Đội tuyển xe tăng Việt Nam sẽ đấu trận đầu vòng loại Bảng 1 Tank Biathlon trong khuôn khổ Army Games 2021 với đối thủ Mông Cổ, Venezuela và Syria vào 20h tối nay (giờ Hà Nội) tại thao trường Alabino, ngoại ô Moskva. Các đội ở Bảng 1 đều được đánh giá là những đối thủ mạnh, khiến đội tuyển Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với việc thi đấu ở Bảng 2 những năm trước đây.
Tank Biathlon 2021 gồm 11 đội thi đấu, được chia làm 2 bảng thi đấu riêng rẽ, trong đó Bảng 1 là sân chơi cho những đội mạnh cùng đội vô địch Bảng 2 kỳ thi đấu trước đó. Đội xếp chót Bảng 1 sẽ phải quay lại thi đấu ở Bảng 2 vào kỳ Tank Biathlon năm sau.
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, nói với VnExpress rằng Bảng 1 là bảng đấu "khó nhằn", tập hợp loạt anh tài đã dày dạn kinh nghiệm thi đấu nhiều năm trên các xe tăng T-72 hiện đại.
"Dù giành vị trí cao nhất trong Bảng 2 của Tank Biathlon 2020, tổng thời gian của đội tuyển Việt Nam vẫn thua kém so với Uzbekistan, đội đứng cuối Bảng 1 năm ngoái. Điều này cho thấy việc chúng ta lần đầu tham dự bảng chiếu trên ở Tank Biathlon 2021 không hề đơn giản", đại tá Tâm cho biết.
"Mục tiêu khả thi nhất mà đội tăng Việt Nam có thể đạt được trong năm nay là phấn đấu trụ hạng và cố gắng học hỏi, đúc rút nhiều kinh nghiệm hơn nữa để vươn lên trong các cuộc thi tiếp theo", ông dự đoán.
Do không sở hữu T-72B3, loại xe tăng được sử dụng để thi đấu tại Tank Biathlon, đội Việt Nam phải luyện tập trên nhiều loại xe tăng khác nhau như các biến thể T-54 và xe công binh IMR-2, cố gắng khai thác những điểm tương đồng giữa mẫu tăng chủ lực này và loại xe tăng thi đấu.
Cơ cấu điều khiển T-72B3 không khác biệt lớn so với T-54 và T-55, do đó hành tiến với tốc độ chậm và ổn định để pháo thủ phát hiện sớm và ngắm bắn chính xác các mục tiêu không phải vấn đề lớn với lái xe, đại tá Tâm nhận định.
"Chứng minh cho điều này là trong hai cuộc thi Tank Biathlon năm 2019 và 2020, đội tuyển xe tăng Việt Nam là một trong số ít các đội hạ trên 50% mục tiêu bằng pháo của xe tăng T-72B3, dù chỉ luyện tập bằng pháo D-10TG trên xe tăng T-54/55", ông Tâm nói.
Về khả năng đua tốc độ, xe tăng T-72B3 tại Tank Biathlon sử dụng động cơ cải tiến V-92S2F với công suất lên tới 1.130 HP, tương đương tăng T-90 mà Việt Nam mới trang bị, có thể đạt vận tốc tối đa trên 75 km/h.
Các bài thi bắn đại liên DShK 12,7 mm nhằm mục tiêu trực thăng, lính chống tăng và xe cơ giới được thực hiện khi xe ở tư thế tĩnh, "do đó có thể chấp nhận được việc sử dụng súng 12,7 mm trên xe công binh IMR-2 do chung khung gầm, động cơ, bánh xích và hệ thống truyền động của dòng T-72B".
Việc Việt Nam xây dựng một thao trường tương tự Alabino là tiến bộ lớn trong công tác huấn luyện của bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam, chuyên gia nhận định. Thao trường đua tăng này được xây dựng tại trường bắn TB2 thuộc Trung tâm Huấn luyện Quân sự Quốc gia 2 tại xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
"Qua các giải đấu Tank Biathlon, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu nhận thấy tính tương đồng cao của các bài thi với tình huống thực tế, cũng như tính tương đồng cao giữa thao trường Alabino và các điều kiện vận động, chiến đấu của bộ đội tăng thiết giáp. Đó là lý do chính của việc cải tạo trường bắn quốc gia TB2", đại tá Tâm nói.
Luyện tập trên trường bắn với các điều kiện tương tự thao trường Alabino là lợi thế rất lớn cho đội tuyển xe tăng Việt Nam. "TB2 về lâu dài sẽ trở thành thao trường huấn luyện nâng cao của bộ tăng thiết giáp Việt Nam. Chúng ta lại có lý do để hy vọng rằng một ngày không xa sẽ có một cuộc thi Tank Biathlon được tổ chức tại Việt Nam".
Nhiệt độ và độ ẩm ở Moskva trong mùa hè không chênh lệch nhiều so với các vùng cận nhiệt đới. Nhiệt độ trung bình tháng 6-8 tại Moskva trong 10 năm qua luôn ở mức 28-33°C, kỷ lục cao nhất là tháng 7/2019 với nhiệt độ tới 38,2°C trong bóng râm, đại tá Tâm cho biết.
Điều kiện thời tiết này tương đối giống vùng Tây Nguyên của Việt Nam, nơi có địa hình cao trung bình 100-300 m trên mực nước biển, với khí hậu khô nóng về mùa hè. Địa hình Tây nguyên nói chung và vùng phía tây tỉnh Bình Định nói riêng cao và tương đối bằng phẳng, ít bị chia cắt, với nền đất bazan cứng "rất thích hợp cho triển khai các khí tài quân sự hạng nặng như xe tăng, thiết giáp".
"Đó là một trong các lý do khiến chúng ta chọn địa bàn huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định để xây dựng trung tâm huấn luyện nâng cao cho bộ đội tăng thiết giáp", đại tá Tâm cho hay.
Nguyễn Tiến