Cách đây ba năm, có hai phụ huynh ở gần nhà tôi, hai con của họ học cùng khóa bậc đại học và ở cùng phòng ký túc xá với con trai tôi. Hết năm thứ hai, nhà trường mời phụ huynh lên làm thủ tục để cho hai con được "tốt nghiệp sớm".
Nguyên nhân: Nợ môn, sau ba lần thi lại vẫn không đạt được kết quả theo quy định. Khi các con vào năm thứ nhất, học chương trình dự bị (Foundation Year - FY). Các môn học tương đối dễ nên vừa chơi game vừa học vẫn thi qua được môn.
Sang năm thứ hai bắt đầu vào học chuyên ngành, tất cả các môn học rất khó đối với ngành Mechanical engineering. Sinh viên phải hoàn thành 180 tín chỉ trong ba năm học chuyên ngành mới được cấp bằng.
Các môn học đa phần do giáo sư là người nước ngoài nên họ qua Việt Nam dạy xong môn là cho thi ngay, nên phải học trên lớp cả ngày, tối thì lên thư viện tìm tài liệu nghiên cứu tiếp.
Con tôi bảo hai bạn chơi game thâu đêm, đến sáng mới ngủ, bỏ học trên lớp, khuyên tập trung vào học nhưng không được. Thậm chí phụ huynh của hai em gọi điện nhờ con tôi nhắc giùm nhưng mọi thứ đều quá muộn.
Nay con thứ hai của tôi cũng học ngành đó, chương trình được thiết kế nặng hơn, yêu cầu phải đạt 210 tín chỉ, thời gian học không thay đổi. Nhưng thời gian học FY được rút ngắn lại phân nửa để học chuyên ngành sớm hơn. Tôi cho các con chơi game từ lớp 1, lên đại học, các con vẫn chơi, nhưng đâu đó rõ ràng học là học, chơi là chơi.
Hàng ngày, vào lúc buổi chiều, đi tập thể dục dọc theo bờ suối gần nhà, tôi bắt gặp hàng chục thiếu niên nam nữ còn khoác trên mình bộ đồ học sinh THCS, THPT tụ tập hút thuốc, đua xe phân khối lớn. Thậm chí còn xảy ra tình trạng ẩu đả giữa các nhóm học sinh khác trường với nhau.
Ở độ tuổi này chưa được phép điều khiển những loại xe đó. Vậy ai là người cung cấp phương tiện cho con để chúng đi? Phải chăng nhiều phụ huynh chiều chuộng theo ý muốn của các con nhưng không kiểm soát chúng?
Tôi còn thấy nhiều bậc cha mẹ còn tự hào khoe các con đã đi được xe máy phân khối lớn. Những thứ cần giáo dục cho các con trở nên tốt hơn thì không quan tâm mà còn tiếp sức để cho các con sớm có điều kiện tiếp xúc với môi trường độc hại.
Các con trở nên như vậy là lỗi hoàn toàn ngay từ ban đầu của cha mẹ. Thế nên việc các con nghiện game cũng tương tự. Cho con tiếp xúc với công nghệ, nhưng bố mẹ không đồng hành để xây dựng ý thức các con, thì hệ lụy là rất lớn.
Bây giờ, tuổi của các bậc phụ huynh thường là những người lớn lên ở thời phổ thông, đại học đã được tiếp cận với công nghệ. Ít nhiều cũng có thời gian sử dụng công nghệ để giải trí.
Đáng lẽ ra phải có kinh nghiệm để hướng dẫn các con sử dụng công nghệ như thế nào để đem lại hiệu quả tốt, chứ không phải để xảy ra tình trạng con nghiện game. Những đứa con sinh ra trong thời kỳ công nghệ phát triển, sự tìm tòi và tiếp cận với môi trường thông tin, giải trí tích cực và tiêu cực rất nhanh.
Khi các con còn nhỏ , game thường sử dụng vào mục đích giải trí là chủ yếu, những trò giải trí đơn thuần cài đặt sẵn trong thiết bị, khi đã lên đến một đẳng cấp khác thì chuyển qua online miễn phí, cấp cao hơn là phải nộp phí.
Ở giai đoạn này nếu bố mẹ mất kiểm soát thì con dễ dàng trở thành nghiện. Mà khi đã nghiện thì từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, học hành... đều không bình thường nữa.
Cuộc sống bị đảo lộn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm sinh lý. Tâm sinh lý thay đổi thì những đứa trẻ đang tuổi lớn có những hành động hầu như không nghe những gì bậc cha mẹ nói, dẫn đến nhiều sự việc xảy ra càng tồi tệ hơn.
Để hậu quả xấu không xảy ra, đối với tôi, cần đồng hành cùng các con ngay từ nhỏ, quan sát, giúp đỡ, chia sẻ hướng dẫn các con đến khi hình thành được ý thức và trách nhiệm.
Hùng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.