Kể từ lần đầu tham dự Tank Biathlon năm 2018, đội Việt Nam trong hai năm tiếp theo thi đấu ở Bảng 2, được coi là "chiếu dưới" so với các đội mạnh ở Bảng 1. Chức vô địch Bảng 2 Tank Biathlon năm 2020 giúp Việt Nam lần đầu "ra biển lớn" và thi đấu ở Bảng 1 giải đua tăng năm nay.
Tại vòng loại giải đấu năm nay, đội Việt Nam được xếp cùng bảng cùng Mông Cổ, Venezuela và Syria, những nước đều đã biên chế xe tăng T-72 từ lâu và rất thuần thục loại khí tài này. Việt Nam là đội duy nhất trong Bảng 1 không sở hữu xe tăng T-72, toàn bộ quá trình luyện tập trong nước đều được thực hiện trên những xe tăng cũ hơn như T-54/55 hoặc những khí tài không tương đương.
Các kíp xe Việt Nam bắt đầu hành trình chinh phục Tank Biathlon 2021 bằng việc tiếp nhận 4 xe tăng T-72B3 sơn màu đỏ theo kết quả bốc thăm vòng loại tại thao trường Alabino, ngoại ô thủ đô Moskva, hôm 17/8. Toàn bộ xe tăng T-72B3 của đội tuyển được xác nhận trong tình trạng kỹ thuật tốt, đủ điều kiện tham gia thi đấu.
Đợt bắn hiệu chỉnh pháo xe tăng diễn ra vào chiều 18/8, ba ngày trước khi diễn ra trận đấu đầu tiên của giải đấu. Trong đợt bắn hiệu chỉnh, các kíp xe Việt Nam đã bắn trúng mục tiêu ngay từ viên đạn pháo đầu tiên và phối hợp với nhau ăn ý.
"Sau khi bắn hiệu chỉnh 3 quả đạn pháo đầu tiên, các pháo thủ đổi xe để làm quen với nhiều xe. Nếu như các năm trước đội tuyển cần 2-3 tiếng để bắn hiệu chỉnh thì lần này chỉ cần một giờ", trung tá Lã Văn Nghĩa, huấn luyện viên vũ khí của đội tuyển, cho hay.
Bảng 1 gồm 11 đội thi đấu, là sân chơi cho những đội mạnh cùng đội vô địch Bảng 2 kỳ thi đấu trước đó. Theo quy định, đội xếp cuối Bảng 1 phải quay lại thi đấu ở Bảng 2 vào kỳ Tank Biathlon năm sau, điều gây áp lực không nhỏ cho đội Việt Nam. Giới chuyên gia dự đoán mục tiêu của đội Việt Nam trong lần thi đấu đầu tiên ở "chiếu trên" này là trụ hạng để không rơi xuống Bảng 2 vào năm sau.
Ở trận ra quân ngày 23/8, kíp xe Việt Nam 1 (VN1) gồm trưởng xe Vũ Bá Trọng, pháo thủ Lê Quang Hiệp và lái xe Đỗ Quốc Tuấn đã có màn trình diễn ấn tượng. Pháo thủ Lê Quang Hiệp thể hiện khả năng xạ kích tốt khi liên tiếp bắn trúng cả ba mục tiêu mô phỏng xe tăng ở khoảng cách 1.600-1.800 m.
Việt Nam 1 bám đuổi sát Mông Cổ 1 ở vòng chạy thứ hai, sau khi trưởng xe Vũ Bá Trọng dùng súng máy 12,7 mm hạ mục tiêu mô phỏng trực thăng ở ngay phát đạn đầu tiên. Trong loạt bắn cuối, pháo thủ Lê Quang Hiệp hạ mục tiêu mô phỏng lính chống tăng địch ngay trong loạt đạn đầu tiên.
Kíp xe VN1 hoàn thành phần thi với thành tích 24 phút 58 giây, hạ 5/5 mục tiêu và tốc độ tối đa 65 km/h, xếp thứ hai trận đấu.
Kíp xe Việt Nam 2 (VN2) thi đấu ngày 26/8 với kíp lái gồm trưởng xe Phùng Anh Cương, pháo thủ Phạm Văn Anh và lái xe Chu Văn Tùng. Pháo thủ Phạm Văn Anh bắn trượt cả ba mục tiêu, các phát đạn đều bị hụt tầm và cày đất trước chân bia. Đây là lần đầu trung úy QNCN Phạm Văn Anh thi đấu ở vị trí pháo thủ, do năm ngoái anh giữ vai trò trưởng xe của kíp VN2.
