Cử tri Đức cuối tuần này sẽ đi bỏ phiếu bầu quốc hội liên bang (Bundestag), đánh dấu kỷ nguyên của Thủ tướng Angela Merkel sắp khép lại. Khi quyết định không tham gia cuộc bầu cử toàn quốc ngày 26/9, bà trở thành thủ tướng Đức đầu tiên rời nhiệm sở theo nguyện vọng cá nhân.
Bundestag sẽ bầu tân Thủ tướng của nước Đức. Nếu các cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới kéo dài sau cuộc bầu cử ngày 26/9, Merkel có thể vượt qua Helmut Kohl để trở thành lãnh đạo có thời gian tại nhiệm lâu nhất của Đức.
Những người hâm mộ đã dành nhiều lời ca ngợi Merkel, từ lãnh đạo của thế giới tự do đến "thánh nữ Jeanne d'Arc đương đại", dù bà luôn từ chối nhận những danh hiệu này. Bà cũng nhiều lần được vinh danh là một trong số phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng mô tả Merkel là nhà lãnh đạo chính trị toàn cầu xuất sắc.
Trong sự nghiệp chính trị lâu dài của mình, Thủ tướng Merkel đã để lại một di sản phức tạp. Một số người ủng hộ phong cách chính trị khiêm tốn, đồng thuận của bà, trong khi những người khác cảm thấy bà thiếu sự táo bạo, đặc biệt là trong mối quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Các sử gia sẽ tranh luận về ảnh hưởng của Merkel trong nhiều năm tới, nhưng có một điều chắc chắn là khi rút khỏi chính trường, bà sẽ để lại khoảng trống lớn sau một sự nghiệp chính trị kéo dài ba thập kỷ, bắt đầu từ cuối Chiến tranh Lạnh.
Chính sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 đã mở ra con đường chính trị cho Merkel, con gái của một mục sư ở Đông Đức. Trong bài phát biểu tại Đại học Harvard năm 2019, bà kể về việc đi qua bức tường nổi tiếng mỗi ngày khi trên đường đi làm tại một viện khoa học.
"Bức tường Berlin đã hạn chế những cơ hội của tôi. Nó đã thực sự cản đường tôi", bà nói.
Khi Bức tường Berlin, biểu tượng tồn tại lâu nhất của Chiến tranh Lạnh, bắt đầu sụp đổ, Merkel đã ở tuổi 35. "Chính tại nơi từng chỉ có một bức tường đen, một cánh cửa đã đột ngột mở ra. Đối với tôi, đó chính là thời khắc để bước qua. Lúc đó, tôi đã bỏ lại công việc của một nhà khoa học để tham gia vào chính trị. Đó là khoảng thời gian thú vị và kỳ diệu", bà nói.
Lịch sử đó định hình sự nghiệp chính trị của Merkel khi bà cố gắng biến Đức và châu Âu thành cầu nối giữa phương Đông và phương Tây.
Khi bước chân vào chính trị, Merkel đã nổi lên rất nhanh. Bà gia nhập đảng Dân chủ Thiên chúa giáo có đường lối bảo thủ truyền thống và do nam giới thống trị. Năm 1990, bà được bầu vào quốc hội Đức. Là một người được Kohl, thủ tướng Đức khi đó, bảo trợ, bà Merkel được bổ nhiệm làm bộ trưởng phụ nữ và thanh niên vào năm sau, đồng thời trở thành phó chủ tịch đảng. Trong những ngày đầu sự nghiệp, Merkel được mệnh danh là "cô gái của Kohl".
Nhưng trong một động thái làm giới chính trị Đức choáng váng, bà quay lưng với Kohl trong bài báo vào tháng 12/1999, khi kêu gọi người thầy cũ từ chức. Bà lập luận rằng uy tín của Kohl và của đảng đã bị tổn hại trong một bê bối quyên góp.
"Do đó, đảng phải học cách bước đi từng bước. Đảng phải tin tưởng vào chính mình để tham gia vào cuộc chiến với đối thủ chính trị trong tương lai ngay cả khi không có chiến mã già, như cách Helmut Kohl thường thích tự gọi mình như thế", Merkel viết.
Kohl sau đó tỏ ra thất vọng với quyết định quay lưng của Merkel. "Tôi đã nuôi ong tay áo", ông nói.
Nhưng Merkel vẫn tiến lên và giành chiến thắng sát nút trong cuộc bầu cử năm 2005, đưa bà lên nắm quyền thủ tướng. Khi đó, rất ít người kỳ vọng về những thay đổi sâu rộng trong chính trường Đức, trong khi nhiều nhà chỉ trích cho rằng bà không thể tại vị lâu.
"Nhiều người sẽ nói 'liên minh này đang thực hiện những bước đi nhỏ thay vì những bước lớn'. Tôi sẽ trả lời họ rằng "đúng, đó chính xác là cách chúng tôi làm'", bà nói trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng.
