Estrada, 24 tuổi ở Los Angeles, cho biết cô và những người bạn đều không sở hữu bất cứ chiếc Apple AirTag nào. Tuy nhiên, thông báo trên điện thoại cho thấy phụ kiện này được phát hiện ở gần cô lần đầu vào bốn tiếng trước. Bản đồ về lịch sử di chuyển của AirTag cũng thể hiện những con đường ngoằn ngoèo mà cô đã lái xe qua khi làm việc trong thành phố.
"Thật đáng sợ. Điều duy nhất tôi nghĩ đến là ai đang theo dõi mình. Mục đích của họ là gì?", cô nói và cảm thấy bị xâm phạm nghiêm trọng.
Estrada không phải trường hợp duy nhất. Trên những mạng xã hội như TikTok, Twitter, Reddit trong vài tháng gần đây, hàng loạt người dùng đã chia sẻ về việc tìm thấy AirTag trong oto hoặc trên các đồ đạc cá nhân.
Thiết bị có đường kính chỉ 3 cm, vốn được Apple giới thiệu để người dùng có thể "theo dõi các vật dụng cá nhân của mình" nếu thất lạc. Tuy nhiên, từ khi ra mắt hồi tháng 4/2021, sản phẩm bị giới chuyên gia lo ngại có thể bị lợi dụng để trở thành một công cụ rình mò và theo dõi người khác.
Đến nay, nguy cơ này đã thành sự thật và ngày càng lan rộng.
New York Times cho biết đã trò chuyện với bảy phụ nữ từng phát hiện mình bị theo dõi bằng thiết bị của Apple.
Trong đó cũng có trường hợp được đánh giá là "không phải theo dõi một cách bất chính". Chẳng hạn, một cô gái 17 tuổi được mẹ lén đặt AirTag lên xe vì sợ con mất tích, hay một cô gái sử dụng xe đi thuê có gắn sẵn thiết bị. Tuy nhiên, tất cả những người được hỏi đều trải qua trạng thái lo sợ và một số đã báo cảnh sát hoặc liên hệ Apple để được hỗ trợ.
Sau khi rời phòng tập thể dục vào một ngày tháng 11/2021, Michaela Clough ở Corning, California nhận được thông báo trên điện thoại cho biết cô bị theo dõi bởi "một phụ kiện không xác định". Khi về nhà, Clough lập tức gọi điện báo cảnh sát. Tuy nhiên, điều kiện là cô cần chứng minh ai đó xuất hiện tại nhà của mình. Dòng thông báo trên iPhone không đủ để trở thành bằng chứng cho việc này.
Clough sau đó liên hệ với nhân viên chăm sóc khách hàng của Apple và được ngắt kết nối của thiết bị lạ khỏi iPhone của cô. "Tôi vẫn vô cùng sợ hãi và thất vọng vì không thể làm gì được", Clough nói và cho biết cô đã phải ở nhà trong một tuần sau đó, đồng thời không bao trở lại phòng tập thể dục trước đây.
Một trường hợp khác là Erika Torres, sinh viên âm nhạc ở New Orleans, nhận ra mình cũng bị bám theo bởi một "phụ kiện không xác định". Thiết bị ở gần cô khoảng hai tiếng trước khi bị phát hiện, bắt đầu di chuyển theo cô từ một quán bar, sau đó về đến tận nhà.
Nghi ngờ đó là AirTag, Torres thử tìm kiếm nhưng không phát hiện bất cứ thiết bị nào như vậy. Khi gọi cho Apple, cô được giải thích thông báo này có thể đến từ một thiết bị khác, như AirPods. Video chia sẻ về tình huống này được Torres đăng trên kênh YouTube cá nhân và nhận hàng chục lượt bình luận của những người gặp phải trải nghiệm tương tự.
