Tối 10/7 gần 20 bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) đã tiến hành ca mổ bắt con cho thai phụ Trâm. Khi đó thai nhi mới được 29 tuần, nhưng sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn. Tiếng khóc chào đời của bé trai nặng 1,2 kg khiến người mẹ trào nước mắt, các bác sĩ thở phào nhẹ nhõm. Sản phụ phải sinh con ở tư thế ngồi, và đây cũng là lần đầu tiên các bác sĩ mổ đẻ trong tư thế bệnh nhân ngồi. Bé trai được gia đình tạm thời đặt tên là Trần Gấu với hy vọng con sẽ khỏe mạnh.
Mang thai lần đầu được 11 tuần, Trâm nổi hạch ở cổ song không hề nghĩ mình bị ung thư. Tuần thai thứ 19, cô được bác sĩ Bệnh viện K chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối đã di căn. Bác sĩ tư vấn nên hủy thai kỳ để điều trị bệnh hiệu quả hơn, cô biết mình đã không còn cơ hội sống nữa nên quyết giữ lại thai nhi, hy vọng mẹ cầm cự đủ lâu để con có thể chào đời.
Bé Gấu, con sản phụ Trâm đang tiếp tục cuộc chiến của chính mình. Ảnh: N.P. |
Đến tuần thai thứ 27, khó thở không chịu được nữa, Trâm vào Bệnh viện K cơ sở 1 tại Quán Sứ, Hà Nội, điều trị, một tuần sau khó thở hơn nữa nên phải chuyển vào nằm khoa hồi sức. Tối 10/7, thai nhi ở tuần thứ 29, các bác sĩ nhận thấy sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con nên đề nghị đồng nghiệp ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương sang hỗ trợ mổ sinh.
2 kíp y bác sĩ gồm mổ đẻ và sơ sinh từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cùng sang Bệnh viện K thực hiện ca mổ. Bác sĩ Nguyễn Liên Phương, Phó trưởng khoa Sản bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung ương người trực tiếp mổ vẫn nhớ như in ca mổ đặc biệt chỉ mới 3 ngày trước này. “Nhìn thai phụ ngồi thở, tôi cảm nhận sự sống của chị rất mong manh có thể đi bất cứ lúc nào nhưng vẫn cố trao đổi về ca mổ với tôi", bác sĩ Phương thuật lại. Thai nhi chưa tròn 29 tuần nên bác sĩ nói trước với người mẹ rằng bé sẽ gặp rất nhiều khó khăn để sống. "Cô ấy lắng nghe và nói ‘bác sĩ cứ cố gắng hết sức, được đến đâu thì được, chào đời được thì con em sẽ tự chiến đấu với đời’", khiến tôi thấy thương vô cùng, chỉ biết cố hết sức mình cứu lấy bé”, bác sĩ Phương kể.
Vào ca mổ, thai phụ không thể nằm nên các bác sĩ phải mổ cho cô ở tư thế ngồi. Bác sĩ Phương nói rằng đây là lần đầu bà mổ bắt con cho bệnh nhân trong tư thế ngồi khác lạ như thế này. Bác sĩ cúi đầu ngang bàn để mổ, bệnh nhân suy yếu nên phải các thao tác mổ phải cố gắng thật nhanh. Tư thế sản phụ ngồi cũng không phải dễ dàng cho bác sĩ khi phải mổ dọc, ruột dồn hết xuống vị trí mổ. Trong lúc đó, hai y tá giúp nâng đỡ sau lưng bệnh nhân, một người phải nâng thành bụng chị.
30 phút kể từ khi bắt đầu ca mổ, em bé cất tiếng khóc chào đời, các bác sĩ thở phào nhẹ nhõm còn người mẹ mừng rơi nước mắt. Ngay lập tức, bé được các bác sĩ chuyên ngành sơ sinh tiếp nhận cấp cứu đưa vào lồng ấp và chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ê kíp còn lại tiếp tục hoàn thành ca mổ. Và sau đó là cuộc chiến khác với hy vọng cứu người mẹ.
