Chiều 8/6, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc có thêm 30' trả lời tiếp các chất vấn của Đại biểu Quốc hội.
Buổi sáng, khi bị "truy" về trách nhiệm của Bộ trưởng Tài chính để xảy ra các sai phạm trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp vừa qua, ông Hồ Đức Phớc nói "đã nỗ lực cảnh báo rủi ro nhiều lần" với nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Tranh luận thêm vào buổi chiều, ông Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nói, mục tiêu tới năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt 25% GDP, nhưng tới cuối 2021 đã đạt hơn 18% GDP (gần 51 tỷ USD). Nếu so với 2018, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tăng ba lần.
"Phải chăng vừa qua đã buông lỏng, và như cảnh báo của Bộ trưởng là không hiệu quả?", ông nói. Đại biểu này cũng dẫn chứng, vừa qua Thanh tra của Bộ sau thanh tra 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì 57 doanh nghiệp thua lỗ, 45 đơn vị có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10.
Trong số 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua, có doanh nghiệp phát hành gấp chục lần vốn chủ sở hữu. Có doanh nghiệp bất động sản phát hành lãi suất cao, gần 13%; có doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 153 tỷ nhưng phát hành hơn 7.200 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu là 47 lần. Có công ty phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu nhưng vốn chủ sở hữu chỉ 270 tỷ đồng, tỷ lệ 28 lần.
Theo ông Nghĩa, quan trọng nhất là cần có giải pháp quản lý để 51 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp tồn đọng không phát sinh hậu quả tiêu cực như khủng hoảng nhà đất những năm trước đây. Điều này có liên quan đến ngành ngân hàng, nên vừa rồi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo thanh tra các ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, ông Nghĩa cho rằng cần giải pháp cho tương lai.
Trả lời, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, số liệu do Ủy ban chứng khoán và vụ Tài chính Ngân hàng cung cấp thì trái phiếu doanh nghiệp tương đương 15% GDP.
"Đại biểu băn khoăn từ trước đến nay trái phiếu doanh nghiệp này có trả nợ được không? Chỉ trừ trường hợp Tân Hoàng Minh hiện nay chưa trả được nợ khi hủy giao dịch, các doanh nghiệp còn lại đều trả được nợ, nghĩa là dòng trái phiếu doanh nghiệp vẫn trung chuyển bình thường", ông Phớc khẳng định.
Là cơ quan hành pháp, Bộ Tài chính phải thực hiện theo đúng Luật Chứng khoán và Nghị định 153. Trái phiếu phát hành riêng lẻ thì cơ quan Nhà nước gần như không cấp phép và không quản lý, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh, nên trái phiếu sẽ do doanh nghiệp phát hành, vay trả, các cơ quan không can thiệp. Chỉ khi thấy bất thường thì mới đặt vấn đề cơ quan Nhà nước phải quản lý. Luật Chứng khoán cũng không đưa ra điều kiện phát hành, cần doanh nghiệp có lãi hay cần tài sản đảm bảo. Do đó, trong nghị định 153 cũng không thể quy định được điều kiện phát hành.
"Doanh nghiệp phát hành trái phiếu, sau đó thì sẽ có trách nhiệm trả lại tiền, nhưng phải phát hành đúng trình tự, quy định của pháp luật. Vừa rồi chúng ta xử lý những trường hợp phát hành không đúng quy định", ông Phớc nói.
Quay thưởng Vietlott theo mã số hóa đơn điện tử
Chất vấn Bộ trưởng Tài chính, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh hỏi về kết quả triển khai hóa đơn điện tử và Bộ Tài chính có cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ việc triển khai hóa đơn điện tử ở địa bàn vùng kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Trả lời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói, giai đoạn 1 về hóa đơn điện tử, Bộ triển khai ở 6 địa phương - nơi chiếm 4 tỷ hóa đơn điện tử.
Từ tháng 4 đến nay, đã triển khai được 93% là hóa đơn điện tử (đạt 7 tỷ hóa đơn). Đến 1/7, tất cả doanh nghiệp trên cả nước phải dùng hóa đơn điện tử. Khi áp dụng, ông Phớc nói sẽ có rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhà nước, người dân.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn các địa phương và Vietlott quay thưởng theo mã số hóa đơn để khuyến khích người dân lấy hóa đơn điện tử. Bộ cũng áp dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu lớn để ngăn chặn rủi ro, trục lợi chính sách, ngăn chặn bán hóa đơn giả, hoàn thuế giá trị gia tăng không chính xác.
Việc triển khai hóa đơn điện tử thực hiện ở doanh nghiệp, tổ chức. Các hộ gia đình vùng sâu, vùng xa chưa có máy tính, điện thoại thông minh, ông nói "có thể dần dần".
Dự toán ngân sách chưa sát, nhưng thu vượt là "nỗ lực lớn"
Cuối phiên chất vấn sáng nay, bà Trịnh Thị Tú Anh, đại biểu tỉnh Lâm Đồng cho rằng, thu ngân sách nhà nước năm 2021 tăng 225.000 tỷ đồng so với dự toán và tăng 202.000 so với báo cáo Quốc hội làm ảnh hưởng đến việc xây dựng dự toán cho năm sau, thể hiện năng lực dự báo còn chưa tốt. Bà muốn biết giải pháp từ Bộ Tài chính để nâng cao năng lực dự báo, phân tích thu ngân sách trong nước.
Giải đáp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, thường tháng 9 của năm trước bắt đầu xây dựng dự toán ngân sách. Hai năm vừa qua do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên quý I và II năm 2021 tăng trưởng thấp, 4,64%; sang quý III âm 6%.
Với bối cảnh như vậy, ông cho rằng việc xây dựng dự toán chưa sát thực tế nhưng số thu thực hiện được năm 2021 là nỗ lực lớn của ngành, trung ương và địa phương. Năm ngoái, tổng thu ngân sách năm ngoái đạt 1,568 triệu tỷ đồng, vượt 225.000 tỷ đồng. So với số thu năm 2020 tăng 3,9%, trong khi tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,58%.
Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vẫn còn 45 đại biểu đăng ký nhưng do không đủ thời gian, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu gửi văn bản chất vấn.
Lần đầu đăng đàn, nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời thẳng thắn, không né tránh những vấn đề thuộc quản lý ngành. "Cơ bản rất bình tĩnh, tự tin dù nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận dồn dập", ông nhận xét.
Viết Tuân - Hoàng Thùy - Hoài Thu