"Trai hay gái thế?" một người cất tiếng hỏi ngoài phòng mổ. "Con gái", có tiếng nữ y tá đáp lại. Cô quấn chặt em bé sơ sinh trong tấm khăn màu xanh, đem đến giường người vừa sinh nở. Cô này nở một nụ cười mệt nhọc, vỗ về đứa trẻ, rồi y tá mang nó đi.
Đây có thể là lần cuối cùng Meena Macwan nhìn thấy đứa trẻ - cô là một người mẹ đẻ thuê. Theo BBC, người nhà của Macwan cho biết cô sẽ nhận trông trẻ để kiếm tiền, cho đến khi đủ xây nhà, sau khi không được phép đẻ thuê nữa.
Ấn Độ là một trong số ít quốc gia thương mại hóa ngành đẻ thuê, cho phép trả tiền để phụ nữ mang thai hộ. Do đó, nơi đây trở thành một trung tâm lớn của thế giới, hàng nghìn cặp đôi đổ về, với hy vọng có được một đứa con.
Phần lớn những người phụ nữ ở trung tâm đẻ thuê tại Anand, một huyện thị ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, đang mang thai hộ những cặp đôi người nước ngoài.
Bên trong phòng khám nổi tiếng nhất ở Anand vẫn chật ních người. Tuy nhiên, con số này sẽ sớm sụt giảm. Trong góc phòng, một đôi vợ chồng người Mỹ gốc Ấn đang tỏ vẻ tuyệt vọng.
"Sốc và thất vọng", họ nói rồi rời đi. Người phụ nữ có vẻ đang khóc, nói rằng không biết nên làm gì nữa.
Rekha Patel, sống ở Epping, Anh, có bé gái hai tuổi nhờ thuê đẻ ở Anand. Patel bắt đầu một chiến dịch trực tuyến phản đối lệnh cấm của chính phủ Ấn Độ.
"Đó là cơ hội cuối cùng để chúng tôi có một gia đình thực sự, chúng tôi đã nắm lấy, và có hàng nghìn gia đình khác cũng như vậy. Nếu cơ hội này bị tước đi, bi kịch có lẽ đã xảy ra. Lúc đó, chúng tôi đã rất tuyệt vọng, thực sự tuyệt vọng".
Thái Lan, một quốc gia từng là trung tâm đẻ thuê lớn của thế giới, cũng ban hành lệnh cấm đầu năm nay. Một số tiểu bang ở Mỹ cũng cho phép, nhưng quy định rất nghiêm ngặt và chi phí cực đắt.
Ấn Độ là trung tâm đẻ thuê lớn vì dễ tìm phụ nữ sẵn sàng mang thai và đẻ hộ, ngoài ra, y tế ở đây tốt, chi phí lại rẻ. Đẻ thuê đã trở thành ngành công nghiệp trị giá 2,3 tỷ USD theo ước tính của chính phủ. 5.000 trẻ sinh ra mỗi năm nhờ đẻ thuê.
Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ cho rằng, phụ nữ nghèo và mù chữ ở đây đang bị lợi dụng.
"Thật là đáng buồn, những người đó tuyệt vọng đến nỗi, họ sẵn sàng cho thuê cơ thể vào những việc như thế", bác sĩ Soumya Swaminathan, giám đốc Hồi đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR), nói, cho rằng các phòng khám thai đang lợi dụng phụ nữ, khai thác triệt để các cặp vợ chồng.
Trong khi đó, bác sĩ Nayna Patel, điều hành cơ sở y tế Akanksha ở Anand, nói rằng những phụ nữ mang thai hộ được chăm sóc tốt.
"Những người thuê đẻ trả khoảng 25.000 USD. Trong đó, 10.000 USD cho người đẻ thuê, số còn lại dành cho thăm khám thai trong 9 tháng, làm thủ tục y tế và sinh nở", bà cho biết, nhấn mạnh chính phủ nên ban hành quy chế nghiêm ngặt, thay vì cấm hoàn toàn.
Tất cả những người mang thai hộ mà phóng viên gặp ở Anand đều xác nhận điều này. Chỉ một số được trả ít hơn, nếu mang thai hộ vợ chồng người Ấn Độ. Có lẽ, đó là lý do họ thích người ngoại quốc hơn.
Ấn Độ không có luật đẻ thuê, chỉ có hướng dẫn do ICMR ban hành, quy định phụ nữ không được đẻ thuê nếu chưa có con riêng, và chỉ được đẻ thuê một lần. Một dự thảo luật mới về sinh sản hỗ trợ đang được quốc hội xem xét.
Thông báo mới cấm đẻ thuê của chính phủ vấp phải phản đối, những người phản đối đã nộp đơn lên Tòa án Tối cao Ấn Độ. Luật mới không quy định rõ, đối tượng áp dụng là mọi đôi vợ chồng, gồm cả ngoại quốc và Ấn Độ; hay chỉ nhằm vào người ngoại quốc?
"Khó mà đoán được dự thảo luật mới quy định gì, nhưng phần lớn những bên liên quan cho rằng dịch vụ đẻ thuê chỉ nên áp dụng với những cặp vợ chồng Ấn Độ vô sinh và không còn cách nào khác", bác sĩ Swaminathan cho biết.
Những bên liên quan bao gồm các bộ ngành chính phủ, bác sĩ, tổ chức vì quyền lợi phụ nữ, và không rõ đã thăm dò qua ý kiến của những người mang thai hộ chưa.
"Chính phủ đang làm sai. Liệu họ có định đến nhà, hỏi chúng tôi gặp khó khăn gì, và cho chúng tôi ăn nếu chúng tôi chết đói không?" Devi Parmar, một người mang thai hộ tức giận nói.
Hồng Hạnh