Trước khi lên đường, hai vợ chồng nhà Straub không biết học có được phép nhập cảnh vào Ukraine, hay bị chặn lại bởi lệnh hạn chế di chuyển ngăn Covid-19. Khi đó, ít nhất 100 trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ ở Ukraine không thể về với bố mẹ ở nước ngoài do Covid-19.
Tuy nhiên, vợ chồng nhà Straub vẫn quyết tâm đón con về. Hai vợ chồng không thể sinh con một cách tự nhiên, và họ buộc phải nhờ đến dịch vụ mang thai hộ ở Ukraine.
"Bình thường, chúng tôi sẽ bay tới Paris rồi từ đó đáp chuyến bay thẳng tới Kiev", Darlene Straub nói. Nhưng đó là khi nhiều quốc gia, bao gồm Ukraine, chưa áp đặt lệnh hạn chế đi lại do Covid-19.
Để đón con, Darlene, 45 tuổi và chồng, Chris, 43 tuổi, đi từ Dallas tới Atlanta, sau đó qua Hà Lan, Thụy Điển tới Belarus. Tại Minsk, thủ đô Belarus, họ ngồi xe 4 tiếng đến biên giới Ukraine. Chỉ xe tải mới được phép nhập cảnh, họ phải đi bộ, xách theo valy chứa 14.000 USD tiền mặt để trả cho người mang thai hộ.
Trong lúc vợ chồng Straub tìm mọi cách tới Kiev, Yuli, 33 tuổi, một phụ nữ Ukraine, cũng đang tới gần vạch đích của hành trình mang thai. Cô là mẹ của hai con trai, 8 tuổi và 13 tuổi. Yulia sống tại một ngôi làng ở miền trung Ukraine.
Con trai nhỏ của cô từng ốm nặng và điều trị rất tốn kém. Gia đình nợ nần, nhà lại cần sửa, nhưng mức lương tháng 150 USD làm y tá trong một bệnh viện địa phương của cô, cùng lương 500 USD của chồng tại xưởng cưa, không đủ để trang trải.
Yulia quyết định cách duy nhất mà cô có thể giúp đỡ được gia đình đó là đẻ thuê. Cô biết đến cuối cùng sẽ phải cho đứa bé đi, dù đưa nó tới cuộc đời này bằng 9 tháng trong bụng mình.
Cô cần tiền mang về nhà cho các con, những đứa con mà cô buộc phải để chồng ở nhà chăm sóc 4 tuần trước, để tới Kiev sinh nở. Yulia dự sinh ngày 30/5, nhưng đứa trẻ ra đời sớm hơn 4 ngày, vào 26/5, khi vợ chồng Straub đang băng qua biên giới vào Ukraine.
"Chúng tôi đến Kiev đúng hôm 26/5. Cùng ngày, chúng tôi nhận được email từ công ty đẻ thuê, cho biết con gái đã chào đời", Darlene nói đầy vui vẻ. "Con bé tên là Sophia Faith Straub".
Vợ chồng Straub không phải những người duy nhất thực hiện hành trình khó khăn tới Kiev. Do lệnh hạn chế di chuyển được chính phủ Ukraine ban bố hồi tháng 3, hàng chục cặp cha mẹ từ khắp nơi trên thế giới vẫn chưa được gặp con, những đứa trẻ đã sinh ra nhờ mang thai hộ ở Ukraine.
Ukraine là một trong số ít quốc gia trên thế giới cho phép thương mại hóa mang thai hộ. Trong những năm gần đây, nhiều nước cấm mang thai hộ khiến hàng trăm cặp vợ chồng không thể thụ thai tự nhiên tìm tới dịch vụ này ở Ukraine, với giá 30.000-50.000 USD một ca.
Phôi thai sử dụng tinh trùng của bố và trứng của người hiến. ADN của em bé phải phù hợp với một trong hai người bố hoặc mẹ. Người mang thai hộ sẽ nhận được 15.000 USD tiền công, thêm 400 USD hỗ trợ mỗi tháng trong quá trình mang thai. Công ty môi giới hoặc bệnh viện sẽ hưởng phần còn lại.
Suốt thời kỳ hạn chế do Covid-19 bắt đầu từ giữa tháng 3, khoảng 100 trẻ sơ sinh phải chờ đợi trong khách sạn ở Kiev cùng người mẹ mang thai hộ, chờ đợi cơ hội đoàn tụ với bố mẹ đẻ. Trong lúc những cặp cha mẹ như Straub đang cố gắng vượt qua biên giới đã đóng cửa của nhiều nước, những người khác lại mắc kẹt ở Ukraine, không thể về nhà.
