Những bất cập trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay được nhiều Đại biểu hỏi tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sáng nay.
![Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn sáng 8/6. Ảnh: Hoàng Phong](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2022/06/08/Ho-Duc-Phoc-8487-1654656982.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=a2iKNaV-UlW0lKg9OvZJQg)
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn sáng 8/6. Ảnh: Hoàng Phong
Đại biểu Nguyễn Danh Tú, đoàn Kiên Giang hỏi "Bộ trưởng có trách nhiệm gì khi để xảy ra những vi phạm như vừa qua". Ông Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng nhắc tới nhiều vụ việc sai phạm trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. "Có phải một phần nguồn cơn trên chính là sự yếu kém, bất cập của các cơ quan chức năng? Bộ trưởng có giải pháp nào để làm lành mạnh hóa thị trường thay vì các quy định siết chặt theo tinh thần là "không quản được thì cấm" ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thị trường?", ông chất vấn.
Trả lời, ông Phớc cho rằng cơ quan này đã nỗ lực ngăn chặn, "nhiều lần cảnh báo" và xử lý một số sai phạm, làm cho thị trường minh bạch hơn.
Ông kể ra, từ tháng 4 đến tháng 9/2021, Bộ ra 5 thông cáo báo chí về rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Bộ cũng cảnh báo nhà đầu tư chứng khoán; ra công điện yêu cầu Ủy ban chứng khoán và các cơ quan thanh tra. Đầu tháng 4, họ thanh tra các công ty kiểm toán độc lập của các công ty chứng khoán, từ đó phát hiện nhiều sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 34 vụ, xử phạt hành chính 568 vụ, với số tiền hơn 29 tỷ đồng. Ông Phớc đánh giá "đây chính là bước làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán".
"Tuy nhiên, cán bộ Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm trong việc này. Chúng tôi đã cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, cảnh cáo 2 cán bộ, kiểm điểm nhiều người khác, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, Tổng giám đốc HOSE bị cách chức...", ông nói.
Phần trả lời của Bộ trưởng Tài chính chưa khiến các đại biểu Quốc hội yên tâm. Ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách, đại biểu tỉnh Bắc Giang băn khoăn, khi nguy cơ bong bóng trên thị trường chứng khoán đang làm giảm hiệu quả sử dụng vốn nền kinh tế. "Công cụ, bộ chỉ số nào Bộ Tài chính sẽ áp dụng để nhận diện kiểm soát và ổn định lại thị trường này", ông Lâm chất vấn.
Trả lời, ông Phớc nói Bộ Tài chính cũng áp dụng công nghệ, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) theo dõi quá trình lên xuống đột ngột của cổ phiếu. Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cơ quan này sẽ lập kênh (sàn) riêng để theo dõi.
Cùng giải pháp hoàn thiện Nghị định 153, và tới đây là Luật Chứng khoán, trong đó quy định rõ điều kiện phát hành trái phiếu và tăng kiểm tra, thanh tra để phát hiện giao dịch, dòng tiền bất thường để xử lý, ông hy vọng trật tự thị trường sẽ được thiết lập lại ổn định.
Chủ trì phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình, việc so sánh quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam với các nước là khập khễnh, bởi họ có lịch sử lâu đời còn chúng ta mới sơ khai. Nhưng ông đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng đột biến trong năm 2021. Năm 2020, quy mô thị trường này chỉ chiếm hơn 4% GDP, năm 2021 đã tăng lên 15% GDP; trong khi mục tiêu đến 2025 là chỉ 25%.
Vì vậy, ông Huệ đề nghị cần rà soát những bất cập của chính sách pháp luật và kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra. Chưa kể, nợ đến hạn của một số trái chủ năm nay có thể rất lớn và ông Huệ đề nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo thêm với Quốc hội.
Trả lời sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc một lần nữa khẳng định, Bộ này đã xử lý nghiêm vi phạm khi phát hiện. Ông thông tin thêm, Bộ Tài chính đã phát hiện vi phạm trên thị trường chứng khoán và lợi dụng để rửa tiền qua kiểm tra. Một số vụ việc đã được chuyển cơ quan điều tra.
Sẽ đề xuất giảm thuế với xăng dầu
Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại khi giá nhiều mặt hàng chiến lược, như xăng dầu tăng kỷ lục, ảnh hưởng tới đời sống người dân, lạm phát. Hiện cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu, các loại thuế chiếm khoảng 30-40%, chưa kể lợi nhuận định mức, chi phí định mức...
"Bộ Tài chính có tính tới việc giảm thuế với xăng dầu hay không khi giá mặt hàng này đã lên mức kỷ lục?, bà Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu tỉnh Hải Dương chất vấn.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm 50% thuế bảo vệ môi trường từ 1/4 đến hết năm nay, khiến ngân sách Nhà nước giảm thu 24.000 đồng. Hiện còn dư địa giảm thêm 2.000 đồng mỗi lít thuế bảo vệ môi trường. Theo quy định, Thường vụ Quốc hội chỉ có thẩm quyền giảm thêm 1.000 đồng với loại thuế này. Giảm 2.000 đồng với loại thuế này, ông Phớc nói là thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Còn thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế nhập khẩu xăng dầu (hiện là 8%), thuế VAT (10%)... thuộc thẩm quyền Quốc hội. "Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động để tham mưu Chính phủ, trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giảm thêm thuế xăng dầu", ông Phớc thông tin.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính rà soát lại xem "cái nào là trách nhiệm của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Chính phủ".
