Từ trước khi xảy ra vụ việc cả 7 ngân hàng cùng đưa người tới Công ty Trường Ngân để giữ kho hàng thế chấp chiều 6/6, các bên đã ngồi lại với nhau xác định lại nợ nần. Theo lãnh đạo một ngân hàng trong nhóm này, các bên cần có thỏa thuận để phân chia quyền lợi, xử lý các vấn đề phát sinh.
"Nhưng Ngân hàng Quân đội lại một mình cử người tới chuyển cà phê ra khỏi kho, chúng tôi buộc phải cử cán bộ xuống để ngăn chặn, nhằm đảm bảo nguồn hàng thế chấp không bị phân tán", ông nói.
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo OCB cũng cho biết, phần Trường Ngân còn nợ ngân hàng mình đến nay khoảng 90 tỷ đồng, được cầm cố bởi lượng hàng cà phê đang trong kho và một phần nhỏ tài sản thế chấp khác. Theo ông, số cà phê Trường Ngân cầm cố cho OCB được chứa vào khoang riêng, đánh dấu rõ ràng và có bảo vệ của nhà băng canh giữ. Các nhà băng đang đợi Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng can thiệp để xem xét tính pháp lý trong mỗi hợp đồng vay.
"Chúng tôi đều có giấy tờ hợp lệ nên sự việc cần giải quyết trên cơ sở của luật pháp", ông nói
Đại diện Ngân hàng VIB cũng cho rằng mình có đầy đủ hồ sơ, hợp đồng vay theo quy định. Đến thời điểm xảy ra tranh chấp, Trường Ngân nợ ngân hàng này hơn 100 tỷ đồng. Còn Maritime Bank không tiết lộ số nợ cụ thể nhưng cho biết dư nợ của nhà băng tại Trường Ngân nhỏ nhất so với các ngân hàng khác.
Tại buổi làm việc chiều 6/6, 7 ngân hàng liên quan gồm MB, VIB, OCB, Agirbank, Maritime Bank, Vietinbank và Techcombank cùng Công ty Trường Ngân và phía công an chưa đi đến thống nhất về việc giải quyết số cà phê thế chấp trong kho. Do tất cả các nhà băng đều có cà phê thế chấp tại kho của công ty này nên tạm thời Công an thị xã Dĩ An đã cho niêm phong kho hàng, không một đơn vị nào được chuyển hàng đi nơi khác.
Trao đổi với VnExpress, ông Bùi Văn Nu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cho biết, vụ việc 7 ngân hàng cùng giành nhau kho hàng tuy xảy ra trên địa bàn tỉnh nhưng không nằm trong phạm vi quản lý của cơ quan này. Bởi lẽ, Công ty Trường Ngân có trụ sở chính tại quận 4, TP HCM, còn ở Bình Dương chỉ là kho chứa hàng của công ty này. "Các ngân hàng có quan hệ tín dụng với Trường Ngân cũng đều ở TP HCM", ông Nu nói.
Tuy nhiên, với trách nhiệm Ngân hàng nhà nước quản lý trên địa bàn, cơ quan này đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM để có hướng xử lý và cũng như đề nghị các nhà băng có liên quan đến kho hàng cà phê của Công ty Trường Ngân khi tác nghiệp phải phù hợp với pháp luật, tránh tình trạng xảy ra bất an về trật tự xã hội trên địa bàn như hôm qua.
Mặc khác, qua vụ việc này, ông Nu cho biết Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương cũng rút ra một kinh nghiệm và có chỉ đạo, quán triệt tất cả các ngân hàng hoạt động trên địa bàn khi có sự việc tương tự xảy ra cần báo ngay cho Ngân hàng Nhà nước để có hướng xử lý phù hợp hơn.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết thêm, ngày 7/6, các nhà băng có liên quan đã ngồi lại với các cơ quan chức năng, công an để tiếp tục tiến hành kiểm kê cũng như niêm phong hàng hóa thế chấp, tránh trường hợp các tài sản đã thế chấp bị tẩu tán, thất thoát ảnh hưởng đến rủi ro của các ngân hàng.
Mặc khác, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng tiếp tục xác định rõ về tính pháp lý đối với tài sản được cầm cố, thế chấp cho ngân hàng nào để tìm biện pháp giải quyết giữa các ngân hàng cho phù hợp theo quy định của pháp luật.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng tại TP HCM nhìn nhận, về nguyên tắc một tài sản đảm bảo có thể thế chấp ở nhiều ngân hàng, miễn sao giá trị tài sản đủ đảm bảo cho tất cả khoản nợ. Trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ thì việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ căn cứ vào hợp đồng thế chấp cầm cố để thực hiện từng bước theo quy định của hợp đồng.
Sở dĩ xảy ra tình trạng nhiều ngân hàng cùng xiết nợ hàng cầm cố của một công ty là do trước đó có thể các nhà băng cho vay chủ yếu dựa vào phương án và khả năng trả nợ tốt của doanh nghiệp, còn tài sản thế chấp chỉ là phụ. "Nếu tình hình kinh doanh phát triển tốt thì không có vấn đề gì nhưng nay do kinh tế khó khăn, hàng tồn nhiều dẫn đến việc kinh doanh của doanh nghiệp thua lỗ và mất khả năng trả nợ", ông nói.
Ông cũng cho biết, việc xử lý nợ xấu có tài sản thế chấp bằng hàng hóa đang xảy ra sự tranh chấp quyền lợi giữa chính các ngân hàng với nhau. Nếu việc này cứ tiếp tục xảy ra sẽ gây mất hình ảnh cho chính các ngân hàng và gây rối an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông dự đoán, với tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, doanh nghiệp sẽ còn thua lỗ thì những vụ việc tranh chấp như thế này xảy ra sẽ rất nhiều. Theo ông, các ngân hàng nên xem xét để có thể giúp doanh nghiệp tái cấu trúc lại các khoản nợ, vượt qua khó khăn, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động thay vì cứ tranh nhau xiết hàng thế chấp của doanh nghiệp.
Lệ Thanh