Kashmir Hill là nhà báo công nghệ của New York Times. Sau bài viết Sống với nỗi lo bị phụ kiện của Apple theo dõi, cô nhận về hai luồng ý kiến từ giới chuyên gia. Một bên chê trách các cảnh báo mà Apple đưa ra cho người dùng quá hời hợt, trong khi số khác khen ngợi hãng đã chỉ ra vấn đề lớn hơn mà nhiều người đã phớt lờ. Đó là chuyện theo dõi lén lút người khác có thể đã tồn tại từ lâu, nhưng chúng chưa bao giờ nhận được cảnh báo từ những công ty sản xuất thiết bị trước đây.
Kashmir quyết định tự trải nghiệm với chính chồng mình bằng ba thiết bị đồng thời, gồm: Apple AirTag, một bộ Tile có kích thước giống thẻ ngân hàng, và một bộ định vị GPS từ hãng LandAirSea. Tại New York, việc theo dõi lén lút có thể là tội hình sự, chưa kể có thể khiến đối phương hiểu lầm. Kashmir thông báo trước và nhận được sự đồng ý của chồng về việc thực hiện trải nghiệm, nhưng chồng cô không hề biết cô sử dụng thiết bị và giấu chúng ở đâu.
Cô kể lại hành trình theo dõi của mình trong câu chuyện được đặt tên "Cuộc phiêu lưu của một cặp đôi trong tình trạng giám sát bằng công nghệ". Theo cô, từ vấn đề tìm lại chìa khóa thất lạc, con người đã tạo ra một mạng lưới giám sát rộng lớn trong thế giới của mình.
Câu chuyện bắt đầu giữa tháng 1, khi Kashmir quyết định giấu những thiết bị theo dõi đầu tiên vào xe của chồng. Theo dõi định vị, cô có thể biết chồng mình đã di chuyển ra xa nhà, từ đó tiến thời thực hiện bước tiếp theo. Kashmir lẻn vào phòng và tiếp tục giấu những thiết bị tiếp theo vào túi áo và balo. Hành động này được cô mô tả là mang đến "cảm giác vô cùng xâm phạm và là khoảnh khắc khiến cô cảm thấy mâu thuẫn nhất" trong trải nghiệm của mình.
Một ngày, khi đứa con một tuổi của Kashmir dương tính với Covid-19 và hai vợ chồng bắt đầu cãi vã vì bất đồng quan điểm. Cô muốn đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức, trong khi chồng cô cho rằng việc này chưa cần thiết, khi đứa trẻ vẫn đang chơi vui vẻ. "Đây không phải là trường hợp khẩn cấp", anh nói, dù cuối cùng vẫn đưa cô bé đi khám.
Với sự khó chịu đó của chồng, Kashmir không muốn gọi điện hỏi thăm tình hình. Thay vào đó, cô sử dụng "kho vũ khí bí mật" của mình. Đó cũng là lần đầu các thiết bị theo dõi mà cô giấu trong xe từ tuần trước tỏ ra hữu ích, nhưng không phải thiết bị nào cũng mang đến kết quả chính xác.
Với LandAirSea - thiết bị có giá 30 USD, cộng thêm gói thuê bao dịch vụ mỗi tháng là 19,95 USD (450 nghìn đồng), cô có thể cập nhật về vị trí mỗi ba phút một lần. Ứng dụng InstaFence hỗ trợ cảnh báo khi xe di chuyển và tùy chọn xem lại các vị trí. Từ đó, Kashmir có thể xem và biết chồng cô đã đến nơi lúc 16h55. Việc kiểm tra bằng LandAirSea ít nhất giúp cô "không ngạc nhiên" khi nhận tin nhắn của chồng thông báo tình hình sau đó.
Tuy nhiên, hai thiết bị còn lại là Tile (34,99 USD) và AirTag (29 USD) hoạt động không được như vậy. Thiết bị của Apple mất một giờ để cập nhật vị trí xe khi nó đã yên vị trong bãi gửi xe bệnh viện, trong khi Tile không nhận ra chiếc xe đã di chuyển khỏi nhà. Theo Kashmir, đó cũng chính là vấn đề của những thiết bị sử dụng Bluetooth so với sử dụng định vị vệ tinh.