Bà lên nắm quyền trong một giai đoạn tương đối bình yên, trước khi châu Âu sớm bị vùi dập trong các cuộc khủng hoảng liên tiếp.
Khi cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro bắt đầu vào cuối năm 2009, Merkel đã giúp dẫn dắt nỗ lực cứu đồng tiên chung châu Âu. "Nếu euro sụp đổ, châu Âu sẽ sụp đổ", bà nói.
Bằng cách thắt chặt ví tiền của châu Âu, Merkel đại diện cho sự căn ke của Bắc Âu, nhưng cũng trở thành "người đàn bà đáng ghét" ở các quốc gia như Hy Lạp, khi họ phải thắt lưng buộc bụng dưới chính sách mới. Các tờ báo Hy Lạp đã so sánh Merkel với Hitler và các chuyến thăm của bà tới nước này suốt nhiều năm sau đó luôn đi kèm biểu tình phản đối.
Cuối cùng, bà đã giúp Đức và khu vực đồng euro thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Merkel gần đây nói bà xem đó là một trong những thành tựu lớn nhất của bà với tư cách Thủ tướng.
Thời điểm mang tính quyết định nhất trong sự nghiệp chính trị của Merkel có lẽ là năm 2015, khi dòng người tị nạn bắt đầu đổ về châu Âu, tạo nên một cuộc khủng hoảng mới. Nhiều người trong số đó chạy trốn cuộc nội chiến ở Syria và chấp nhận những hành trình vượt biển đầy rủi ro để tới châu Âu.
Thủ tướng Merkel quyết định mở cửa nước Đức với người di cư. Trong một bình luận được đưa ra sau chuyến thăm trung tâm tị nạn vào tháng 8 năm đó, Merkel trấn an dư luận Đức rằng "chúng ta có thể làm được".
Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó cho rằng Merkel đã có lựa chọn đúng đắn, nhưng lập trường thân thiện với người tị nạn của bà đã khiến châu Âu chia rẽ và bà trở thành mục tiêu công kích của phe cực hữu Đức.
Vào thời điểm thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mang tính thời đại tiếp theo, đại dịch Covid-19, Merkel đã hiểu được tầm quan trọng của việc giao tiếp rõ ràng và thẳng thắn. Khi một số lãnh đạo thế giới trở nên mờ nhạt trong đại dịch, Thủ tướng Đức nổi lên với cách tiếp cận dựa trên khoa học.
Đại dịch đã phơi bày một số lỗ hổng của đất nước, như sự thiếu linh hoạt khiến chiến dịch tiêm chủng bị cản trở. Nhưng phần lớn người Đức vẫn ủng hộ cách lãnh đạo của bà Merkel.
16 năm nắm quyền của Merkel đã chứng kiến sự thay đổi của trật tự thế giới. Mỹ đã gây áp lực buộc Đức phải có lập trường cứng rắn với Nga và Trung Quốc. Nhưng là người lớn lên trong Chiến tranh Lạnh, Merkel đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh một cuộc chiến tranh khác.
Bà đã cố gắng tách những căng thẳng chính trị với Trung Quốc và Nga khỏi nhiều vấn đề thương mại và kinh tế. Đôi khi, bà cũng thấy mình không cùng quan điểm với các láng giềng châu Âu.
Mối quan hệ của bà với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đôi lúc trở nên căng thẳng và đối đầu. Nhưng bà nói việc duy trì các kênh đối thoại là điều cần thiết.
Là Thủ tướng Đức qua 4 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, Merkel vẫn giữ cam kết với liên minh Đại Tây Dương, ngay cả khi mối quan hệ trở nên đặc biệt căng thẳng dưới thời tổng thống Donald Trump. Năm 2018, tài khoản Instagram chính thức của Merkel đăng bức ảnh chụp bà đứng chống tay xuống bàn khi Trump đang ngồi khoanh tay ở phía đối diện.
Nhưng ở tuổi 67, Merkel cho rằng đã đến lúc bà dừng lại. "Tôi cũng muốn viết lách, trò chuyện hay leo núi chứ. Tôi cũng muốn ở nhà, cũng thích du lịch khắp thế giới nữa", bà nói tháng này.
Merkel thường từ chối những câu hỏi về di sản của bà, nói rằng phân tích lịch sử không phải chuyên ngành của bà. Thay vào đó, bà muốn tập trung vào công việc của mình.
Nhưng trong cuộc trao đổi ở một thị trấn ven biển ở Stralsund năm 2019, khi được hỏi muốn trẻ em đọc được điều gì về bà trong sách lịch sử 50 năm sau, Merkel nói đó là "bà ấy đã cố gắng".
Thanh Tâm (Theo Washington Post)