Trong suốt quá trình chị Trâm nằm viện, các bác sĩ hai bệnh viện thường xuyên trao đổi thông tin để lựa chọn biện pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân. Bác sĩ Trần Đức Thọ, Phó khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện K cho biết, bệnh nhân vào viện khi thai được 27 tuần, tình trạng sức khỏe yếu, suy hô hấp khó thở, tràn dịch màng tim, màng phổi. Bệnh viện hội chẩn với các chuyên gia của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai đều thống nhất không thể mổ lấy thai nhi vào thời điểm ấy, thay vào đó cố gắng duy trì em bé ở trong bụng mẹ được ngày nào tốt ngày đấy.
Sức khỏe yếu nhưng gương mặt Trâm khá tươi tỉnh vì con đã chào đời an toàn. |
Bệnh nhân được điều trị triệu chứng, thở ôxy, hỗ trợ dinh dưỡng đặc biệt, tiêm truyền… Tất cả thuốc dùng cho thai phụ đều là loại đắt tiền, được các bác sĩ hai chuyên khoa sản và ung bướu cân nhắc cẩn thận để không ảnh hưởng quá nhiều đến thai nhi.
Điều khiến các bác sĩ cảm động là nghị lực phi thường, tình mẫu tử của người mẹ. Bệnh nhân bị tràn khí màng phổi, hạch dày đặc hai bên cổ, cộng thêm khối u trung thất khiến khó thở. Hơn nửa tháng nằm viện, bệnh nhân không thể thở được mà phải ngồi 24/24h, mỗi ngày chỉ ngủ 2 tiếng, mệt mỏi đau đớn do ung thư.
“Khi mổ chúng tôi cũng không thể gây mê vì gây mê thì bệnh nhân có thể không tỉnh lại được, thậm chí thuốc an thần cũng không được tiêm vì có thể làm tăng suy hô hấp. Vì thế chỉ gây tê tủy sống, trong khi mổ bệnh nhân gần như tỉnh táo. Ca mổ diễn ra hết sức căng thẳng, chúng tôi sợ mất cả mẹ lẫn con”, bác sĩ Thọ nói.
Bác sĩ Lê Thị Yến, khoa Nội Quán Sứ, Bệnh viện K cho biết, thai phụ hiểu cuộc sống của mình chỉ còn đếm từng ngày và muốn giữ con nên quyết định không điều trị ung thư, chỉ thi thoảng gọi điện hỏi bác sĩ về vấn đề dinh dưỡng.
Bà Lan, mẹ Trâm không giấu được nước mắt khi nghĩ đến cô con gái còn quá trẻ mắc bệnh trọng và đứa cháu ngoại đang nằm trong lồng kính. “Gia đình chúng tôi thực sự biết ơn các bác sĩ đã làm đến bước này với hai mẹ con. Sau này khi Trâm mất thì đứa cháu là niềm an ủi của gia đình, còn mẹ cháu bác sĩ cứu được ngày nào tốt ngày đấy”, bà Lan nghẹn ngào nói.
Phó giám đốc Bệnh viện Trần Văn Thuấn đánh giá sức khỏe mẹ hiện tại ổn, chờ tốt hơn sẽ cân nhắc các biện pháp điều trị. Đây là lần đầu tiên bệnh viện điều trị cho bệnh nhân có thai trên nền bệnh ung thư phổi. Trước đó bác sĩ gặp nhiều ca thai phụ bị ung thư vú song tình trạng sức khỏe khả quan hơn.
Bé trai con chị Trâm hiện nằm điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, ngay khi bé được chuyển đến các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản và cho thở máy. Bé suy hô hấp rất nặng lại sinh non tháng. Hiện sức khỏe của trẻ đã cải thiện hơn so với lúc mới sinh, thở máy cấp độ thấp, được điều trị chống suy hô hấp, các biện pháp dự phòng nhiễm nhuẩn. Bé sẽ tiếp tục được chăm sóc đặc biệt cho đến khi cứng cáp, có thể tự thở. Theo các bác sĩ, trẻ sinh non tháng như trường hợp này có thể phải nằm viện 3 tháng.
Bệnh nhân nghèo nên vào viện có nhà hảo tâm lo toàn bộ chi phí ăn ở đi lại, Quỹ Ngày mai tươi sáng cũng hỗ trợ gia đình 10 triệu đồng.
Nam Phương