Với Tile và AirTag, các thiết bị kết nối tầm gần để liên kết với những thiết bị gần đó. Hàng trăm triệu iPhone, iPad và máy tính Mac trên khắp thế giới trở thành một phần mạng lưới của AirTag, trong khi con số này với Tile nhỏ hơn. Doanh số của loạt thiết bị này vào khoảng 40 triệu chiếc trong năm gần nhất.
Điểm khác biệt của AirTag, theo Kashmir, chính là khả năng theo dõi được cải thiện khi ở trong các thành phố lớn - nơi xung quanh đều có người sử dụng iPhone. "Khi anh ấy đến Manhattan, AirTag trở thành thiết bị theo dõi mạnh mẽ nhất, vượt trội cả thiết bị GPS", Kashmir kể.
Song song với đó, thiết bị của Apple cũng khiến chồng của Kashmir lúng túng khi nhận cảnh báo trên điện thoại. Hai tiếng sau khi di chuyển, anh nhận được thông báo trên điện thoại về một AirTag lạ ở gần liên tục.
"Vấn đề là anh ấy không thể tìm thấy nó", cô kể. Tính năng tìm kiếm trên iPhone cho phép chủ nhân có thể làm cho AirTag phát ra âm thanh, nhưng mỗi lần thực hiện, điện thoại của chồng cô lại mất kết nối. Một lần khác, AirTag đã thực sự phát ra âm thanh. Thế nhưng anh cũng không thể phát hiện nó được giấu ở vị trí nào trong xe và đành bỏ cuộc sau 5 phút.
"Các nhà phê bình đã đúng. Chúng không đáng tin cậy", Kashmir kết luận về các biện pháp của Apple nhằm chống lại việc sử dụng bất chính AirTag.
'Bay dưới tầm radar'
Dẫn lời Alyson Messenger, một luật sư ở Los Angeles chuyên tư vấn các trường hợp bạo lực gia đình, phóng viên công nghệ của New York Times cho biết có ít nhất hai phụ nữ đã báo cáo về việc bị người cũ dùng AirTag để theo dõi. Với những trường hợp khác, cô cho rằng có thể họ đang gặp tình trạng "bay dưới tầm radar" - một thuật ngữ trong lĩnh vực quân sự ám chỉ việc ẩn mình để tránh bị phát hiện.
Đây cũng là cách mà luật sư này mô tả về những thiết bị định vị trên thị trường hiện nay. Nếu sử dụng phương thức theo dõi bằng cách cài phần mềm gián điệp lên điện thoại, kẻ gian ít nhất sẽ cần có thời gian, mật khẩu hoặc quyền truy cập điện thoại. Còn với thiết bị phần cứng nhỏ gọn, chỉ cần tiếp cận đủ gần với nạn nhân hoặc đồ dùng của họ. "Thật xảo quyệt vì các thiết bị rất kín đáo và khó nhận biết. Chúng tôi nghi ngờ chúng vẫn đang diễn ra mà nạn nhân không hề biết", bà Messenger nói.
Một câu hỏi khác được đặt ra là trách nhiệm của các công ty sản xuất ra những thiết bị như vậy. Trong khi AirTag và Tile được giới thiệu là giúp người dùng tìm lại đồ thất lạc, LandAirSea mô tả sản phẩm của mình "là thứ tuyệt vời nhất để theo một cách kín đáo".
Kashmir không tìm thấy bất cứ thông tin nào về các vấn đề pháp lý trong hướng dẫn sử dụng của LandAirSea, dù thiết bị này là công cụ theo dõi GPS bán chạy nhất trên Amazon. Thay vào đó, điều mà công ty này muốn nhấn mạnh là mong mọi người đánh giá về sản phẩm.
