Tắc nghẽn giao thông từ lâu là một vấn đề nan giải đối với thủ đô Bangkok của Thái Lan. Nhằm giải quyết tình trạng này và tăng tốc độ lưu thông trên các trục chính của Bangkok, chính phủ Thái Lan đã bắt đầu xây dựng hệ thống đường sắt trên cao đầu tiên vào cuối thập niên 1990.
Đầu tháng 12/1999, Hệ thống Giao thông Công cộng Bangkok (BTS), hay còn gọi là Skytrain, được công chúa Maha Chakri Sirindhorn khai trương. Tổng chi phí của dự án khoảng 55,5 tỷ baht (1,4 tỷ USD), trong đó 2/3 số vốn được vay từ Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và các ngân hàng Thái Lan.
Hệ thống do Công ty Vận tải Công cộng Bangkok (BTSC) vận hành theo sự nhượng quyền của Cơ quan Quản lý Đô thị Bangkok. Skytrain gồm hai tuyến là Sukhumvit và Silom với 61 nhà ga, tổng chiều dài hơn 68 km.
Hai tuyến tàu điện trên cao này chạy qua các trung tâm thương mại, kinh doanh và du lịch của Bangkok, nối liền các trung tâm mua sắm, khu vui chơi ban đêm của thủ đô Thái Lan. Skytrain cũng được kết nối với hệ thống tàu điện ngầm (MRT) và có một tuyến chạy tới sân bay.
Hệ thống Skytrain có 52 đoàn tàu, phục vụ trung bình gần 750.000 lượt khách mỗi ngày. Trong giai đoạn đầu, lượng hành khách sử dụng hệ thống tàu điện thấp hơn nhiều so với dự kiến, chỉ đạt 105.000 lượt khách mỗi ngày, khiến doanh thu chỉ đủ trang trải chi phí vận hành. Tuy nhiên, số lượng hành khách ngày càng tăng khi người dân Bangkok nhận ra lợi ích của nó.
Skytrain được xem là một phần quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng của Bangkok, là lựa chọn thuận tiện và nhanh chóng thay thế phương tiện khác, đặc biệt trong những giờ cao điểm và tắc đường. Thay vì phải mất 60-90 phút để di chuyển vào trung tâm thành phố bằng xe buýt hay taxi trong giờ cao điểm, hành khách chỉ mất khoảng 15-20 phút nếu chọn Skytrain.
Giá vé của Skytrain phụ thuộc vào chiều dài quãng đường di chuyển của hành khách, dao động từ 16 đến 59 baht (gần 0,5-1,8 USD). Giá vé này được xác định rẻ hơn đi taxi, nhưng đắt hơn xe buýt. Vé tàu Skytrain cũng chưa được tích hợp vào các hệ thống giao thông công cộng khác, một điểm trừ của hệ thống này.
Một trong những điểm đặc trưng trên các chuyến tàu Skytrain là có rất nhiều quảng cáo. Ở phương Tây, hành khách thường đọc báo hay tạp chí trên tàu điện, trong khi người Bangkok chủ yếu xem điện thoại hay quảng cáo khi đi Skytrain.
Vô số quảng cáo, hình ảnh tiếp thị hay thương hiệu xuất hiện trên các toa tàu, trong khi nhiều màn hình và tấm quảng cáo khổ lớn cũng được bố trí tại các nhà ga. Trước năm 2013, doanh thu từ tiền quảng cáo của BTS thậm chí nhiều hơn số tiền bán vé.
Tuy nhiên, việc đi lại bằng Skytrain cũng có một số bất tiện nhất định. Hệ thống hiện không áp dụng thẻ ưu đãi cho hành khách cao tuổi hay bất kỳ chương trình giảm giá nào khác. Hành khách bị cấm mang sầu riêng hoặc bất kỳ thứ gì bốc mùi lên tàu.
Họ cũng phải đặc biệt cảnh giác với hệ thống cửa tự động của tàu, khi nó sẽ đóng lại chỉ vài giây sau khi hành khách quẹt thẻ ở cửa soát vé. Điều này buộc hành khách phải di chuyển thật nhanh vào tàu, nếu không muốn bị lỡ chuyến.
Do ngày càng nhiều người Bangkok lựa chọn Skytrain làm phương tiện đi lại vào giờ cao điểm, các chuyến tàu thường rất đông đúc vào 7-9h và 17-19h, khiến nhiều hành khách phải chen lấn trong đám đông, thậm chí phải chờ đợi vài chuyến trước khi đến lượt.
Một điều khá kỳ lạ là tất cả các nhà ga và trên tàu của BTS và MRT đều không có nhà vệ sinh, buộc hành khách phải sử dụng nhà vệ sinh của các trung tâm mua sắm tại một số nhà ga.
Thanh Tâm (Theo Thaiger, Railway Technology)