Cảnh sát khu vực Naugatuck, Connecticut (Mỹ) cho biết người đàn ông tên Wilfred Gonzalez bị cáo buộc theo dõi người khác, gây rối trật tự công cộng và vi phạm lệnh bảo vệ. Gonzalez bị bắt sau khi bạn gái cũ thông báo với cảnh sát về việc phát hiện một AirTag trong ôtô. Phụ kiện của Apple này sau đó được tìm ra ở bảng điều khiển trung tâm của xe, được xác định là của người đàn ông này.
Theo luật của Connecticut, hành vi theo dõi người khác thông qua các thiết bị điện tử trước đây là tội nhẹ, nhưng từ năm ngoái được sửa đổi thành "trọng tội". Người vi phạm có thể chịu mức án 5 năm tù.
Trường hợp của Wilfred là một trong những vụ bắt giữ đầu tiên liên quan đến hành vi sử dụng AirTag theo dõi người khác. "Sẽ rất thú vị để xem luật mới sẽ được áp dụng với một vấn đề liên quan đến thiết bị điện tử mới này như thế nào", luật sư Frank Riccio nới với Fox61.
Theo Mary-Jane Foster, Chủ tịch tổ chức bảo vệ phụ nữ Interval House, việc theo dõi người khác có thể dẫn đến nhiều hành vi nguy hiểm khác sau đó, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Sự việc lần này đã cho thấy AirTag đang thực sự trở thành mối đe doạ, nhất là khi nó nhỏ gọn và không gây chú ý.
Wilfred hiện được tại ngoại sau khi nộp 10.000 USD tiền bảo lãnh. Phiên toà dự kiến diễn ra trong tuần tới.
AirTag là thiết bị định vị của Apple, vốn ra đời với mục đích tìm lại đồ đạc thất lạc. Thiết bị có thời lượng pin một năm, sử dụng kết nối Bluetooth và tự động kết nối tới mọi iPhone trong khoảng cách 10 mét. Tính năng này giúp người sử dụng có thể tìm thấy AirTag ở bất cứ đâu trên thế giới, miễn là có một chiếc iPhone ở gần. Từ khi ra đời vào năm ngoái, thiết bị giá 29 USD này bị giới chuyên gia lo ngại có thể trở thành thiết bị rình mò người khác. Apple cũng phải bổ sung tính năng cảnh báo nếu có một AirTag "lạ" ở gần người dùng.
Thực tế trong những tháng gần đây, liên tiếp các trường hợp được ghi nhận tại Mỹ và Canada, trong đó kẻ xấu dùng AirTag đặt lên xe hơi để theo dõi. Cảnh sát Canada cũng ghi nhận ít nhất 5 vụ trộm xe sang liên quan đến thiết bị này.
Lưu Quý