Câu chuyện bắt đầu cách đây 4 năm, khi ấy Công ty Trường Ngân là một đại gia xuất khẩu nông sản với kim ngạch hàng triệu USD. Được các nhà băng đua nhau săn đón, năm 2009, doanh nghiệp này thiết lập quan hệ tín dụng đầu tiên với Ngân hàng Quốc tế (VIB).
Để cho Trường Ngân vay số vốn hơn 100 tỷ đồng, VIB đã nhận hàng tồn kho làm tài sản thế chấp, được đăng ký giao dịch đảm bảo và được bảo vệ, giám sát bởi Công ty quản lý tài sản của nhà băng (VIB AMC).
Đến năm 2011, Techcombank và Maritime Bank có quan hệ tín dụng với đại gia này. Trong đó, Maritime Bank cho Trường Ngân vay 100 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động sản xuất kinh doanh cà phê. Thời hạn vay mỗi khế ước nhận nợ tối đa 4 tháng. Tài sản bảo đảm cho khoản vay trên là 1.360 tấn cà phê Robusta, được quản lý ở kho hàng của Công ty Trường Ngân. Việc thế chấp các tài sản này cũng đã được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Sau ba đơn vị trên, Vietinbank cũng cho Trường Ngân vay vốn vào đầu năm 2012. Tài sản thế chấp là 4.546 tấn cà phê trong kho cùng với một số bất động sản.
Điểm chung của bốn nhà băng trên là cho vay dưới hình thức hàng tồn kho luân chuyển, có nghĩa là hàng tồn kho mà vẫn tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh. Với hình thức này, các ngân hàng ký hợp đồng thế chấp, trong đó khách vay vẫn có thể xuất nhập hàng nhưng phải cam kết duy trì một lượng hàng tồn kho nhất định.
Riêng với ba ngân hàng cho vay sau cùng gồm Agribank, MB và OCB (năm 2012) đã nhận bảo đảm của Trường Ngân theo nguyên tắc nhận hàng cụ thể, vị trí lưu giữ hàng hóa theo đặc thù kho hàng. Nghĩa là bên trong kho hàng, Trường Ngân phân thành từng khu vực nhỏ, có 7 cửa ra vào và mỗi nhà băng có khoang hàng thế chấp riêng.
Đến đầu năm 2013, tình hình trả nợ của công ty Trường Ngân có dấu hiệu không đúng hạn. Quá trình kiểm tra, giám sát cho thấy, doanh nghiệp này có quan hệ với nhiều tổ chức tín dụng, có hiện tượng thế chấp trùng hàng hóa, nên ngân hàng đã tăng cường kiểm soát.
Cuối tháng 5, đại diện 7 ngân hàng đã tổ chức cuộc họp với Trường Ngân và xác định kho hàng mà vị "đại gia" này thế chấp có sự chồng lấn. Tranh chấp giữa một bên là ba ngân hàng có khoang riêng với một bên là 4 nhà băng nhận đảm bảo bằng toàn bộ hàng tồn kho bắt đầu nổ ra.
Sau đó, các nhà băng thống nhất thu xếp một buổi làm việc tại kho Công ty Trường Ngân để ghi nhận lại hiện trạng, vị trí toàn bộ kho hàng, các lô hàng trùng lắp. Việc phân chia sau đó sẽ tiếp tục được các nhà băng đàm phán hoặc theo quyết định của Tòa án.
Ngày 5/6, Toà án quận 4 (TP HCM) có quyết định công nhận thỏa thuận giữa Công ty Trường Ngân và OCB, xác định số tiền mà Trường Ngân còn nợ ngân hàng này là hơn 93 tỷ đồng. Theo nội dung quyết định, nếu Công ty Trường Ngân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng cam kết trả nợ, OCB có quyền yêu cầu phát mại đối với toàn bộ tài sản bảo đảm là hàng hóa 3.360 tấn cà phê để thu hồi nợ. Quyết định này cùng với việc thi hành án sau đó đã đẩy việc tranh chấp tới mức căng thẳng hơn.
Trong biên bản làm việc hồi tháng 8 vừa qua, các nhà băng đã rất bất ngờ khi lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận do làm ăn thua lỗ nên đã mang hàng thế chấp đi bán và có sự xáo trộn vị trí trong kho hàng. Hiện tổng kho chỉ còn 2.800 tấn cà phê...
Đại diện một ngân hàng liên quan tâm sự, về nguyên tắc, một tài sản đảm bảo có thể thế chấp ở nhiều ngân hàng, miễn sao giá trị tài sản đủ đảm bảo cho tất cả khoản nợ. "Rắc rối ở đây là Trường Ngân đã cố tình rút ruột khiến hàng thế chấp giá trị nhỏ hơn tiền vay", vị này nói. Khi thế chấp, ngân hàng nhận hàng cà phê thành phẩm và quản lý theo hình thức tiền vào hàng ra. Nhà băng thường phải xuyên kiểm tra, với sự chứng kiến của nhân viên bảo vệ hàng hóa thế chấp và cán bộ quản lý kho hàng của Trường Ngân. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại không đồng ý cho bảo vệ của ngân hàng vào kho, mà chỉ cho làm nhiệm vụ bên ngoài. Các nhà băng phỏng đoán đây là nguyên nhân dẫn đến việc Trường Ngân lợi dụng rút ruột, tráo đổi hàng hóa vì kho có nhiều cửa vào, bên trong lại thông nhau.
Giữa tuần này, sau nhiều ngày ồn ào, cơ quan chức năng đã cưỡng chế xong kho hàng cà phê của Công ty Trường Ngân, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (Bình Dương). Tổng lượng hàng lưu kho thực tế chỉ có khoảng 1.500 tấn, chưa bằng một nửa so với con số được doanh nghiệp kê khai để cầm cố tại Ngân hàng Phương Đông (OCB). Trong đó, chỉ có khoảng 700 tấn cà phê, còn lại hơn 800 tấn rác gồm sỏi, vỏ cà phê, tro trấu… được ngụy trang trong các bao tải trộn lẫn trong kho.
Về phương án xử lý nợ của Trường Ngân trong thời gian tới, trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo của Agribank cho biết, hiện công ty còn nợ ngân hàng ông gần 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, vị này khẳng định, không tham gia tranh chấp cùng các ngân hàng bởi kho thế chấp cho đơn vị ông được quản lý theo quy trình riêng. "Kho của Agribank còn niêm phong đầy đủ, được quây riêng, có cửa ra vào riêng. Giá trị lô hàng do Agribank bảo quản hiện có giá trị khoảng 75 tỷ đồng".
Theo Agribank, Trường Ngân là một trong những doanh nghiệp cà phê có nguồn thu ngoại tệ tốt nên việc cùng lúc có nhiều ngân hàng cho vay là điều dễ hiểu. Riêng về khả năng thu hồi khoản vay hiện nay, Agribank cho rằng, công ty vẫn còn có 2 nguồn thu tốt. "Một là họ vẫn gia công cà phê cho các đại lý nên công ty cũng cam kết mỗi tháng trả 500 triệu đồng cho ngân hàng từ nguồn thu gia công này. Ngoài ra, còn một nguồn thu khác từ việc xuất lô hàng trong kho", một lãnh đạo cấp cao của Agribank thông tin.
Đại diện Vietinbank cũng khẳng định, hàng hóa nhận đảm bảo của Trường Ngân đều có đầy đủ hồ sơ chứng từ. Hiện ngân hàng đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước và nhờ cơ quan chức năng điều tra, phân xử. Dư nợ ban đầu Trường Ngân vay tại nhà băng này khoảng 100 tỷ đồng nhưng đã trả dần và hiện còn vài chục tỷ đồng.
Trong khi đó, dư nợ của Trường Ngân tại MB còn hơn 80 tỷ đồng. Chia sẻ với VnExpress.net, ông Hoàng Trúc Hùng - đại diện Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản Ngân hàng Quân đội (MB AMC) cho biết, hiện trong kho của Trường Ngân có 615 tấn cà phê công ty này thế chấp và có tem niêm phong của MB. Ông Hùng ước tính, số hàng này trị giá khoảng hơn 20 tỷ đồng.
Ngoài kho hàng này, khi vay vốn tại MB, Trường Ngân cũng thế chấp nhà, dây chuyền máy móc thiết bị, ôtô, cà phê. Từ cuối năm 2011 đến nay, doanh nghiệp đã không thể thực hiện các cam kết trả nợ cho MB và nguồn tin từ ngân hàng này cho biết, đã giải chấp xong chiếc ôtô công ty này dùng làm tài sản đảm bảo. Đại diện MB AMC cho biết thêm, tạm thời ngân hàng chưa có kế hoạch di chuyển số hàng trong kho.
Riêng với Maritime Bank, phần nợ tại Trường Ngân hiện nay còn ít nhất trong số 7 ngân hàng, khoảng 38 tỷ đồng. Đại diện nhà băng này cho biết đã khoanh vùng số lượng hàng của mình tại kho và cử bảo vệ canh giữ. "Chúng tôi mong muốn các ngân hàng nên tiếp tục ngồi lại đàm phán để xem phân chia tỷ lệ hàng thế chấp sao cho hợp lý, tránh tình trạng tự ý chuyển cà phê ra khỏi kho, gây tình trạng bất ổn về an ninh trật tự", đại diện Maritime Bank nói.
Vụ việc 7 ngân hàng cùng cố gắng giành quyền kiểm soát kho cà phê của Trường Ngân vẫn chưa có kết luận cuối cùng ai đúng, ai sai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách thức cho vay và những kiểu hành xử thời gian qua của các định chế tài chính cần được xem xét lại và làm bài học chung cho các ngân hàng về cách ứng xử trong quan hệ tín dụng với những khách hàng được đánh giá là khách có vị thế, đầy tiềm năng.
Lệ Chi - Thanh Lan