Chị Xuân chăm con gái đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Ảnh: Trần Ngoan. |
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân 30 tuổi ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, lập gia đình cách đây 5 năm, mang thai hết lần này đến lần khác đều không thành công. Các bác sĩ chẩn đoán do gene của hai vợ chồng bị "lỗi" nên khi kết hợp lại không thể có con bình thường được, nếu cố gắng sinh con cũng bị tật nguyền hoặc bệnh tim nặng.
2 năm trước chị Xuân mang thai, hai vợ chồng mừng đến rơi nước mắt. Hạnh phúc chưa tày gang tay thì bác sĩ siêu âm khám thông báo đứa trẻ trong bụng mẹ bị bệnh tim rất nặng và khuyên chấm dứt thai kỳ sớm. Đứng trước thời khắc quan trọng phải đưa ra quyết định giữ hay bỏ đứa con còn chưa thành hình, vợ chồng thẫn thờ. Trên chuyến xe đêm từ bệnh viện về quê hôm ấy, vợ chồng chị Xuân nghe radio phát sóng câu chuyện về một thai nhi chưa kịp chào đời đã bị bỏ. Từng câu, từng chữ như hàng nghìn chiếc gai nhọn đâm vào tim hai người đang chuẩn bị làm cha mẹ: "Con là con của mẹ vậy mà mẹ đã nghe lời một người lạ và bỏ con. Đau quá mẹ ơi con không thể thở được. Tại sao vậy mẹ? Tại sao lại không cần con? Mẹ ơi...". Câu chuyện khiến vợ chồng chị Xuân nhất trí giữ lại núm ruột của mình, dù biết rằng quãng đường phía trước sẽ lắm chông gai.
Chị Xuân sinh con gái đầu lòng bằng phương pháp mổ. Bé được đặt tên là Võ Nguyễn Minh Thảo với mong muốn con hiếu thảo với cha mẹ và giúp ích cho đời. Bệnh nhi sức khỏe rất yếu nên phải nằm lồng chăm sóc đặc biệt rồi chuyển đến bệnh viện ở Nha Trang điều trị tiếp.
Từ đó đến nay đã một năm 3 tháng trôi qua, bé Thảo vẫn chưa biết ngồi mà chỉ lăn, cơ thể gầy gò yếu ớt, cân nặng chỉ 4,7 kg tương đương một đứa trẻ 5 tháng tuổi bình thường. Chị Xuân bảo người ta nuôi một đứa con bình thường đã khó, đằng này bé Thảo bị bệnh tim bẩm sinh Ebstein với nhiều bất thường ở tim như hở van 3 lá, thông liên nhĩ, phình động mạch, chậm phát triển tâm thần vận động, toàn thân tím tái..., việc nuôi nấng càng lắm gian truân. Có những đêm trở trời cô bé khóc suốt, hai vợ chồng phải thay phiên nhau bế đung đưa đến sáng.
Lần đầu tiên bé Thảo uống sữa mẹ đã bị xuất huyết dạ dày, các bác sĩ phải súc ruột cấp cứu, từ đó phải chuyển sang uống sữa công thức hoàn toàn. Hai vợ chồng làm việc cật lực, dè xẻn lắm cũng chỉ đủ tiền để mua sữa, thuốc, tã cho con và chi trả các khoản sinh hoạt trong gia đình. Sau một tháng nằm viện, bác sĩ tiên lượng bé Thảo khó qua khỏi bởi suy tim nặng khiến cơ thể suy nhược trầm trọng, khuyên gia đình nên chuẩn bị tâm lý và lo hậu sự.
Dù vậy chị Xuân vẫn quyết tâm "còn nước còn tát". Hàng ngày bà mẹ trẻ bón cho con từng muỗng sữa và nâng niu chăm sóc. Một lần các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đến Khánh Hòa khám chữa bệnh tim từ thiện cho trẻ em nghèo, chị Xuân đưa con đến khám. Bác sĩ Cao Đằng Khang, Khoa Phẫu thuật Tim mạch nhận định bệnh của bé có thể điều trị được khiến cả gia đình mừng rỡ.
Mới đây bé đã trải qua ca phẫu thuật thành công, những dị tật nơi trái tim đã được khắc phục, nhờ đó lượng máu tuần hoàn giữa các ngăn tim và trong cơ thể ổn định hơn. Bác sĩ Khang cho biết khi được can thiệp kịp thời, hầu hết em bé bị bệnh tim bẩm sinh Ebstein đều có thể trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên trẻ cần được thăm khám định kỳ để đảm bảo sức khỏe tiến triển tốt. Bác sĩ kỳ vọng sau khi sức khỏe trái tim được cải thiện, cơ thể bé Thảo hấp thu thức ăn tốt hơn, thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, đồng thời giảm những khuyết tật về tâm thần vận động.
Cấu tạo của tim. |
Theo các tài liệu y khoa, Ebstein là bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp, chiếm khoảng 1% trong số các dị tật tim bẩm sinh. Đây là tình trạng bất thường về cấu trúc tim, trong đó các lá van của van 3 lá (van thông giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải) không khép kín được vào nhau.
Do sự bất thường này, máu có thể chảy ngược lại tâm nhĩ trái thay vì được bơm vào động mạch chủ để đến phổi. Tình trạng này làm cho lượng oxy trong máu thấp, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu lên phổi nhưng vẫn thiếu oxy đến các cơ quan, do vậy da bệnh nhân thường tím tái.
Bệnh thường đi kèm theo một số bất thường khác như thông liên nhĩ, hẹp van động mạch chủ. Tâm nhĩ thường có kích thước lớn hơn bình thường.
Người mẹ nghẹn ngào kể về bệnh tình của con
>> Xem thêm Nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh tim Ebstein