Từ xưa đến nay khi mua bán nhà đất bằng vàng, tôi thấy rất sát giá thị trường và được nhiều người đồng tình chấp nhận. Ngay cả đi vay mượn nhau cũng thường cho mượn bằng vàng.
Tôi từng vay chị tôi một cây vàng để mua đất không lãi suất, và 8 năm sau tôi mới trả . Lúc vay vàng chỉ có 15 triệu đồng một lượng, khi trả là 55 triệu đồng một lượng. Như vậy chênh nhau 40 triệu đồng một lượng nhưng hai bên đều vui vẻ.
Tôi thấy giá đất luôn tiệm cận với giá vàng trừ lúc sốt nóng. Ví dụ bạn mua căn nhà là một tỷ khi giá vàng là 10 triệu đồng một tức là bạn mua hết 100 lượng vàng.
Nay vàng lên 50 triệu đồng một lượng, bạn định giá căn nhà là 5 tỷ là hợp lý. Tôi không có ý nói lấy vàng để định giá đất nhưng vàng cũng có thể là một kênh tham khảo có tính bền vững theo thời gian .
Thế nhưng, phần lớn mua đất đầu tư, lướt sóng đều là những người tay ngang, không có kiến thức, có tiền là mua thôi. Theo tôi mua đất không cần nhiều kiến thức mà là phải nhiều tiền, mà phải là tiền của mình mới ăn chắc.
Nếu bạn đi vay thì chỉ thành công khi đất sốt, hết sốt là ôm nợ ngay. Thế cho nên mới có câu "buôn tài không bằng dài vốn", vì lỡ có dính dự án treo thì để đó vài chục năm thế nào cũng cao hơn lãi suất ngân hàng.
Yếu tố may mắn về đất cũng có nhiều câu chuyện bất ngờ: Có hai người bạn cùng rủ nhau mua đất mặt tiền đường nhưng vị trí đối nhau, sau đó có dự án mở rộng đường về phía bên trái thế là người có đất phía đó lỗ nặng vì giá đền bù thấp hơn giá mua.
Người có đất bên phải lãi đậm vì đất tăng vù vù sau dự án. Ở những nước hạ tầng còn chưa hoàn thiện, thì việc mua đất nhất là ở những nơi chưa phát triển, yếu tố may rủi là rất cao nên khó có lời khuyên nào là đúng, dù có là chuyên gia đi nữa.
Ví dụ như nhiều dự án xây cầu, làm đường thiếu vốn kéo dài mất mấy chục năm rồi lại thay đổi vị trí nữa, thì giá đất cũng sẽ phập phù theo.
Hong Nhung
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.