Ông Zhang làm trong ngành y học cổ truyền, ly dị cách đây 20 năm, giờ vẫn độc thân. Năm ngoái, sau khi chuyển từ Bắc Kinh đến Quảng Châu, ông đã đến treo áp phích thông tin cá nhân lên một góc công viên mai mối Thiên Hà với hy vọng tìm được một người để sớm yên bề gia thất.
Góc mai mối này là địa điểm nổi tiếng ở Quảng Châu. Mỗi cuối tuần, người từ mọi tầng lớp xã hội sẽ tập trung ở đây. Số đông tìm kiếm bạn đời cho con, một số khác giống như Zhang, tìm nửa kia cho mình.
Trong phần giới thiệu, Zhang nói thẳng là mình không nhà, không xe hơi hay sổ tiết kiệm, tính cách ôn hòa, thích nấu ăn, giỏi y thuật và có thể chăm sóc sức khỏe cho mình, cũng như bạn đời. Ông đảm bảo người đến với mình sẽ có cuộc sống khỏe mạnh và viên mãn.
Nhưng sự trung thực của ông thường dấy lên sự nghi ngờ. "Ngày hôm qua tôi gặp một phụ nữ và bà ấy liên tục hỏi tôi nói có nói thật không. Sau đó bà ấy không thèm liên lạc lại", ông kể.
Hơn 90% những phụ nữ ông đã gặp các năm qua đều hỏi ông có nhà, xe hơi hay không. "Có người đã sở hữu vài bất động sản, họ vẫn yêu cầu đối phương phải có của nả. Tại sao họ cần nhiều bất động sản đến vậy?", ông hỏi.
Dù vậy, khi hỏi về tiêu chuẩn bạn đời lý tưởng, ông cũng hy vọng người kia không quá phụ thuộc vào mình vì "nếu cô ấy không thiếu tiền thì sẽ không tham của tôi".
Ông Zhao, 67 tuổi, cũng đặt thông tin cá nhân ở góc mai mối, đồng ý rằng người trung niên và cao tuổi rất khó tìm được bạn đời. Zhao sở hữu hai bất động sản, chưa kể lương hưu cao. Trong vài tháng qua, ông đã gặp một số người nhưng không ai có khả năng tiến xa. "Không có kết nối cơ thể hoặc tiếng nói chung", ông giải thích.
Vợ ông Zhao qua đời cách đây 10 năm. Con gái thường khuyến khích ông tìm người bầu bạn, nhưng năm nay ông mới dám thử. Ông muốn đối phương là người đồng cảm, thân thiện, hòa đồng.
Theo bà Ye, chủ một đại lý chuyên mai mối người trung niên và cao tuổi ở Quảng Châu, nhu cầu tìm bạn đời của nhóm này rất cao, nhưng thách thức cũng rất lớn. Khác với thế hệ trẻ, họ cần nửa kia phải có địa vị nhất định. Họ cũng suy xét nhiều điều, từ tài chính, an sinh xã hội, bảo hiểm, trình độ học vấn, cho đến con cái. Mặc dù xã hội đã cởi mở, tâm lý phong kiến vẫn tồn tại, vì sợ bị đàm tiếu mà nhiều người 70, 80 tuổi đã bỏ lỡ hạnh phúc.
Bà cũng cho biết trước đây nguyên nhân khiến nhiều người trẻ gay gắt phản đối cha mẹ đi bước nữa là vì phân chia tài sản. Nhưng hiện nay, thế hệ trẻ tự chủ tài chính hơn, tôn trọng nhu cầu tình cảm của cha mẹ, đồng thời không sống chung nên cũng muốn cha mẹ có người chăm sóc.
Điều tra dân số mới đây của Trung Quốc cho thấy những người trên 60 tuổi hiện chiếm 18,7% dân số. Ngày càng có nhiều người trong độ tuổi này mong tái hôn hoặc có bạn tâm sự. Công ty truyền thông AgeClub, ước tính có ít nhất 50 triệu người cao nhiên ở Trung Quốc có nhu cầu thực sự được yêu và kết hôn.
Vài năm gần đây, các kênh mai mối cho lứa tuổi này gia tăng. Ngoài các góc trong công viên hoặc các sự kiện hẹn hò do các công ty tổ chức, một số đài truyền hình cũng mở các chương trình dành cho lứa tuổi này.
Hồi tháng 5/2021, ông Zhang đã xuất hiện trong một chương trình hẹn hò ở Bắc Kinh. Ngay sau khi lên sân khấu, ông đã bị nữ khách mời từ chối vì "bạn không phải là mẫu người của tôi".
Zhang nói tham dự chương trình như ăn buffet và ông như cần tây hay trái bầu đắng, ít người ăn. Vị khách nữ sau đó tiết lộ lý do từ chối vì Zhang không có nhà, đồng thời bà thích được đưa rước khi hẹn hò.
Mặc dù tay trắng ra về, ông Zhang vẫn đánh giá cao chương trình, bởi cho thấy xã hội đang chú ý đến nhu cầu tình cảm của người cao tuổi, đồng thời nỗ lực giúp họ tìm kiếm hạnh phúc.
Một số cơ quan hôn nhân đã chuyển trọng tâm sang phục vụ người trung niên và cao tuổi. Trong vài năm qua, công ty của bà Ye thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ cho nhóm khách hàng này. Nhiều người đã đến với nhau, một trong số này kết hôn, một số khác chỉ sống chung không ràng buộc pháp lý để duy trì các quyền lợi cá nhân của họ.
Theo giáo sư Zhou Xiaopu, Đại học Nhân dân Trung Quốc, hầu hết người trung niên và cao tuổi đều đã kết hôn trước, nên họ có nhu cầu rõ ràng về một gia đình mới, rõ ràng về những gì muốn ở nửa kia và mạnh dạn hơn trong việc thể hiện bản thân.
Dù vậy, song nhu cầu tình cảm của người trung niên và cao tuổi vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Số đông người cao tuổi vẫn không thay đổi suy nghĩ và không dám thừa nhận nhu cầu tình cảm của mình, để ý quá nhiều đến người xung quanh.
Cả Xe và giáo sư Zhou khẳng định đã đến lúc xã hội cần khuyến khích người cao tuổi tìm kiếm hạnh phúc, để tránh trải qua tuổi xế chiều một mình.
Bảo Nhiên (Theo Thinkchina)