"Thuế xuất nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở là trách nhiệm của ai, có phải Chính phủ không? Không phải thuế nào cũng do Quốc hội, Thường vụ Quốc hội quyết đâu", ông Huệ nói, và đề nghị Bộ Tài chính rà soát kỹ lại.
Ông lưu ý trong điều hành cần nghiên cứu toàn diện các giải pháp, công cụ vì giá quản lý theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.
Ngoài ra, một số loại thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, nhưng cần đề xuất từ bộ quản lý Nhà nước. "Cử tri cả nước đang rất chờ đợi nên đề nghị Bộ Tài chính có đề xuất cụ thể để cấp có thẩm quyền quyết định", ông nói.
Ngoài biện pháp giảm thuế, ông Phớc cũng lưu ý thêm, cần các giải pháp đồng bộ, nhất là siết buôn lậu xăng dầu, đảm bảo nguồn cung (trong nước, nhập khẩu). Theo ông, giá xăng dầu hiện tăng cao nhưng so với các nước xung quanh Việt Nam, vẫn thấp hơn Lào (khoảng 10.000 đồng một lít), Thái Lan (3.000-4.000 đồng). Việc giảm thuế xăng dầu hay không thì thuộc thẩm quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
"Nếu giảm thuế để hạ giá xăng sẽ dẫn tới thẩm lậu xăng dầu, dòng tiền sẽ chảy ra nước ngoài, Lào, Campuchia, Thái Lan...", ông nhìn nhận.
Áp lực lạm phát ở Việt Nam ít hơn
Ông Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách lo ngại nguy cơ nhập khẩu lạm phát của Việt Nam, khi lạm phát trên thế giới đang tăng rất nhanh. "Nhập khẩu hàng hóa cũng là nhập khẩu lạm phát. Thêm vào đó, Việt Nam đang giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, nghĩa là tăng thêm tiền vào nền kinh tế, thêm áp lực lạm phát", ông nói.
![1-hoang-van-cuong-2-1316337-jp-2079-8559](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2022/06/08/1-hoang-van-cuong-2-1316337-jp-2079-8559-1654659965.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kgGKRzApAZHiCtJ8NLOX7w)
Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Phớc đáp, lạm phát đang là vấn đề hết sức nóng và cần tập trung chống lạm phát để đảm bảo phát triển và an sinh xã hội.
Hiện trên thế giới lạm phát đã là 8,3%, châu Âu 8%, Singapore 5,4%... Còn Việt Nam là 2,25%. Nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng với thế giới, nguồn nguyên vật liệu chưa sản xuất được, phụ thuộc nước ngoài. Giá nguyên vật liệu nước ngoài tăng đương nhiên kéo theo giá nguyên vật liệu trong nước cũng sẽ đi lên, kéo theo lạm phát, như xăng dầu, thép, phân bón...
Nhưng theo ông Phớc, Việt Nam tự chủ được lương thực thực phẩm - nhóm vốn chiếm 40% rổ hàng hóa, nên áp lực lạm phát ít hơn. "Đây cũng là thời điểm vàng, nếu tận dụng được cơ hội này, chắc chắn sẽ bật lên. Các nước lạm phát cao nhưng Việt Nam có độ trễ và tự chủ được tiêu dùng trong nước", ông Phớc nói.
Giải trình cùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cung cấp thông tin cho thấy, những tháng đầu năm 2022, Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát với 2,25%. Mức tăng này liên quan đến giá hàng hóa thế giới.
![Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Hoàng Phong](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2022/06/08/fca9ebc47e3bbe65e72a-4149-1654662743.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hQtDiOGidoMRE3CqIaI6gg)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Hoàng Phong
Bà lưu ý thêm, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, đặc biệt nhập khẩu trên GDP chiếm 100%. Có nghĩa là, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, nên chịu áp lực lạm phát.
Tuy nhiên, các gói trong chương trình phục hồi kinh tế chưa giải ngân. Thời gian tới, khi các gói này đưa ra cũng sẽ tác động đến lạm phát.
Theo bà, trong kiểm soát lạm phát, điều quan trọng là phải phối hợp giữa chính sách tiền tệ tài khóa và chính sách kiểm soát giá. Hiện nay, thông qua Ban chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành phân tích nguyên nhân lạm phát để đưa ra giải pháp phù hợp.
Chiều nay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc có khoảng 30 phút để tiếp tục trả lời tiếp các vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Hoài Thu - Hoàng Thùy - Viết Tuân
Xem diễn biến chính