Hiệp ước Bầu trời mở được 34 quốc gia ký năm 1992, cho phép các thành viên gồm Mỹ, Nga và hầu hết các quốc gia châu Âu triển khai trinh sát cơ mang camera và radar bay theo lộ trình được thống nhất trước trên lãnh thổ của nhau. Các chuyến bay nhằm mục đích giám sát hoạt động quân sự và xác minh việc tuân thủ các hiệp ước khác.
Trump cho biết quyết định rút khỏi Bầu trời mở được đưa ra do Nga vi phạm các cam kết theo thỏa thuận, cáo buộc Nga đã hạn chế trinh sát cơ Mỹ bay qua khu vực lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad ở khu vực Baltic trong khuôn khổ hiệp ước. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự hoài nghi lý do này của Trump.
Bình luận viên Steven Pifer thuộc Viện Brookings có trụ sở ở Washington chỉ ra rằng sau khi cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước vì hạn chế khoảng cách của các máy bay trinh sát hoạt động trên bầu trời Kaliningrad và cấm mọi chuyến bay giám sát dọc biên giới Nga với Nam Ossetia và Abkhazia, Mỹ đã có động thái đáp trả khi cấm máy bay trinh sát Nga có hoạt động tương tự trên bầu trời Hawaii.
"Nga đúng là có vi phạm hiệp ước, nhưng Mỹ đã đáp trả tương xứng trong phạm vi hiệp ước", Pifer viết.
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa còn mô tả các chuyến bay giám sát của Nga trên lãnh thổ Mỹ theo hiệp ước Bầu trời mở là hoạt động "gián điệp". Tuy nhiên, họ dường như quên mất rằng hiệp ước này cũng cho phép Mỹ tiến hành các hoạt động tương tự ở Nga.
Bất chấp tranh cãi giữa Nga và Mỹ, các đồng minh của Washington ủng hộ mạnh mẽ hiệp ước Bầu trời mở và thường có xu hướng chia sẻ thông tin tình báo thu được từ các chuyến bay.
"Không một chính phủ nào, dù là đồng minh hay không, cho rằng Mỹ cần hoặc nên rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở", chuyên gia an ninh và phân tích hình ảnh độc lập Steffan Watkins cho biết.
Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến Vũ khí tại Đông Á, cho rằng ác cảm của Trump với hiệp ước Bầu trời mở không phải do những hạn chế của nó hay bất cứ hành vi vi phạm nào của Nga, mà đơn thuần mang động cơ chính trị. "Trump phản đối nó chỉ bởi vì nó là một hiệp ước", Lewis nói.
"Điều này chẳng liên quan gì tới hiệp ước Bầu trời mở, mà thực tế là đảng Cộng hòa hiện nay coi các thỏa thuận quốc tế từng ký kết trước đây là vết nhơ với chủ quyền Mỹ", ông nhận định.
Chính quyền Trump đã rút Mỹ khỏi hàng loạt thỏa thuận quốc tế về kiểm soát khí thải carbon toàn cầu, thỏa thuận hạt nhân với Iran và hiệp ước cấm triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung trên đất liền ở châu Âu.
"Quyết định rút khỏi Bầu trời mở là thiếu sáng suốt, phản tác dụng và trái với quan điểm của cộng đồng tình báo, quân đội và các đồng minh của Mỹ", chuyên gia hạt nhân thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ Hans Kristensen nói.
Kristensen cảnh báo việc rút khỏi Bầu trời mở có thể phản tác dụng với Mỹ. "Nó sẽ khiến việc theo dõi các hoạt động của Nga trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi chính quyền Trump đã từ bỏ một loạt hiệp ước quốc tế. Đây là biểu hiện đáng lo ngại của việc chính quyền Trump làm suy yếu trật tự quốc tế", Kristensen nói.
Chuyên gia Lewis cảnh báo nếu Bầu trời mở sụp đổ, các quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất là đồng minh của Mỹ chứ không phải Nga. "Các đồng minh và đối tác của chúng ta sẽ là những kẻ thua cuộc. Nó cho thấy tư duy 'vắt chanh bỏ vỏ' của chính quyền Trump khi đối xử với các đồng minh như đối tượng thu tiền thay vì đối tác cùng chung lợi ích", Lewis nói.
Quyết định rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở của Trump thậm chí bị một số nghị sĩ đảng Cộng hòa ở bang Nebraska phản đối. "Tôi cho rằng việc chúng ta rút khỏi hiệp ước là một sai lầm. Điều quan trọng là các đồng minh của chúng ta muốn nó. Các đối tác NATO nhỏ hơn của chúng ta trông cậy vào những hình ảnh thu được từ các chuyến bay theo hiệp ước", nghị sĩ Don Bacon, cựu thiếu tướng không quân Mỹ, cho biết.
Những người ủng hộ Bầu trời Mở cho rằng hiệp ước vẫn còn giá trị, đặc biệt với các đồng minh châu Âu của Mỹ, bằng cách để các thành viên tham gia "dè chừng" nhau. Hiệp ước cũng giúp cho quân đội các nước thành viên NATO hợp tác cùng nhau, vì hầu hết các nhiệm vụ của Mỹ đều được thực hiện trong quan hệ đối tác với quốc gia khác.
Hồi tháng 4, các nghị sĩ đảng Dân chủ ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ viết thư cho Trump cảnh báo việc rút khỏi Bầu trời mở sẽ làm suy yếu liên minh với các đồng minh châu Âu, vốn dựa vào hiệp ước để buộc Nga chịu trách nhiệm cho hoạt động quân sự trong khu vực.
"Nỗ lực của chính quyền Trump nhằm đưa đến thay đổi lớn trong chính sách an ninh quốc phòng của chúng ta giữa khủng hoảng y tế toàn cầu Covid-19 không chỉ thiển cận mà còn vô lương tâm", các nghị sĩ Adam Smith, Eliot Engel, Jack Reed và Bob Menendez viết trong thư.
Hiệp ước Bầu trời mở khởi đầu từ đề xuất của Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower hồi thập niên 1950, song bị Liên Xô bác bỏ. Tổng thống Mỹ George H.W. Bush hồi sinh ý tưởng này vào cuối Chiến tranh lạnh và chính quyền của ông đã đàm phán hiệp ước.
Nguyễn Tiến (Theo Forbes, Omaha)