Theo báo cáo tài chính mới đây của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), doanh thu công ty đạt gần 255,4 tỷ đồng, tăng nhẹ 1 tỷ đồng so với nửa đầu năm trước. Giá vốn vẫn duy trì ở tỷ lệ cao và nhích thêm 5 tỷ đồng. Điều này khiến công ty chỉ có 2,9 tỷ đồng lãi gộp, giảm hơn 58%. Biên lợi nhuận gộp mỏng, khoảng 1,13%.
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng sụt 40% về gần 8,9 tỷ đồng. Nguyên nhân là lãi tiền gửi suy giảm. Công ty đang có hơn 896 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn, trong khi cùng kỳ chỉ có hơn 573 tỷ.
Trừ đi các chi phí, Hanoi Metro báo lãi hơn 3,3 tỷ đồng, giảm 61,2%. Công ty chỉ mới hoàn thành gần một phần tư kế hoạch lợi nhuận năm nay. Tuy nhiên mức này vẫn cao hơn lãi cả năm 2022.
Năm nay, công ty này dự kiến vận chuyển gần 11 triệu lượt hành khách và ghi nhận hơn 529 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng khoảng 3% so với năm 2023. Công ty lên kế hoạch lãi ở năm thứ ba liên tiếp với hơn 13,4 tỷ đồng. Các chỉ tiêu trên chỉ xây dựng với tuyến Cát Linh - Hà Đông hiện có.
Mới đây, tuyến Nhổn - ga Hà Nội đã vận hành thương mại đoạn trên cao sau 15 năm khởi công. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp trong năm nay. Dựa trên thực tế triển khai vận hành tuyến mới, Hanoi Metro sẽ cập nhật kế hoạch kinh doanh.
Giá vé của hai tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội khá tương đồng với mức thấp nhất là 8.000 đồng một lượt và tối đa 12.000-15.000 đồng nếu đi toàn tuyến. Giá vé ngày (không giới hạn lượt di chuyển) là 24.000-30.000 đồng cho một người. Vé tháng có giá 200.000 đồng cho khách phổ thông và 100.000 đồng cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Theo quy hoạch đến năm 2030, Thủ đô sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417 km. Ngoài hai tuyến hiện có, 8 tuyến còn lại vẫn chưa khởi công.
Tất Đạt