Chiều 24/8, nhiều công nhân Công ty TNHH Nobland Việt Nam tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (quận 12) rời xưởng sản xuất, kéo xuống văn phòng phản ứng khi đơn vị này công bố danh sách lao động bị cắt giảm. Phần lớn trong số này đều gắn bó lâu năm, đang hưởng lương theo thời gian.
Việc phản ứng diễn ra cách đây một tuần khi công ty thông báo sẽ giảm 611 lao động. Doanh nghiệp đưa ra lý do ảnh hưởng Covid-19, khủng hoảng tài chính khiến đơn hàng giảm. Để duy trì hoạt động, nhà máy phải thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động.
Theo phương án Nobland Việt Nam đưa ra, lao động bị cho nghỉ việc sẽ nhận tiền phép năm chưa sử dụng và trợ cấp mất việc - người nhận thấp nhất là hai tháng lương.
Với những công nhân lâu năm, trừ thời gian hưởng trợ cấp từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (từ năm 2009 đến nay), mỗi năm làm việc trước 2009 được trả một tháng lương. Ví dụ, công nhân làm từ năm 2005, đến nay 18 năm, sẽ được công ty trả trợ cấp mất việc cho giai đoạn 2005 đến trước 2009, tức 4 tháng lương. Thời gian còn lại (2009 đến nay), họ nhận trợ cấp từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Từ ngày 21/8, công ty bắt đầu cắt giảm nhưng không công bố toàn bộ danh sách mà gọi từng nhóm lên văn phòng để ra thông báo lao động phải nghỉ việc sau 30 ngày. Thấy thiệt thòi, các công nhân làm đơn cầu cứu ngành chức năng.
"Thay đổi cơ cấu chỉ là cái cớ để doanh nghiệp buộc công nhân lâu năm đang hưởng lương thời gian phải nghỉ việc", một công nhân ký tên đơn kêu cứu nói.
Người này dẫn chứng, sau khi thông báo được đưa ra, nhiều người được gọi lên để lựa chọn phương án. Nếu công nhân chấp thuận chuyển sang nhận lương sản phẩm sẽ được giữ lại nhưng lương cơ bản giảm xuống mức gần 5 triệu đồng mỗi tháng. Trường hợp không đồng ý, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo phương án.
Nữ công nhân cho biết tổ may của chị có hơn 30 người nhưng chỉ những người đang hưởng lương thời gian, có thâm niên mới thuộc diện bị cắt giảm. Bản thân chị là tổ trưởng, gắn bó với công ty 17 năm, lương cơ bản hơn 9 triệu đồng mỗi tháng cũng phải ra đi.
Công ty Nobland Việt Nam 100% vốn Hàn Quốc, hoạt động tại TP HCM từ năm 2003, chuyên ngành may mặc, hiện có hơn 2.500 lao động. Ban đầu, công ty trả lương theo thời gian (ngày làm 8 tiếng). Mức lương thấp nhất cho công nhân mới sẽ cao hơn tối thiểu vùng 7%. Sau đó, cứ mỗi năm lương trả cho lao động tăng thêm 5%. Người thâm niên sẽ có lương cơ bản và đây cũng là mức lương cao làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Mấy năm trở lại đây, công ty bắt đầu chuyển đổi sang tính lương sản phẩm. Tất cả công nhân cùng nhận mức lương cơ bản khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng và phụ cấp 150.000 đồng. Ngoài ra, họ sẽ được chia thưởng năng suất dựa trên mức độ hoàn thành công việc của cả chuyền và từng người. Những công nhân được tuyển mới đều áp dụng cách tính này. Tuy nhiên, cách tính bị công nhân lâu năm phản ứng khi lương cơ bản giảm mạnh. Cuối năm 2021, hơn 1.000 công nhân đã ngừng việc phản đối nên công ty tạm ngưng.
Một công nhân có thâm niên 17 năm làm việc ở tổ cắt cho biết cách tính lương thời gian đã được công ty thống nhất với công nhân ngay từ đầu và ghi rõ trong hợp đồng lao động. Nếu có bất kỳ thay đổi nào phải thỏa thuận lại, trường hợp không đạt được tiếng nói chung công ty cần thương lượng chấm dứt hợp đồng.
"Tuy nhiên nhà máy phải đền bù thỏa đáng cho người lao động, không thể lấy lý do thay đổi cơ cấu để ép chúng tôi nghỉ việc", nữ công nhân nói. Ở tuổi 40, chị khó tìm được việc mới trong khi số tiền trợ cấp mất việc quá ít ỏi.
Nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động cho thấy, việc trả lương sản phẩm buộc lao động dốc hết sức để làm việc. Công nhân có thể phải nhịn tiểu, hạn chế uống nước để kịp tiến độ. Các khảo sát đã chỉ ra với một số ngành như dệt may, lắp ráp điện tử năng suất lao động đạt cực đại ở 2-3 năm đầu khi lao động còn trẻ và giảm dần sau 10-15 năm. Dù phương pháp trả lương theo sản phẩm ngày càng phổ biến, nhiều nước không khuyến khích vì những hệ quả tạo ra cho lao động.
Liên quan vấn đề cắt giảm của Công ty Nobland, bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó ban quản lý các khu chế xuất, công nghiệp TP HCM, cho biết doanh nghiệp đã tuân thủ trình tự quy định, gửi phương án lên cơ quan quản lý trước khi thực hiện. Phương án sử dụng lao động, danh sách nhân sự bị cắt giảm và chính sách hỗ trợ cho lao động đã được doanh nghiệp đối thoại với công đoàn cơ sở.
Ngoài ra, nội dung thay đổi cơ cấu mà doanh nghiệp gửi lên Hepza có sự thống nhất của công đoàn. Tuy nhiên, trước phản ứng của công nhân, sáng 24/8, công đoàn Công ty Nobland lại có văn bản mới gửi ban giám đốc đề nghị xem xét lại các kiến nghị của người lao động.
Cụ thể, dù doanh nghiệp đối thoại với công đoàn nhưng danh sách lao động bị cắt giảm không được công bố khiến họ bị động. Công nhân cũng không đồng thuận với mức chi trả và đề nghị ngoài trợ cấp mất việc, mỗi năm làm việc còn lại công ty phải hỗ trợ thêm nửa tháng lương.
VnExpress đã liên hệ Công ty Nobland để làm rõ các nội dung liên quan, song chưa được phản hồi.
Lê Tuyết