Lần theo những đánh giá về LandAirSea trên gian hàng online, Kashmir nhận ra nhiều người, nhiều gia đình đã gặp vấn đề với thiết bị. "Nếu bạn sử dụng thứ này để tìm hiểu vợ hoặc chồng mình có đang lừa dối hay không, hãy chuẩn bị cho hậu quả bằng một kế hoạch chăm sóc sức khỏe tinh thần", người dùng Jason bình luận. Một người dùng khác để lại đánh giá một sao kèm bình luận rằng sản phẩm quá dễ phát hiện, sau khi anh bị cha mình bí mật đặt thiết bị lên xe. "Cha mẹ của bạn đã không theo dõi bạn. Vì thế cũng đừng theo dõi chúng tôi".
Quá dễ bị lạm dụng
Theo các chuyên gia, thiết bị theo dõi không phải lúc nào cũng mang lại sự đe dọa. Một thiết bị được định vị đặt trong xe của con cái có thể mang lại sự yên tâm cho cha mẹ. Một số người đã tìm lại được xe, đồ dùng bị đánh cắp qua các thiết bị dạng này. Tuy nhiên, những sản phẩm này cũng đã phát triển đến mức chín muồi và quá dễ bị lạm dụng.
"Không nên cho phép bất cứ ai được mua một công cụ theo dõi người thân của mình một cách dễ dàng và giá rẻ như vậy", Albert Fox Cahn, CEO Dự án Giám sát Công nghệ Theo dõi, nhận định. Theo ông, luật pháp hiện không đủ ngăn chặn các hành vi lạm dụng thiết bị định vị.
Jared Zientz, Giám đốc phân tích của LandAirSea, thừa nhận việc thiết bị của họ bị lạm dụng cho mục đích theo dõi "chắc chắn xảy ra". Theo Zientz, trong tình huống đó, nạn nhân nên đến gặp cảnh sát, bởi khi có đề nghị của tòa án, công ty sẽ hỗ trợ xác định chủ nhân của thiết bị. Đại diện công ty cho biết mỗi tháng bán khoảng 15 nghìn thiết bị, và mỗi năm nhận khoảng 30 đề nghị như vậy từ tòa án.
Công ty cũng không coi AirTag là một mối đe dọa bởi mỗi sản phẩm có cách hoạt động khác nhau. Thậm chí sau khi AirTag ra đời, doanh số thiết bị định vị của LandAirSea còn tăng lên do cùng giai đoạn này, nạn trộm cắp xe cũng gia tăng.
Apple mới đây cũng đưa ra các cảnh báo tương tự với người sử dụng AirTag, trong khi đại diện Tile khẳng định việc theo dõi người khác bằng Tile là vi phạm điều khoản sử dụng và có thể bị cấm sử dụng vĩnh viễn.
Trở lại câu chuyện của mình, Kashmir Hill thừa nhận việc theo dõi chồng "khá nhàm chán" và không có bất cứ điều gì ngạc nhiên về những nơi mà anh ta đến. Tuy nhiên, hậu quả của chúng là ảnh hưởng tâm lý đến cả hai người.
"Điều ngạc nhiên nhất với tôi là cảm giác căng thẳng khi theo dõi anh ấy và cảm thấy tội lỗi về những điều mà anh ấy không biết, chẳng hạn một nhiếp ảnh gia đã theo đuôi anh ấy từ các chỉ dẫn của tôi. Thật nhẹ nhõm khi nó đã kết thúc", cô nói.
Còn với chồng của Kashmir, anh cho rằng giải pháp cảnh báo của Apple còn yếu kém, nhưng ít nhất anh cũng nhận thông báo. Các hệ thống theo dõi khác được đánh giá là tồi tệ và là mối de dọa về quyền riêng tư của người khác.
Bất chấp việc Kashmir thuyết phục để một AirTag trong xe để có thể tìm thấy chúng ở những bãi đỗ rộng lớn, chồng cô nhất quyết không cho đặt bất cứ thiết bị nào trong xe nữa.
Lưu Quý (theo New York Times)