![]() |
Ảnh minh họa. |
Mục tiêu mà 112 đề ra là phải có 40 phần mềm dùng chung được triển khai tại bộ, ngành và các địa phương. Nhưng trong 5 năm qua, chỉ có 3 phần mềm gồm: thông tin điện tử tổng hợp kinh tế - xã hội, quản lý văn bản và hồ sơ công việc, trang thông tin điện tử phục vụ điều hành được thử nghiệm tại 27 tỉnh, thành, 15 bộ, ngành. Tuy nhiên, những cái gọi là "phần mềm dùng chung" này, theo đánh giá của Uỷ ban khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội, là kém hiệu quả, tiếng là dùng chung song không thể liên kết ở ngay trong hay ngoài ngành.
'Ngừng Đề án 112 chỉ là việc bình thường' |
'Không thể xóa trắng Đề án 112' |
Sẽ kế thừa những kết quả của Đề án 112 |
Đề án 112 không 'hiện diện' ở Văn phòng Chính phủ |
Theo Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TP HCM Lê Mạnh Hà, giữa năm 2006, đơn vị này đã khảo sát việc sử dụng 3 phần mềm dùng chung tại 4 đơn vị trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy cả 3 chương trình đều có rất nhiều lỗi, dẫn đến việc áp dụng không hiệu quả. Cụ thể, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc không theo dõi được toàn bộ quy trình xử lý, luân chuyển và tra cứu tình hình xử lý văn bản. Các lỗi logic và thiết kế giao diện không chuẩn nên khó khăn trong nhập liệu. Chức năng của trang tin điều hành quá đơn giản, không đáp ứng nhu cầu điều hành. Phần mềm tổng hợp thông tin văn hoá xã hội chưa hỗ trợ việc tính số liệu từng tháng hay cho phép lãnh đạo lập kế hoạch và báo cáo thống kê theo tiêu chí.
"Chúng tôi đã phải bỏ hết và làm lại cái mới, cùng với đơn vị làm phần mềm khảo sát chi tiết thực tế thì phần mềm mới thực sự sử dụng được. Chỉ trong 6 tháng, số tiền chúng tôi đầu tư cho hệ thống mới gấp nhiều lần những gì 112 phung phí cho một địa phương. Nhưng sự tốn kém đó đem lại hiệu quả thiết thực", ông Lê Mạnh Hà cho biết.
Tương tự TP HCM, tỉnh Quảng Nam đã "chạy" thử nghiệm 3 phần mềm của 112 tại 24 cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, ngoài chương trình quản lý văn bản đang vận hành tại Trung tâm tin học Văn phòng ủy ban tỉnh, những cái còn lại đều không được sử dụng. Văn phòng tỉnh đánh giá giao diện, tính năng của các phần mềm này phức tạp, không phù hợp với quy trình tác nghiệp. Việc cài đặt và vận hành lại thường xuyên phát sinh lỗi kỹ thuật trong khi không được đơn vị phát triển phần mềm, hỗ trợ, tiếp tục chỉnh sửa và phát triển.
Một cán bộ của Sở Bưu chính Viễn thông Quảng Nam cho biết, trong khi chờ đợi chỉ đạo cụ thể của Trung ương, Sở này đã lên kế hoạch xây dựng phần mềm phục vụ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh thay thế cho các phần mềm dùng chung. Đây là thực tế cũng đã diễn ra tại nhiều địa phương khác trong cả nước.
Theo hướng dẫn của Ban điều hành 112, hầu hết các tỉnh thành và bộ ngành đều xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu. Một số nơi đã làm xong hạ tầng. Một số khác thì mới trang bị phần cứng. Nhưng tình trạng "rỗng" dữ liệu thì ở hầu khắp. Quảng Nam đã mua 8 máy chủ tương đối mạnh và nhiều thiết bị như: bộ định tuyến, chuyển mạch, lưu điện, modem, máy chiếu... Nhưng dịch vụ hiện vận hành tại trung tâm dữ liệu chủ yếu chỉ phục vụ cho mạng tin học của Văn phòng tỉnh, bao gồm DNS, DHCP, firewall.
Bộ Thuỷ sản thì không dùng hết chức năng của trung tâm tích hợp dữ liệu và chỉ khai thác 3 dịch vụ là thư điện tử, web và quản lý từ xa. Tại Bắc Ninh, máy chủ bó, trái tim của trung tâm dữ liệu, lại đặt tại Sở Tài nguyên môi trường. "Lý do là vì tỉnh không có hệ thống dữ liệu nào lớn và cần lưu trữ lớn như dữ liệu đất đai", ông Nguyễn Lê Phúc, phụ trách tin học Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh, lý giải.
Sau khi giám sát, Uỷ ban khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội cũng nhận định là nhiều bộ, ngành và địa phương đã đầu tư xây dựng hạ tầng phần cứng của trung tâm dữ liệu nhưng chưa rõ sẽ tích hợp thông tin gì. Hầu hết không có kinh phí đầu tư xây dựng kho dữ liệu, cập nhật thường xuyên, ngoại trừ ngành ngân hàng và tài chính. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương đa phần đang được xây dựng ở đơn vị cấp cơ sở, chủ yếu chỉ phục vụ cho hoạt động nội bộ và cũng không theo một quy định chuẩn nào nên không thể tích hợp cho trung tâm dữ liệu chính.
Theo giới chuyên gia tin học, việc xây dựng trung tâm dữ liệu đến nay có thể nói là lãng phí. Chi phí trung bình 4 tỷ đồng cho một trung tâm như thế của các bộ, ngành và địa phương - phần lớn được xây dựng từ năm 2004 - đang bị bào mòn theo thời gian. Và dù là "nằm đắp chiếu" hay vận hành kiểu chờ đợi hoặc chạy cho có thì mức độ khấu hao trung bình của chúng cũng là 15-20% mỗi năm.
"Kế thừa lại cho những chương trình tương tự sau này ư? Hãy nhìn xem công nghệ đang thay đổi như thế nào? Phần mềm và phần cứng phải có sự tương thích với nhau. Đơn giản như muốn dùng Windows Vista cũng phải nâng cấp cấu hình PC cơ mà. 'Di sản' lớn nhất của 112 để lại là bài học kinh nghiệm mà thôi", Giám đốc Sở BCVT Lê Mạnh Hà lắc đầu chua xót nói.
Mục tiêu cơ bản của Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 (Đề án 112) bao gồm: xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý cho các cơ quan quản lý nhà nước và thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện đại hóa công nghệ hành chính. Đến cuối năm 2005, về cơ bản phải đưa hệ thống thông tin điện tử của Chính phủ vào hoạt động. Thực hiện tin học hoá các quy trình phục vụ nhân dân trong lĩnh vực dịch vụ công, nâng cao năng lực của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công một cách thuận tiện, nhanh gọn và có chất lượng cao. |
Nguyễn Hằng