Bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Việt Nam, cho biết magie được mệnh danh là "nữ hoàng của vi khoáng", tham gia vào khoảng 300 phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Sự có mặt của magie giúp các hoạt động chuyển hóa dinh dưỡng và hoạt động sống của cơ thể diễn ra bình thường. Tuy nhiên cơ thể thừa hay thiếu magie đều gây ra những vấn đề nguy hiểm.
Thông thường, nhu cầu magie với một người trưởng thành khoảng 350-400 mg một ngày. Người lao động thể lực thường xuyên, làm việc nặng nhọc, nhu cầu magie cần nhiều hơn gấp 1,5-2 lần. Trẻ em từ 6 tháng tuổi cần 30 mg; từ một đến ba tuổi cần 80 mg mỗi ngày; thanh thiếu niên 14-18 tuổi cần khoảng 360-410 mg một ngày.
Cơ thể thiếu magie dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm. Trẻ em chậm lớn, chiều cao thấp, cơ xương nhỏ. Người lớn bệnh tật như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, động kinh, đau nửa đầu... Thiếu magie còn dẫn đến rối loạn hành vi, trẻ nhỏ hung hăng, gia tăng trầm cảm, lo lắng, phiền muộn, mệt mỏi, suy giảm chức năng nhận thức thậm chí tự tử.
Người thiếu magie thường yếu cơ nên dễ bị chuột rút, cơ co thắt, mắt rung giật nhãn cầu không chủ động. Phụ nữ trước kỳ kinh nguyệt dễ căng thẳng, đau lưng, mệt mỏi, tức ngực thậm chí thống kinh, đau không chịu được.
Ngoài ra, người uống rượu thường thiếu nhiều magie, do rượu bia là chất lợi tiểu. Sau khi uống, lượng magie bị bài tiết ra khỏi cơ thể rất cao, lâu dần dẫn đến bệnh tâm thần kinh, hành vi hung hăng hoặc trầm cảm, gia tăng hành vi tội phạm do mất kiểm soát. Đặc biệt, thiếu magie là yếu tố khởi phát dẫn đến đột quỵ, viêm gan nhiễm mỡ, xơ gan, bệnh về não, tim mạch...
Tình trạng thừa magie ít gặp hơn. Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nên ngừng uống hoặc bổ sung magie.
Bác sĩ khuyến cáo tự bổ sung bằng cách dùng hạt kê, đậu xanh, đậu tương, khoai lang là những loại thực phẩm giàu magie. Trong đó hạt kê giàu magie nhất, chứa 430 mg trong 100 g.
Rau xanh cung cấp vitamin đồng thời bổ sung magie cần thiết hàng ngày. Các loại rau giàu magie như rau dền đỏ 164 mg magie, rau ngót 123 mg magie, các loại rau cải xanh, bông cải xanh, cải xoăn, lá củ cải, cần tây, dưa chuột, atiso...
Bí ngô (bí đỏ), bột mì, cua bể, sò, tôm đồng, cá thu, măng chua cũng là thực phẩm giàu magie. Cứ 100 g hạt bí ngô cung cấp 535 mg magie, 100 g bột mì khoảng 173 mg magie.
"Nếu chỉ bổ sung magie bằng đường ăn uống là không đủ", bác sĩ Hào nói. Trường hợp phải bổ sung magie bằng thuốc, người bệnh cần tuân theo chỉ định và dùng theo toa của bác sĩ, không tự ý mua thuốc hoặc dùng các sản phẩm bổ sung không rõ nguồn gốc.
Thùy An