Vài tháng qua, một số cơ quan an ninh đã bắt đầu xem xét kỹ hơn về mối đe doạ do Apple AirTag gây ra. Một sở cảnh sát địa phương tại Canada cho biết đã điều tra được ít nhất 5 vụ trộm xe sang mà trong đó AirTag được dùng làm phương tiện giúp kẻ trộm theo dõi vị trí xe. Sở cảnh sát West Seneca ở New York cũng cảnh báo cộng đồng về khả năng theo dõi của thiết bị Apple, sau khi có một vụ AirTag lạ được tìm thấy trên ôtô. Cảnh sát cho biết Apple đã tuân thủ việc phối hợp để điều tra về trường hợp này.
AirTag không phải là sản phẩm duy nhất hiện nay có tính năng theo dõi vị trí. Trước Apple, từng có một dự án khởi nghiệp thành công với sản phẩm tương tự là Tile. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu bảo mật, AirTag là mối đe doạ "có hại đặc biệt". AirTag sử dụng Bluetooth, nhưng chúng có thể phát ra tín hiệu kỹ thuật số để kết nối với các thiết bị Apple xung quanh và báo về vị trí cuối cùng được kết nối. Sự phổ biến của các thiết bị Apple khiến cho việc theo dõi qua AirTag càng trở nên chính xác hơn.
"Apple biến mọi thiết bị iOS trở thành một phần mạng lưới để AirTag sử dụng và báo cáo vị trí của mình. Mạng lưới của Apple phủ rộng và mạnh mẽ hơn các mạng lưới khác, vì vậy nó cũng nguy hiểm hơn trong việc bị lợi dụng để rình mò", Eva Galperin, Giám đốc an ninh mạng tại Electronic Frontier Foundation, nhận định.
Apple không tiết lộ đã bán được bao nhiêu AirTag. Tuy nhiên, sản phẩm có giá 29 USD này nhiều lần được ghi nhận "cháy hàng" kể từ khi ra mắt cách đây 8 tháng.
Alex Kirschner, phát ngôn viên của Apple, từng khẳng định công ty coi trọng sự an toàn của người dùng và "cam kết về quyền riêng tư và tính bảo mật" của AirTag. Để ngăn tình trạng lợi dụng cho mục đích xấu, Kirschner cho biết thiết bị này được trang bị tính năng thông báo cho người dùng nếu có AirTag không xác định ở gần họ.
Tuy nhiên, các giải pháp của Apple được đánh giá là không đủ để bảo vệ người dùng. Nhiều người cho biết phải qua nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày bị theo dõi, họ mới nhận được thông báo trên điện thoại. Với người không sử dụng iPhone, việc nhận biết bị theo dõi còn khó khăn hơn. Dù Apple đã tung ra phần mềm hỗ trợ cho Android, họ vẫn cần phải chủ động rò quét để phát hiện rủi ro. AirTag cũng có tính năng kích hoạt âm thanh giúp tìm kiếm AirTag lạ, nhưng âm thanh phát ra từ thiết bị này được cho là quá bé để có thể nghe thấy.
Apple khuyến nghị người dùng có thể liên hệ với các cơ quan thực thi pháp luật địa phương nếu phát hiện AirTag không xác định. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, như của Michaela Clough kể trên, thông báo trên iPhone không đủ làm bằng chứng báo cảnh sát.
Với trường hợp của Estrada, sau khi tìm kiếm, cô tìm thấy AirTag nằm ở mặt sau biển số chiếc xe Dodge Charger 2020 của mình. Khi báo cảnh sát, cô được phản hồi đó "không phải trường hợp khẩn cấp". Cô cho rằng sản phẩm Apple có thể được làm ra với mục đích tốt, nhưng những điều đã trải qua cho thấy chúng đang được khai thác cho mục đích xấu.
"Hãy tưởng tượng bạn nhận được thông báo rằng mình đang bị theo dõi, nhưng lại không thể làm được gì", Jahna Maramba, một khách hàng của dịch vụ cho thuê xe nói, sau khi phát hiện chủ xe bí mật gắn AirTag lên xe trước khi giao cho cô.
Lưu Quý (theo New York Times)