Anh họ tôi ở Tiền Giang thường dùng tiền nhàn rỗi đầu tư các tài sản thanh lý từ ngân hàng hay công ty cho thuê tài chính tại TP HCM. Thời buổi kinh tế khó khăn, lãi suất tăng cao, thị trường bất động sản đang diễn biến khó lường, thời gian cơ cấu lại khoản nợ cũng đã hết từ tháng sáu.
Điều hiển nhiên sẽ xảy ra chính là khách hàng mất khả năng thanh toán dẫn đến tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng mạnh theo như các chuyên gia dự đoán. Thị trường thanh lý tài sản ngân hàng trong thời qua gặp nhiều vướng mắc, phiền toái nằm ở các quy định, chính sách, thủ tục... đủ các thứ, thì với tài sản thanh lý đây cũng có thể xem là nơi bao nhiêu nguồn vốn tín dụng bị kẹt chính nơi đây.
Ai cũng biết rằng tìm được nhà đầu tư tài sản thanh lý trong thời buổi này rất khó khăn, vất vả. Thế nhưng anh em tôi vẫn bị "hành xác" khi đi xem các tài sản thanh lý của một ngân hàng chào bán.
Ngày 7/11, anh họ tôi đi từ Tiền Giang đến trụ sở một ngân hàng tại TP HCM để làm việc trực tiếp. Nhưng ở ngân hàng hoàn toàn không cung cấp hồ sơ tài sản cụ thể là gì chỉ gửi những thông tin sơ sài, chung chung mà thôi.
Sau khi làm việc xong hai bên thống nhất hẹn vào 11/11 sẽ đi xem nhà xưởng, máy móc thiết bị tại Kiên Giang nhưng bị hủy "vì cuộc họp nội bộ ", theo một nhân viên cho biết. Họ hẹn lại sang đến ngày 14/11.
Lần này thì họ không xác định rõ là ngày nào mà cứ nói chung chung là "có gì sẽ điện thoại báo cho hay rồi đi". Bản thân tôi đã từng làm qua bộ phận này hơn 5 năm, với thái độ của một người đồng nghiệp như thế thì khó chấp nhận được. Chúng tôi có sẵn tiền trong tài khoản nhưng vẫn bị động, trong khi vị thế chúng tôi đang là người mua, người giúp ngân hàng xử lý nợ xấu mà?
Khi nghe nhân viên đó nói thì tôi có hỏi lại rằng "không lẽ một chi nhánh không có người dẫn đi xem tài sản sao" và "ngân hàng có muốn thanh lý tài sản không"? thì chỉ ậm ừ rồi cúp máy.
Chúng tôi cũng gặp rất nhiều tình huống dở khóc dở cười mà đau xót nhất là cái cảnh tiền đã nộp đủ theo thủ tục trúng đấu giá, giấy tờ thì đã cầm trên tay nhưng tài sản vẫn chưa nhận được theo thực tế, số tiền bị neo ở đó hên thì vài tháng, xui thì phải mất vài năm. Chúng tôi có thiện chí mua, chứ nếu không thì tội tình gì phải đi lên đi xuống chi cho mệt.
Qua câu chuyện này tôi cũng mong rằng nhân sự làm ở bộ phận khó khăn nhất của ngân hàng nên có thái độ đúng đắn với công việc của mình. Luôn đặt vị trí mình là khách mua thì phải làm gì, muốn gì và đặc biệt rằng cần nhận thức sâu sắc hơn một khi chúng ta làm công việc liên quan đến thanh lý tài sản, xử lý nợ xấu.
Ngoài việc giúp cho tổ chức chúng ta đang công tác thu hồi nợ được sớm hơn mà còn giúp cho toàn hệ thống được khai thông dòng vốn cho nền kinh tế, bởi vì một khi tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao thì đồng nghĩa với việc này ngân hàng sẽ phải dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức và cũng đừng vì một hành động nhỏ làm ảnh hưởng chung.
Tấn Lộc
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây