Tại Hàn Quốc, những người đăng ảnh đeo khẩu trang trên app hẹn hò thường được gọi là "magikkun" (lừa đảo bằng khẩu trang). Cụm từ được ghép bởi từ "mask" (khẩu trang) trong tiếng Anh và "sagikkun" (lừa gạt) trong tiếng Hàn.
"Tôi sẽ lướt qua những chàng trai có ảnh đại diện chụp cùng khẩu trang. Chúng khiến tôi nghi ngờ gương mặt phía sau", người phụ nữ họ Yim, 29 tuổi, nói.
Từng gặp những chàng trai có bề ngoài siêu ngầu cùng chiếc khẩu trang, nhưng không ít lần Yim bị vỡ mộng khi họ cởi bỏ. Từ đó, cô cảnh giác hơn với những chàng trai đeo khẩu trang để không bị lừa lạt.
Từ đó, Yim nói luôn ưu tiên những đối tác có ảnh chụp rõ mặt. "Sau khi trò chuyện một lát, tôi sẽ yêu cầu họ gửi ảnh chụp selfie hoặc gọi video", cô nói.
"Ứng dụng hẹn hò ngày càng trở nên phổ biến khi các cơ hội gặp gỡ và tìm kiếm bạn hẹn hò ở ngoài bị hạn chế vì dịch", Kang Ba-da, giám đốc điều hành ứng dụng hẹn hò Blind Date nói và cho biết, số người đăng ký dùng và lợi nhuận tăng gần gấp ba lần so với trước đại dịch.
Đáng chú ý, ngày càng có nhiều người dùng đăng ảnh đeo khẩu trang trên Blind Date. Điều này khiến nhiều người phàn nàn khi lớp khẩu trang đã che đi phần lớn khuôn mặt.
"Rất nhiều hồ sơ của người dùng có ảnh đeo khẩu trang, vì vậy chúng tôi phải đảm bảo mỗi tài khoản chỉ có một dạng ảnh này. Nhưng nếu là ảnh toàn thân, tôi nghĩ vẫn có thể đánh giá được vóc dáng, phong cách của chủ nhân tài khoản, dù có đeo khẩu trang", Kang nói.
Còn Choi Ho-seung, giám đốc điều hành Hsociety Corp., công ty đứng sau một số ứng dụng hẹn hò bao gồm Sky People cũng cho biết lượng người dùng ảnh đeo khẩu trang "tăng lên ồ ạt".
"Chúng tôi chỉ có thể linh động các bức ảnh selfie chụp ngoài trời hoặc toàn thân có đeo khẩu trang, còn những bức ảnh khác buộc phải rõ mặt", ông Choi nói.
Lý giải việc thích đeo khẩu trang khi chụp ảnh, Kwak Geum-joo, giáo sư tâm lý tại Đại học Quốc gia Seoul cho rằng, "lớp mặt nạ" sẽ che đi những khuyết điểm trên cơ thể, khiến con người cảm thấy thoải mái. Đặc biệt là trong xã hội coi trọng ngoại hình.
"Người dùng có thể che đi những khuyết điểm hay biểu cảm mà bản thân thấy không tự tin. Hoặc e ngại hình ảnh của bản thân lưu truyền những trang web không đáng tin cậy", giáo sư Kwal nói.
Trước đại dịch, khẩu trang y tế được coi là vật dụng làm giảm sức hấp dẫn của người đeo vì dễ liên tưởng đến bệnh tật. Nhưng theo kết quả được công bố trên tạp chí "Cognitive Research: Principles and Implications" của Đại học Cardiff, Anh cho thấy, người đeo khẩu trang vải hấp dẫn hơn so với không đeo hoặc lấy sổ che mặt. Đặc biệt, khẩu trang y tế (loại dùng một lần) lại khiến người đeo trông đẹp hơn hẳn.
Thậm chí, các khuôn mặt đeo khẩu trang y tế dùng một lần có tỷ lệ bình chọn hấp dẫn cao nhất. Dù giới bảo vệ môi trường hay các nhà sản xuất khẩu trang thời trang không thích phát hiện mới này.
Chúng tôi cũng phát hiện, khuôn mặt được coi là thu hút hơn đáng kể, khi đeo khẩu trang. Có thể là do hiệu ứng của việc che một phần không đẹp ở nửa dưới của khuôn mặt", Tiến sĩ Michael Lewis từ Đại học Cardiff, nói.
Hay một nghiên cứu khác của Đại học Pennsylvania và Đại học Temple năm 2020 cũng cho thấy mức độ hấp dẫn của khuôn mặt được cải thiện đáng kể với cả nam và nữ, khi đeo khẩu trang.
Một số bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cũng cho rằng che đi nửa dưới khuôn mặt bằng khẩu trang sẽ giúp đánh lừa thị giác vì xương gò má, cằm và nhân trung đều bị che khuất.
Tuy nhiên, càng có nhiều người đeo khẩu trang, thận trọng thể hiện bản thân có thể tạo ra những rào cản về khoảng cách tâm lý. "Khi mọi việc diễn ra trên mạng xã hội, cùng với việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ ngày càng khiến con người xa cách về mặt tâm lý và trở nên kém tin tưởng nhau hơn", giáo sự Kwak nói.
Minh Hằng (Theo Korea herald)