Sáng 3/12, cảnh sát có mặt tại kho chứa hàng của Công ty TNHH Trường Ngân tại phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương để thực hiện quyết định thi hành án, phát mãi 3.360 tấn cà phê mà doanh nghiệp này đã cầm cố thế chấp cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Bên ngoài cổng, đại diện một số ngân hàng có tranh chấp khối lượng cà phê trên cùng hàng chục bảo vệ cũng có mặt. Tuy nhiên, chỉ đại diện lãnh đạo các nhà băng này là được phép vào làm việc với những người có chức trách. Họ nêu yêu cầu tạm ngưng thi hành án với 3.360 tấn cà phê, song không được lực lượng chức năng đáp ứng.
Để bảo vệ an toàn cho việc cưỡng chế, hai đầu đường dẫn vào nhà kho công ty Trường Ngân được chốt chặn, hàng trăm người dân hiếu kỳ đã đổ xô đến xem. Sau khoảng một giờ làm các thủ tục theo trình tự, các chấp hành viên thi hành án thị xã Dĩ An đã cắt niêm phong mở cửa kho để lực lượng nhân công bốc dỡ hàng hóa.
Trao đổi với VnExpress, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Ngân hàng Phương Đông cho biết, Trường Ngân còn nợ ngân hàng này hơn 93 tỷ đồng, cầm cố bởi lượng hàng trong kho và một phần nhỏ tài sản thế chấp khác. Quyết định ngày 5/6 của TAND quận 4, TP HCM công nhận sự thỏa thuận giữa OCB và Công ty Trường Ngân, doanh nghiệp này được trả dần số tiền còn thiếu nêu trên vào ngày 28 dương lịch hàng tháng, bắt đầu từ ngày 28/5 trở đi, cho đến khi trả dứt nợ theo đúng lịch trình đã cam kết.
Theo đó, Trường Ngân cam kết đảm bảo đủ số lượng hàng đã cầm cố cho OCB tại kho riêng của OCB theo các hợp đồng cầm cố và biên bản có liên quan. Trong quá trình thi hành án, nếu Trường Ngân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nghĩa vụ thì OCB được quyền yêu cầu Trường Ngân trả ngay một lần đối với toàn bộ số tiền còn thiếu và phải trả lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn mà các bên đã thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng.
“Cho đến thời điểm hiện tại, Trường Ngân đã vi phạm các nội dung đã thỏa thuận. Do vậy, chúng tôi đã kiến nghị Chi cục thi hành án thi hành quyết định thỏa thuận giữa OCB và Trường Ngân”, đại diện nhà băng nói.
Trước đó, ngày 1/12, cho rằng quyết định thi hành bản án của TAND quận 4 giao 3.360 tấn cà phê cho OCB gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, các ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) và ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB bank) đã có đơn kiến nghị tạm ngưng thi hành án đối với việc phát mãi khối lượng 3.360 tấn cà phê của Trường Ngân cho OCB.
Theo đại diện Ngân hàng Hàng Hải, khi biết kho hàng của Trường Ngân sẽ bị cưỡng chế để trả nợ vay cho OCB, nhà băng này đã làm đơn đề nghị gửi Chi cục thi hành án thị xã Dĩ An yêu cầu tạm dừng quyết định cưỡng chế. Bởi theo lý giải của Maritime Bank, số hàng hoá trong kho của Trường Ngân đang là tài sản tranh chấp giữa 7 ngân hàng. Tổng số hàng trong kho còn lại cũng ít hơn rất nhiều so với số hàng thế chấp. Vị trí hàng hoá thế chấp của Ngân hàng Hàng Hải lại trùng với một số ngân hàng khác, trong đó có OCB.
"Hành vi của Trường Ngân có dấu hiệu cố ý thế chấp trùng hàng hoá giữa các ngân hàng. Maritime Bank đã khởi kiện Trường Ngân tại TAND quận 4 và đã được chấp thuận đơn", nhà băng này cho biết.
Các ngân hàng khác đều đã khởi kiện Trường Ngân, được TAND quận 4 thụ lý giải quyết và xác định thứ tự ưu tiên giữa các ngân hàng trong việc thanh toán nợ vay khi tiến hành phát mãi kho hàng Trường Ngân thế chấp. Phía các nhà băng này cho rằng, để đảm bảo quyền lợi và sự công bằng khách quan, đề nghị cơ quan thi hành án tạm dừng việc cưỡng chế hàng của Trường Ngân cho OCB.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Quý Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án thị xã Dĩ An, việc tiến hành cưỡng chế là đúng với trình tự, quy định của pháp luật. Ông Sơn cho biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ ủy thác thi hành án, cơ quan này đã thông báo cho các bên chủ động và tự nguyện thi hành án trong vòng 15 ngày nhưng đã quá thời hạn mà Công ty Trường Ngân vẫn không thực hiện.
“Số cà phê này sẽ được Chi cục thi hành án quản lý trong vòng 30 ngày. Nếu các ngân hàng khác có phát sinh tranh chấp, lúc đó sẽ được giải quyết. Vì vậy việc cưỡng chế vẫn được tiến hành”, vị lãnh đạo cơ quan thi hành án cho biết.
Nửa năm trước, ngày 6/6, liên quan khoản nợ vay của Trường Ngân lên đến hàng trăm tỷ đồng nên đại diện thu hồi nợ của các ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Quân đội MB, Ngân hàng Quốc tế VIB, Agirbank, Maritime Bank, Vietinbank và Techcombank đồng loạt có mặt tại kho chứa hàng của Trường Ngân để tranh chấp về khối lượng 3.360 tấn cà phê mà theo quyết định của tòa là giao cho OCB. Các ngân hàng đều cho rằng đơn vị mình có quyền lợi hợp pháp liên quan đến số cà phê mà Trường Ngân đã tín chấp trong hợp đồng tín dụng với ngân hàng mình.
Hôm đó tuy trời mưa to nhưng hàng chục cảnh sát đã có mặt để can thiệp xử lý. Việc thi hành quyết định cưỡng chế đã bị tạm ngưng. Nhà kho chứa 3.360 tấn cà phê cũng niêm phong được các ngân hàng thuê lực lượng bảo vệ giám sát.
Nói về số nợ của mình, ông Nguyễn Xuân Bình, chủ doanh nghiệp Trường Ngân xác nhận nợ cả gốc và lãi mà doanh nghiệp vay mượn của 7 ngân hàng là khoảng 600 tỷ đồng. Chủ doanh nghiệp này cũng thừa nhận, do làm ăn thua lỗ, hàng tồn nhiều cộng với lãi suất cao khiến doanh nghiệp mất khả năng thanh khoản.
Nguyệt Triều - Lệ Chi