Hôm 30/4, một trong những phòng khám có dịch vụ mang thai hộ ở Ukraine đã phát video về 51 em bé khóc trong một căn phòng lớn ở khách sạn, thu hút sự chú ý của dư luận.
"Bộ Ngoại giao Ukraine đã phớt lờ yêu cầu nhập cảnh của các bậc cha mẹ", Albert Tochilovskyi, chủ phòng khám, nói.
Lyudmila Denisova, Ủy viên Nhân quyền Ukraine, hứa sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình nhập cảnh cho các bậc cha mẹ, yêu cầu họ gửi đề nghị tới cô và giữ liên lạc thường xuyên với đại sứ quán nước mình.
Từ khi Ukraine đóng cửa biên giới hôm 17/3, đại sứ quán Mỹ đã tạo điều kiện cho 7 gia đình tới Ukraine đón con và giúp 4 gia đình nữa cùng 8 trẻ sơ sinh về Mỹ, phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ cho hay.
"Chúng tôi liên lạc thường xuyên với một số bậc cha mẹ người Mỹ đang hồi hộp chờ đợi con ra đời nhờ mang thai hộ ở Ukraine. Chúng tôi giám sát tình hình rất sát sao", phát ngôn viên nói.
Hôm 30/5, khoảng 12 đôi vợ chồng có con mới sinh đang mắc kẹt trong khách sạn ở Kiev đã tới Ukraine trên chuyến bay đặc biệt xuất phát từ Argentina.
Vợ chồng Straub cho hay đại sứ quán Mỹ ở Kiev đã giúp đỡ họ rất nhiều. Với họ, chuyến đi đánh dấu sự khởi đầu mới của hai người cùng con gái với tư cách là một gia đình.
Nhưng với Yulia, nó đánh dấu sự kết thúc của hành trình mang thai bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái, khi cô thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách cấy phôi tạo thành từ trứng hiến tặng và tinh trùng của Straub.
"Tôi đã thuyết phục chồng cho mình đẻ thuê", Yulia nói. Cô giấu người trong làng suốt 9 tháng mang thai vì sợ xấu hổ. Cô cũng yêu cầu không tiết lộ họ của mình vì lý do tương tự.
"Tôi không muốn bị mọi người đánh giá. Không phải ai ở Ukraine cũng có thái độ tích cực với mang thai hộ", cô nói.
Thực tế, rất nhiều người dè bỉu những phụ nữ mang thai hộ, nói họ bán con để lấy tiền. Nhiều quan chức Ukraine, bao gồm Mykola Kuleba, Ủy viên của Tổng thống Ukraine về Quyền trẻ em, đã công khai kêu gọi cấm dịch vụ mang thai hộ, gọi đây là "buôn bán trẻ em".
Yulia lại nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác.
"Tôi đẻ được, nhưng không nuôi được", cô nói. "Những người khác có tiền, nhưng lại không đẻ được. Vì vậy tôi nghĩ chúng tôi đang giúp đỡ lẫn nhau".
Nhưng cô đã khóc cả ngày sau khi trao Sophia cho Straub. Yulia tan nát cõi lòng khi phải chia tay đứa bé mình dứt ruột đẻ ra. Hôm 30/5, cô đến thăm vợ chồng Straub trong căn hộ họ thuê ở trung tâm Kiev. Cô muốn giúp đỡ họ chăm con, vợ chồng Straub cũng cho phép Yulia giúp đỡ. Cô và hai người cùng cho Sophia ăn sữa.
"Tôi thực sự cảm thấy khó khăn khi liên quan tới một phụ nữ khác theo kiểu này", Darlene nói. "Nhưng mẹ tôi bảo rằng nên coi cô ấy như một người bạn suốt đời".
Sau đó, Yulia ký vào giấy từ bỏ quyền làm mẹ. Hôm 1/6, cô nhận được tiền và hôm sau, trở về quê cùng chồng con.
Còn vợ chồng Straub phải tự cách ly hai tuần ở Kiev trước khi chính quyền hoàn thiện thủ tục nhận con và cho phép họ cùng bé Sophia trở về Texas.
Hồng Hạnh (Theo NBC)