Họ vào từng ngôi nhà trong làng Takeo, cách thủ đô Phnom Penh, Campuchia khoảng một giờ lái xe, để thuyết phục phụ nữ đẻ thuê cho người nước ngoài.
Để lách lệnh cấm của chính phủ Ấn Độ, Nepal và Thái Lan, các quốc gia trước kia được coi là trung tâm của dịch vụ đẻ thuê ở châu Á, nhiều đường dây đẻ thuê đã chuyển địa bàn hoạt động tới các vùng quê ở Campuchia, South China Morning Post đưa tin.
Các công ty mối giới lợi dụng cảnh đói nghèo và nợ nần do cờ bạc của nhiều gia đình trong làng Takeo để chèo kéo. Với mức giá trung bình của dịch vụ mang thai hộ ở khu vực Đông Nam Á là 10.000 USD, gấp 5 lần thu nhập một năm của công nhân làm việc tại xưởng may, phụ nữ ở làng Takeo khó lòng từ chối.
Bà Phorn trông ba đứa cháu ngoại trong khi con gái bà đến Bangkok, Thái Lan để chờ ngày sinh nở vào tháng 7 này. Con gái bà Phorn hầu như không biết gì về vợ chồng người nước ngoài thuê cô mang thai hộ, thậm chí cả những thông tin cơ bản như quốc tịch, nhưng cô làm việc này với niềm tin chắc chắn rằng 6.100 USD tiền công sẽ giúp ích rất nhiều cho gia đình cô ở quê nhà.
"Chúng tôi quá nghèo thế nên con gái tôi mới đẻ thuê", bà Phorn bày tỏ.
Từ tháng 2/2015, lệnh cấm đẻ thuê thương mại có hiệu lực ở Thái Lan, theo đó, những người nước ngoài thuê phụ nữ nước này mang thai hộ có thể đối mặt với án tù 10 năm. Chính phủ Thái Lan quyết định siết chặt quản lý dịch vụ đẻ thuê sau vụ việc cặp vợ chồng Australia thuê một cô gái Thái Lan mang thai hộ với giá 15.000 USD và sau đó bỏ rơi đứa con trai mắc bệnh Down, chỉ mang về nước đứa con gái song sinh khỏe mạnh.
Ở Việt Nam, luật pháp cũng cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại.
"Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đến từ Australia, Mỹ và Trung Quốc, nhất là các cặp đồng tính, đã quyết định thử vận may ở Campuchia", giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Families Through Surrogacy Sam Everingham cho biết.
Các đường dây môi giới ở Thái Lan chuyển hoạt động đẻ thuê thương mại sang Campuchia. Nhiều phòng khám ở thủ đô Phnom Penh cung cấp dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm (IFV) và chuyển nhượng phôi thai. Ở giai đoạn phát triển bùng nổ nhất, Campuchia có tới 50 đại lý và cá nhân môi giới.
Dịch vụ xuyên biên giới
Tuy nhiên, vào tháng 10 năm ngoái, Bộ Y tế Campuchia bất ngờ quyết định siết chặt hoạt động đẻ thuê, đẩy các cặp vợ chồng và những phụ nữ mang thai hộ lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan đồng thời làm bùng phát các hoạt động lách luật xuyên biên giới.
Va Tey, cũng sinh sống ở làng Takeo, mang thai hộ cho một cặp đồng tính nam người Mỹ, cho biết cô được ứng trước 4.000 USD. Số tiền còn lại sẽ được trả sau khi đứa con ra đời. Tey dự định số tiền cô kiếm được sẽ đủ để "mua một mảnh đất và xây một ngôi nhà tương đối". Tuy nhiên, giờ đây giấc mơ đó của cô trở nên xa vời. Sau khi lệnh cấm có hiệu lực, cô mất liên lạc với người môi giới, và có nhiều khả năng cô sẽ không được thanh toán nốt số tiền còn lại. Tey cho biết sau khi trả nợ ngân hàng và hàng xóm, cô không còn tiền nữa, vì vậy, cô sẽ quay trở lại làm công nhân may.
Không ít trường hợp vợ chồng quốc tịch Mỹ hoặc Australia, thuê môi giới có trụ sở ở Thái Lan, còn người phụ nữ đẻ thuê là người Campuchia, sau đó đứa con được sinh ra ở nước khác. Tất cả chỉ để lách luật.
"Nhiều phụ nữ sau khi đẻ thuê vẫn phải quay về cuộc sống (nghèo khó) trước đây", theo ông Savouen, trưởng làng Takeo, "Nhưng thật khó thuyết phục họ không làm việc đó nữa".
An Hồng