xe, trong đó đoạn qua thủ đô hơn 56 km. Do đó, việc triển khai dự án được coi là một trong những động lực cho sự phát triển kinh tế thành phố trong 5 năm tới.