Theo điều lệ thi đấu Bảng 1, kíp xe được bắn lại số đạn tương ứng với số lần bắn trượt. Ở loạt bắn lại, pháo thủ Phạm Văn Anh hạ được hai mục tiêu và kíp xe phải chạy một vòng phạt 500 m.
Trưởng xe Phùng Anh Cương sử dụng súng máy 12,7 mm hạ gọn mục tiêu bia trực thăng trong vòng chạy thứ hai, rút ngắn thời gian cho đội Việt Nam. Ở vòng cuối cùng, pháo thủ Phạm Văn Anh khai hỏa súng máy đồng trục nhanh chóng hạ mục tiêu mô phỏng lính chống tăng, giúp kíp xe gấp rút tăng tốc về đích để rút ngắn thời gian với đối thủ.
Lái xe Chu Văn Tùng điều khiển chiếc T-72B3 đạt tốc độ tối đa tới 66 km/h, cao hơn tất cả các đội khác trong trận. Tuy nhiên, tốc độ này không đủ bù đắp thời gian chạy phạt và kíp xe VN2 vẫn về cuối cùng với thành tích 31 phút 42 giây, hạ 4/5 mục tiêu.
Kíp xe Việt Nam 3 (VN3) thi đấu ngày 29/8 với kíp lái gồm trưởng xe Trần Việt Hải, pháo thủ Phan Anh Tuấn và lái xe Nguyễn Tiến Chiến. Pháo thủ Phan Anh Tuấn thể hiện khả năng xạ kích tốt khi liên tiếp bắn trúng cả ba mục tiêu mô phỏng xe tăng ở khoảng cách 1.600-1.800 m.
Trưởng xe Trần Việt Hải cũng thực hiện tốt phần thi súng máy 12,7 mm khi hạ mục tiêu mô phỏng trực thăng ở ngay phát đạn đầu tiên, trong lúc bia mục tiêu còn đang được nâng lên. Trong loạt bắn cuối, pháo thủ Phan Anh Tuấn hạ mục tiêu mô phỏng lính chống tăng địch sau vài loạt đạn từ súng máy đồng trục.
Kíp xe VN3 về thứ ba với kết quả 24 phút 45 giây, hạ 5/5 mục tiêu và đạt tốc độ 66 km/h. Đây cũng là thành tích tốt nhất từ trước đến nay của các kíp xe tăng Việt Nam tại Tank Biathlon.
Tổ trọng tài hôm qua công bố kết quả chung cuộc vòng loại Bảng 1, trong đó đội tuyển xe tăng Việt Nam đứng hạng 9/11 với tổng thời gian 1 giờ 21 phút 25 giây và hạ 14/15 mục tiêu, kém thành tích đội xếp thứ 8 gần 4 phút. Kết quả này khiến đội tuyển Việt Nam không thể lọt vào bán kết trong lần đầu thi đấu ở Bảng 1, nhưng vẫn đủ để trụ hạng và tiếp tục thi đấu trên Bảng 1 vào năm sau.
Thành tích của đội tuyển xe tăng Việt Nam cũng cải thiện đáng kể so với Tank Biathlon 2020, khi ba kíp xe năm ngoái có tổng thời gian 1 giờ 44 phút 18 giây và hạ 11/15 mục tiêu.
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, cho rằng việc đội Việt Nam trụ hạng thành công năm nay là một "kỳ tích", khi các đối thủ cũng thi đấu rất xuất sắc. Ông cho rằng Việt Nam cũng cần có những cải tiến nhất định trong công tác huấn luyện đội tuyển xe tăng Việt Nam để có thể đạt thành tích cao hơn trong các kỳ Army Games sau.
Đua xe tăng là nội dung quan trọng nhất và thu hút sự chú ý nhiều nhất tại Army Games, hội thao quân sự quốc tế được Nga chủ trì tổ chức thường niên. Giải đua xe tăng có nguồn gốc là cuộc Đua tài Quốc tế diễn ra tại Moskva năm 2013 với chỉ 4 đội tham gia, sau đó được đổi tên thành Tank Biathlon từ năm 2014.
Ban tổ chức Army Games 2021 cho biết các đội tuyển từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia cuộc thi Tank Biathlon năm nay, trong đó Bảng 1 có 11 đội thi đấu gồm chủ nhà Nga, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Mông Cổ, Serbia, Syria, Trung Quốc, Uzbekistan, Venezuela và Việt Nam.
Vũ Anh